Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Liên Nghĩa - Nam Ban đến bãi hoang Mũi Né (P. cuối)

Cuộc hành trình nào cũng sẽ đến lúc chấm dứt. Ngày 8/8/2012 tức là ngày thứ năm trong chuyến đi, bọn mình sẽ rời Mũi Né về nhà.

< Rời Mũi Né, bọn mình đang hướng về bờ kè bãi cá.

Hành lý đã thu dọn từ tối hôm trước nên giấc sáng không hề bận rộn. 5h30, trả phòng và đi thôi vì tiền trọ đã trả từ tối hôm trước. Trời còn thật sớm nên ra điểm hôm qua ăn sáng, xong rồi lại đến Quyên Sương làm luôn ly cà phê sáng. Vậy nhưng lại ngẫm: đúng ra thì cứ ăn sáng, cà phê cà pháo cho đã rồi trở về vệ sinh răng miệng, trả phòng... thì mới là đúng chuẩn 'phượt', tiện lợi nhiều đàng.
Trời sáng nắng tốt hứa hẹn một ngày khó có chuyện mưa nhưng cũng cho biết là đoạn đường về đầy nóng bỏng, nóng vì nắng đây.

< Mùi vị biển dạt dào... nhưng một buổi nữa thôi lại phải tiếp xúc với cái không khí oi nồng, bụi bặm của thành phố...

Dự tính trước chuyến đi là sẽ về đường ven biển - cái con đường ven biển này đi và về không biết bao nhiêu lần rồi. Vậy nhưng chuyến này vẫn đi dù nó dài hơn QL1A vài mươi cây số, đơn giản vì đường vắng, đường tốt, khung cảnh đẹp và... không có chuyện bắn tốc độ.

< Bắt đầu vào khu Hàm Tiến.

Tuy nhiên mình vẫn cho rằng đường ven biển nên dành cho lúc đi, lúc khỏe khoắn, tâm hồn phấn khởi đầy hào hứng khi bắt đầu vào chuyến du lịch - Còn khi về thường đã thỏa mãn rồi, mọi cảm xúc khám phá đã hả hê rồi thì nên dùng con đường ngắn nhất để về nhà, tránh tổn hao sức lực thêm.

< Nắng sáng vàng hoe, phải chi chiều hôm qua mà thời tiết được như thế này sẽ không phải mất một buổi vàng ngọc...

Cũng như mọi khi: đi đường ven biển, bọn mình sẽ qua Hàm Tiến - Phú Hài - Phan Thiết - Tiến Thành - Kê Gà - Tân Hải - Dinh Thày Thím - Tân An - Lagi - Sơn Mỹ - Bình Châu...

< Có lẽ sẽ ghé bãi đá Ông Địa bù cho ngày hôm qua, chỉ mất mươi phút thôi.

Tại ngã 3 Láng Găng: do chán... đường nên bọn mình thẳng theo QL55 đi Bông Trang - Phước Bửu - Láng Dài - Thị trấn Đất Đỏ - thị trấn Long Điền - qua thị xã Bà Rịa Vũng Tàu rồi theo QL51 về Nhơn Trạch. Lối đi lỏi ngỏi không hề ít, vậy nên nếu ngẫu hứng cứ chạy nhiều còn oải rồi thì ta cứ trực chỉ đường ngắn mà đi...

< Trời trong xanh, hứa hẹn một ngày về 'bốc khói' vì nắng nóng, he he...

Ví dụ như lúc đến Phước Bửu: 'nửa kia' đầy hào hứng đề nghị mình rẽ TL328 để thăm thác Hòa Bình tăng hai (thác Xuân Sơn thuộc thị trấn Hòa Bình) xong rồi sẽ về Ngãi Giao đi hướng Cẩm Đường - Bình Sơn - Long Thành - Nhơn Trạch. May mà bọn mình đều nghĩ lại và không đi, nếu không thì lộ trình sẽ thêm hơn 10km nữa.
< Miếu thờ Ông Địa nho nhỏ nằm ngay trên bãi biển.

Không thêm mươi cây số nhưng tiếng xe máy đều đều trên đường khiến 'nửa kia' ngủ gật lúc trên QL51, mình thì may mắn vẫn tỉnh táo bò lê cho đến khi gặp tấm bảng 'Thành phố Nhơn Trạch': thở phào 'Sao về nhanh vậy cà?'.
< Đá to, đá bé lẫn đá xây dựng kè còn lại...

Vài thông tin sơ lược về vùng đất Vũng Tàu - Bà Rịa mà bọn mình sẽ đi qua, nhưng trước đó sẽ là chút cảm nghĩ của riêng mình về nơi này và những chuyến 'phượt' đầu tiên bọn mình đi khi chưa có từ "Phượt":
< Với khu Hàm Tiến: có lẽ chỉ còn chốn này là bãi biển tự do.

Vũng Tàu ngày xưa là nơi gắn bó với mình suốt hàng chục năm trời. Bé con, khi chưa biết mùi trường học thì đã biết hương vị biển, ham thích mùa hè. Hè để các anh chị được nghỉ học và cả nhà đi chơi biển.



< Rời TL706B, bọn mình vào đường Nguyễn Thông hướng về Phú Hài - Phan Thiết.

Chơi biển ở cái thuở mà người ta đi Vũng Tàu vẫn gọi là đi "cấp", tức là cap, tiếng Pháp nghĩa là mũi đất, mũi biển. Cái thuở mà bãi Sau (bãi Thùy Vân) chỉ lèo tèo chừng hai mươi quán hàng ăn uống - có ghế bố ngồi cạnh bãi biển, lúc ấy bãi tắm Chí Linh kề cận vẫn còn vô cùng hoang sơ với những đồi cát và rừng dương mênh mông không bóng người - những con đường vòng vo lên núi hai bên đầy cây bụi, không bóng nhà.

< Và rời Phan Thiết, theo TL719 đi Tiến Thành theo đường ven biển.

Ấn tượng bãi biển đầy sóng in hằn trong lòng cho đến khi bọn tôi trở thành một gia đình nhỏ. Khi nhóc bé con được 3 tuổi cũng là lúc cái gia đình be bé ấy lại xuất hành một chuyến biển... và dĩ nhiên: nơi đến là Vũng Tàu. Ngày đó gọi là đi chơi nhưng bây giờ: có lẽ từ chính xác nhất là đi phượt, đi du lịch kiểu bụi. Thiếu thốn đủ bề, chuyến đi vượt hơn 120km bằng xe đò lúc ấy cũng đã là một sự 'xài sang' dù phải tiết kiệm đủ bề.

< Đường ven biển đây: qua khúc cua này sẽ hướng về Đồi Sứ.

Năm 1986 thì một chiếc xe cúp cánh én đã là một tài sản rất giá trị, khái niệm 'máy tính', 'internet', 'điện thoại di động' chưa có ai hình dung ra được nó là gì - Tivi còn xài bóng đèn, cassette toàn là những thứ có từ trước 75 nhưng không hề rẻ rúng. Vậy nhưng chuyến đi lang bang thuở ấy cũng bằng giá tiền tậu cái TV, xem ra  'chơi' sướng hơn coi!
< Bãi biển ở Tiến Thành với những hàng dương...

Năm 1987, bọn tôi lần nữa đi VT. Lần này có xe gắn máy hẳn hoi: Một chiếc cánh én lên đường từ 5h sáng ngay ngày một một tết Nguyên Đán, khởi hành từ Sàigòn đi Vũng Tàu... như một chuyến phượt đúng nghĩa cách đây 25 năm!
Vậy nhưng cái khái niệm tốt đẹp về vùng đất biển này bắt đầu bị bào mòn dần khi bọn tôi bị 'chặt chém' lần đầu tiên khi qua bữa trưa tại quán, bị bể nút đèn khi gởi xe do người giữ tắc trách làm ngã khi lên chùa.

< ... và rất nhiều resort, khu du lịch.

Hai năm sau lại là một chuyến khác: lần này ngựa sắt chính là chiếc Win100 mà cho đến bây giờ bọn này vẫn cỡi. Chuyến đi bình yên nhưng lúc về thì xẹp bánh khi đã qua ngã 3 Vũng Tàu: Tệ nạn 'đinh tặc' lần đầu tiên lộ diện khi cùng lúc có nhiều chiếc xe cùng xẹp và cùng phải thay ruột mới với giá không hề rẻ...
< Cầu Suối Nhum đây. Qua cầu, nếu rẽ phải thì ra QL1A (17km) còn đi thẳng sẽ hướng về Lagi (43km).

Một thời gian sau, người dân và báo chí bắt đầu nói đến đến nạn 'chặt chém' tại vùng bãi biển đẹp gần Sàigòn nhất này - Kỷ niệm đẹp về nơi ấy dần dần phai nhạt trong tâm trí bọn tôi và mất hẳn. Bấy giờ, nếu có nghĩ về 'Cấp' thời xưa thì mình chỉ hình dung ra sự bất an vì đinh tặc cùng nỗi bực bội do sự đập đổ (chặt chém), ngày xưa giờ còn đâu (xem thêm 'Tản mạn chuyện ngày xưa')...
< Đồi Sứ resort. Từ 'Đồi Sứ' ngày nay thật phổ thông, hầu như người Phan Thiết đều biết.

< Nhiều resort cả 2 bên đường. Tuy không xôm tụ như kinh đô resort Mũi Né nhưng chính vì vậy: nơi đây sẽ ít xô bồ hơn.

Vậy nhưng nói gì thì nói: Vũng Tàu vẫn là một đô thị phát triển mạnh và nhanh, khung cảnh thay đổi rõ ràng từng năm và càng ngày càng hiện đại. Ngày nay, theo tự điển Wiki thì:
< Qua đường cong này sẽ gặp bãi đá, kế đến là Kê Gà...

Bà Rịa - Vũng Tàu là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh nằm trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, thuộc vùng Đô thị Thành Phố Hồ Chí Minh. Tỉnh lỵ của tỉnh (từ khi thành lập tỉnh đến ngày 1 tháng 5 năm 2012) và đô thị lớn nhất tỉnh là thành phố du lịch thành phố Vũng Tàu. Từ ngày 2 tháng 5 năm 2012, tỉnh lị chuyển đến thành phố Bà Rịa. Hiện nay Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh duy nhất trong nước có tỉnh lị không phải là đô thị lớn nhất trong tỉnh và là tính có hai thành phố trực thuộc tỉnh ở khu vực phía nam.

< Thoắt cái đã đến Kê Gà, ghé quán Trọng Tâm uống lon 7UP vừa giải khát, vừa nghỉ chân - 2 lon mất bén 30k. Chắc lên giá vì họ vừa xây dãy WC mới toanh.

Tỉnh tiếp giáp tỉnh Đồng Nai ở phía bắc, Thành phố Hồ Chí Minh ở phía tây, tỉnh Bình Thuận ở phía đông, còn phía nam giáp Biển Đông.
< Từ Kê Gà nhìn về mũi Hòn Lan.

Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa; một năm chia hai mùa rõ rệt. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, thời gian này có gió mùa Tây Nam. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, thời gian này có gió mùa Đông Bắc.



< Mưu sinh trên bãi biển.
Trả tiền rồi đi, bụng nhủ thầm 'chắc lần sau sẽ lại ghé quán Cây Dừa'.
Cây Dừa cũng gần hải đăng và bãi đá hơn.

Nhiệt độ trung bình hàng năm là 27°C, tháng thấp nhất khoảng 24,8°C, tháng cao nhất khoảng 28,6°C. Số giờ nắng rất cao, trung bình hàng năm khoảng 2400 giờ. Lượng mưa trung bình 1500mm.
Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trong vùng ít có bão.

< Ngã ba cây xăng Phong Điền - nơi giao nhau giữa TL 719 và 712. Rẽ trái là đi Lagi, còn phải là ra QL1A ngay thị trấn Thuận Nam.

Bà Rịa - Vũng Tàu có 7 đơn vị hành chính nằm trên đất liền và một đơn vị hành chính hải đảo là huyện Côn Đảo. Địa hình tỉnh có thể chia làm 4 vùng: bán đảo hải đảo, vùng đồi núi bán trung du và vùng thung lũng đồng bằng ven biển.
< Xe chở 'một núi' rơm rạ - phía trước là nhánh rẽ vào Dinh Thày Thím. Vào đây còn có nhánh rẽ gần bến xe, bãi tắm Dinh Thày Thím.

Bán đảo Vũng Tàu dài và hẹp diện tích 82,86 km2, độ cao trung bình 3-4m so với mặt biển. Hải đảo bao gồm quần đảo Côn Lôn và đảo Long Sơn. Vùng đồi núi bán trung du nằm ở phía Bắc và Đông Bắc tỉnh phần lớn ở huyện Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc...

< Qua ngã 4 Láng Đá thì đến cầu Đá Dựng: cây cầu sắt rung rơ như răng bà già đã bao năm, bây giờ người ta đang xây dựng cầu mới kề bên.

Ở vùng này có vùng thung lũng đồng bằng ven biển bao gồm một phần đất của các huyện Tân Thanh Long Điền, Bà Rịa, Đất Đỏ. 
< Nếu không rành thì bạn cũng đừng lo lạc đường: tại các ngã rẽ quang trọng thường có bảng hướng dẫn. Ngoài ra: 'Đường trong miệng', khi nào bí lối thì bạn hãy hỏi người địa phương.

< Những vùng cát trắng tại Hàm Tân (QL55).

Bà Rịa - Vũng Tàu có hai thành phố trực thuộc tỉnh và 6 huyện.
Thành phố gồm:
- Vũng Tàu.
- Bà Rịa.
Và các huyện:
- Long Điền.
- Đất Đỏ.
- Châu Đức.
- Tân Thành.
- Côn Đảo.
- Xuyên Mộc.
Được chia nhỏ thành 82 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 8 thị trấn, 25 phường và 49 xã.

< Vào địa phận xã Bông Trang.

Theo quy hoạch đô thị đến năm 2020: Thành Phố Vũng Tàu, Thành Phố Bà Rịa, Thành Phố Phú Mỹ, Thị Xã Long Điền và các huyện Châu Đức, Côn Đảo, Đất Đỏ, Tân Thành, Xuyên Mộc. Trong đó;
- Thành Phố Vũng Tàu là trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ công cộng và đầu mối giao lưu của Miền Đông Nam Bộ cũng như của tỉnh BRVT, là trung tâm du lịch, dịch vụ hàng hải phát triển cảng và khai thác dịch vụ dầu khí của cả nước.

< Thị trấn Phước Bửu đây, trên lề là chiếc xe vạn dặm của mình.

- Thành Phố Bà Rịa là trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh BRVT.
- Thành Phố Phú Mỹ trong tương lai (hiện nay là thị trấn Phý Mỹ, huyện Tân Thành) được xây dựng là đô thị công nghiệp, cảng biển, là trung tâm kinh tế quan trọng của Vùng Kinh Tế Trọng Điểm Phía Nam và của tỉnh BRVT.


< Công viên hồ Bà Tô cũng là chốn nghỉ chân.

- Các đô thị vệ tinh: Châu Đức, Đất Đỏ, Long Điền, Xuyên Mộc hỗ trợ, cung cấp hàng hóa dịch vụ cho các đô thị cảng biển.
- Đô Thị Côn Đảo là khu kinh tế du lịch và dịch vụ chất lượng cao, tầm cỡ khu vực và quốc tế...

< Dưới là công viên còn phía trên là hồ.

Vũng Tàu vẫn đẹp dù có những cái không đẹp nhưng biết làm sao? Trong chuyến "Vượt 2 đảo về Long Hải", bọn mình cũng ghé qua mũi Nghinh Phong cùng bãi Chí Linh - xem như một chút gì để nhớ về một vùng biển đẹp ngày xưa...
< Cơm trưa 20k/dĩa - canh khổ qua dồn thịt nhưng mình không ăn được bèn đổi canh bí không... thịt. Lỗ roài...

< Ghé đổ xăng, đối diện là nghĩa trang liệt sĩ liên huyện Đất Đỏ - Long Điền.

< Ngang qua Long Điền, Bà Rịa... Bọn mình vào QL51 hướng về Nhơn Trạch.
QL này làm gần xong, rộng thênh thang và chạy thật sướng.
Lại ghé Thiền viện Thường Chiếu nghỉ chân: nắng quá trời!

< Công tơ mét trên xe lúc đi là 65909 - về: 66860. Tính ra cung đường đã đi là một vòng bầu dục khép kín khoảng hơn 950km.

Một chuyến đi như mọi chuyến đi trước nay và mỗi chuyến đều cho bọn mình những cảm xúc riêng về những miền đất đẹp trên quê hương.
Thỏa lòng, về lại cày và chuẩn bị lên kế hoạch cho chuyến sau - có lẽ cũng không còn xa...

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần cuối - Tổng kết

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét