Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Liên Nghĩa - Nam Ban đến bãi hoang Mũi Né (P13)

Sáng đầu ngày, nơi đầu tiên mà bọn mình nghĩ đến là đồi cát Mũi Né. Từ nhà trọ Yến Nhi ra đồi cát vài trăm thước, chỉ mất mươi phút đi bộ thôi.

5 giờ 30 phút, đường phố chi vài bóng người nhưng phía mé đường TL706B đã thấy các nhóm trẻ cho thuê miếng nhựa trượt cát có mặt tại đó rồi. Trên đồi mé ngoài đã thấy một nhóm khách đang thả mình trên mảnh nhựa hình chữ nhật, lướt gió xuống vùng trũng.

Bao giờ cũng vậy, phía trái đồi cát bay là nơi trống vắng hơn phía còn lại, thậm chí những đụn cát nhấp nhô nhiều khi vẫn không dấu chân người dù cuối một ngày. Còn phía phải thì không phải nói, chả có lúc nào ế đâu, dấu chân chi chít - không kịp để những làn gió xóa đi.

< Một cặp người nước ngoài đang đứng trên đồi cát đón ánh bình minh.

Chút thông tin trong 'một tỉ' thông tin về đồi cát mà mình đã nhắc đến, nay xin đề cập lại lần nữa... và đương nhiên cũng có khác:

Một trong những thắng cảnh tại Mũi Né đã từng làm mê mãi bước chân của các thi nhân, họa sĩ và nhiếp ảnh gia nổi tiếng, đó là thắng cảnh đồi cát Mũi Né.

< Trời vẫn còn tối lắm, phía chân trời là  chỏm đồi Hòn Rơm, nơi có bãi đá đẹp.

Đồi cát còn có tên gọi khác là đồi cát bay bởi hình dáng của nó thay đổi liên tục theo từng ngày, từng giờ. Đó chính là sự kỳ diệu mà mỗi ngày con người luôn muốn khám phá nét đẹp của đồi cát nhưng không biết chán.
< Ở cụm đồi đối diện phía phải đã có khách khai trương 'dịch vụ trượt cát' với các tấm nhựa của bọn trẻ, chúc các em một ngày 'mần ăn' phát đạt nhé.

< Mặt trời e ấp một hồi rồi cũng ló dạng chúc mừng một ngày mới trên vùng đất biển.

Đồi cát trải dài từ Bình Thuận đến Ninh Thuận nhưng khu vực đẹp nhất nằm ở Mũi Né. Đây được xem là đồi cát có một không hai tại Việt Nam bắt nguồn từ mỏ sắt cổ tồn tại hàng trăm năm tạo nên.
Cát trải thảm tự như bãi sa mạc hoang vu của xứ sở Châu Phi với những đồi cát đủ hình dạng.
< Đón gió đầu ngày. Nắng sáng soi lên những đồi cát đỏ khiến nơi này có màu ửng cam, chín mọng.

Việc tạo nên hình dáng trăm hình, trăm dáng của cát là do gió bào mòn và thổi bay lớp cát mỏng manh phía trên. Kết hợp với việc xâm thực của cát và hiện tượng rạng của bờ biển khiến cho hiện tượng sa mạc hóa và sạt lở của bờ biển diễn tiến vô cùng nghiêm trọng. Tuy nhiên hiện nay Bình Thuận đã khắc phục tốt bằng những rừng dương mênh mông.
< Một nhóm khách Hàn Quốc mỉm cười và lắc đầu le lưỡi khi mình chào và trỏ về hướng những đồi cát xa xa. Ai cũng vậy, leo cát phê quá mà - nhưng đẹp thật!

< Có lẽ cũng như mọi người: bọn mình đến đồi cát bay Mũi Né không biết bao nhiêu lần. Vậy nhưng nếu đến vùng đất này thì cũng phải ghé, ghé chơi - tựa như ghé thăm một người quen cũ...

< Phía hướng về Hàm Tiến bao giờ cũng thưa vắng, nhất là những đồi nhấp nhô ven đường TL706B đoạn cong - nơi này thường không một dấu chân: thích hợp cho những bạn săn ảnh, chụp hình với mẫu và cho ra những tấm ảnh xuất thần.

< Ngày nay, người ta trồng những rừng dương vây quanh để tránh cát lan rộng, tránh sa mạc hóa - Đồi cát bay Mũi Né vì thế cũng thu hẹp dần...

Đây là điểm tham quan thu hút khá nhiều du khách do hình dáng đẹp của cát và màu sắc của cát. Cát ở đây có gần vài chục game màu khác nhau, cát cũng từng làm say lòng các nghệ nhân tranh cát khi miệt mài tìm kiếm nguyên liệu để tạo ra những bức tranh cát nhiều màu sắc độc đáo.
< Trở về nhà nghỉ, bọn mình lấy xe rồi đi. Điểm tâm sáng tại quán này đây: trên đường Hồ Xuân Hương (hướng đi ra Gành Mũi Né). Quán bình dân, đông nghẹt, giá cơm sườn là 20k/dĩa.

< Bùng binh bưu điện đây, phía trái là Hồ Xuân Hương, phía phải là ra chợ Mũi Né, còn đi thẳng là vào khu dân cư chợ cũ.

Màu của cát từ mỏ sắt ngầm từ ngàn xưa kiến tạo không cho một màu vàng duy nhất mà cho ra rất nhiều màu, đơn cử có đến 18 màu có thể liệt kê ra dưới đây:
< Làm ly cà phê đầu ngày cho tỉnh táo tại quán Quyên Sương ngay bùng binh.
Hôm này không khét, tuyệt ngon.

Màu đỏ - màu chính của cát là mỏ sắt cổ thấy nhiều và phổ biến nhất.
Màu trắng - nằm trên bãi biển và pha tạp chất. Nhiều và trắng hơn có tại phía Bắc và Bắc - Nam của đồi cát Trinh Nữ ở Hòa Thắng.
Màu hồng - màu nằm dưới màu đỏ, thấy nhiều bên kia đồi cát bay, tại Suối Tiên - Suối Hồng Âu Cơ - Lạc long Quân.


< Trở về nhà nghỉ lấy chút hành trang rồi đi, hôm nay nhất định phải tìm thấy một 'cái gì đặc biệt' ở Hòn Hồng hay những địa điểm mà mình chưa tiếp cận được tại đó.

< Xe hướng theo TL716 qua Hòn Rơm, qua Suối Nước hướng về Thiện Ái. Trong ảnh là Hòn Nghê.

Màu trắng xám: màu cát này nằm tập trung ranh giới của Ninh Thuận và Bình Thuận trãi dài trên diện rộng là nguyên nhân của việc đất đai kém màu mỡ.
Màu đỏ đen: màu pha bùn, cứng và khó hòa tan, màu này tập trung tại Bồng Lai Tiên Cảnh.
Màu Vàng nhạt: Rất nhiều tại đồi cát Trinh Nữ, những đồi cát tại Hòn Hồng.

< Trong những năm trước, ngay khu vực này là những hố rộng do người ta khai thác titan. Mình đã từng đề cập tới cảnh tan hoang và ô nhiễm do khai thác bừa bãi trong bài 'Titan giết một vùng biển'.

Trong một dịp tình cờ về thăm quê chồng ở Mũi Né, nghệ nhân Ý Lan phát hiện ra những màu sắc cát tự nhiên này. Chính chị đã thổi hồn vào những hạt cát vô tri biến chúng thành những bức tranh cát độc đáo - khai sinh ra môn nghệ thuật tranh cát tại Việt Nam.
< Rồi thứ kim loại với cái tên là titan cũng được người ta vét sạch, đóng mỏ và hoàn thổ.
Giờ đây, như bạn thấy đó: những chụm cát cùng cây dương đã được trồng lại. Có lẽ chỉ sau vài năm là thành một rừng dương.

< Dọc theo ven biển, hướng về thôn Thiện Ái cũng vậy: bãi biển và rừng dương sẽ trở về với người dân cùng khách du lịch.

Đồi cát đã hình thành nên một sản phẩm du lịch đặc trưng của Bình Thuận và Ninh Thuận. Tại Bình Thuận đã hình thành một khu resort cao cấp 5 sao xây dựng một sân Golf trên cát hiện đại và độc đáo. Cụm nhà nghỉ và các dịch vụ sân golf trên cát là một sản phẩm thu hút khách du lịch độc đáo trong tương lai và một sản phẩm du lịch " xanh ". Việc trồng cây và phủ xanh cát bằng cây hoa giấy, dương, v..v.. vừa tạo cảnh quan, vừa góp phần tránh sự di động của cát.

< Rãnh xoáy lở đất đỏ ven đường vẫn còn y như mọi năm nhưng có vài điều khác. Cái khác lạ đầu tiên là gần đó có căn nhà chái lá sửa xe, bán nước uống, vài chiếc võng treo đong đưa để khách nghỉ lưng...

Trò chơi trên cát phổ biến nhất chính là trượt cát bằng tấm nhựa, du khách dùng một tấm nhựa do chính những em nhỏ người địa phương cho thuê với giá là 10.000 đồng một tấm, chơi đến khi nào chán thì thôi. Khách có thể trượt trên những đồi cát cao xuống bên dưới, độ dốc của cát càng cao trượt cát càng thú vị.

< Cái khác lạ thứ 2 là cái này: Một tổ ong đất cạnh chòm cây, ngay vị trí 'đắc địa' nhất để ngắm nhìn rãnh đá đỏ.
Nó mà túa ra là chắc chắn người đứng gần đi cấp cứu đó nghe, sống là đã phúc đức bảy đời.

Ngoài trượt cát, khách đến Mũi Né còn có thể tham gia các môn thể thao cảm giác mạnh như chinh phục đồi cát, đua môtô trên cát. Đua mô tô trên cát là cuộc thi mà Bình Thuận đã từng tổ chức thành công thu hút rất đông các tay đua kiệt xuất. Đua mô tô trên cát khá thú vị và là điểm thu hút khách du lịch của tỉnh.

< Tới ngã 3 thôn Thiện Ái, mình rẽ trái, vẫn theo đường lớn đi Hòa Thắng, dự định vào các tiêu điểm cũ chưa chinh phục được.
Vậy nhưng chạy đến cây xăng Hòa Thắng: ký ức năm rồi quay lại, bọn mình rẽ vào đây - Nơi này cũng từng là một tiêu điểm bọn mình đặt ra.

< Nếu thường theo dõi những chuyến đi của bọn mình, xin hỏi: bạn còn nhớ đoạn đường này không?
Đây là nơi mà chuyến đi trung tuần tháng 12 năm 2010 bọn mình đã ghé vào. Con đường dẫn vào một resort đang xây dựng và mình đã sửng sốt khu thấy cái hàng rào dài bất tận xẻ ngang đồi cát...

Không biết bây giờ cái resort hay khu du lịch gì đó thía nào, đã khai trương chưa hay đã... sập tiệm? Vậy là vô...

< Những đồi cát chập chùng, cao vút vẫn như ngày xưa, một kỷ niệm ngày đó lại quay về...
Nhanh thật, mới đó đã thấp thoáng hai năm!

Giờ tham quan thích hợp nhất của đồi cát là buổi sáng sớm, lúc này cát mát lạnh - những bước chân đầu tiên của du khách trong mặt cát đã được gió trong đêm tạo thành những làn sóng thật thú vị. Thời gian tham quan đồi cát có thể tứ 4h30 sáng đến 8h, buổi chiều từ 16h30 đến khi khuất bóng mặt trời. Nếu đi buổi trưa, cát sẽ có nhiệt độ cao do mặt trời đun nóng.

< Con đường dẫn thẳng vào đó: Cái cổng hai năm trước có cửa chắn ngang, có bảo vệ và họ không cho vào.. kể cả người Việt lẫn Tây, bất khả xâm phạm!

Vào mùa mưa thường có gió rất mạnh trên các đỉnh đồi cát, gió cuốn những hạt cát li ti bay là đà trên triền đồi khiến du khách rát cả chân nhưng rất thú vị. Cát khô? dĩ nhiên rồi. Tuy nhiên, nếu bạn dùng tay đào xuống cát vài mươi phân sẽ thấy cát ẩm chứ không khô như trên mặt: đồi cát cũng giữ nước đấy, nước được giữ lại từ mưa, từ sương đêm rồi thấm xuống tầng sâu và chảy ngầm dưới lòng đường TL706B tạo ra con suối Hồng bên kia đường và đổ ra biển.

< Cái hàng rào như rồng rắn kéo dài tít tắp như vết cắt trên đồi cát. Vậy nhưng nhìn kỹ thì thấy một đoạn rào gần cổng đã bị cát vùi lấp! Gì đây nhỉ, 'quả báo' à?
Nhưng chuyện đó hạ hồi phân giải, chút nữa sẽ kiểm tra sau.
< 'Nửa kia' đang ngắm nghía cái này: những đồi cát cao và xa tít mù phía trái...

Chút thông tin về xã Hòa Thắng:
Xã Hoà Thắng cách trung tâm Lương Sơn 20 phút đi xe gắn máy thuộc huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
Đây là một trong hai xã thuộc căn cứ cách mạng Khu Lê trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc, cũng là xã nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp từ thiên nhiên ban tặng như Bàu Trắng, thắng cảnh Hòn Hồng, Hòn Nghề, Dốc Hầm, Hòn Rơm, Bãi Dơi...

< ... với đỉnh cao nhất là đây. Mình đoán chừng nó phải cao hàng trăm mét so với mặt biển đấy, lại là đồi cát có dốc dựng đứng.

Hiện nay, tuyến đường giao thông ven biển từ Mũi Né đến Hoà Thắng và trở ra quốc lộ 1A được nối liền tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch Hoà Thắng ngày càng phát triển. Đặc biệt, Hòn Nghề đã được tỉnh Bình Thuận cho phép công ty Long Yến Hoa đầu tư xây dựng thành một điểm du lịch - tuy nhiên vẫn còn phải chờ hoàn thổ sau khi đã khai thác hết titan.
< Thoáng một cái, nửa kia mất tăm. Mình đứng đó ngần ngừ một hồi thì thấy hai anh bộ đội chạy xe ra. Mình hỏi trong đó có gì không thì hai anh chàng lắc đầu. Resort mà không có gì thì phía trỏng là đất hoang à, hay doanh trại bộ đội? 
Lúc này nhìn lên đồi cát mé trái chợt thấy 'nửa kia': mình biết bà xã muốn 'tấn công' đỉnh cao nhất bằng lối đường vòng! Ái chà, vậy là mình cũng trực chỉ.

< "Trực chỉ" đúng nghĩa đen: tức là mình theo đường ngắn nhất nhưng dốc nhất. Dốc đến mức phải đi chân không, cắm thẳng đầu bàn chân xuống cát mà bước càn trong khi cả người phải chúi về phía trước.
Vừa trèo, vừa thở - mắt cứ nhìn chăm chăm vào cái cây tí xíu trên đỉnh làm mục tiêu để đến...

Hòa Thắng cũng có dự án trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc với quy mô 197 ha, khởi công từ năm 2010. Ngày nay, những vạt rừng dương phát triển khá tốt, góp phần tạo mảng xanh và chống cát lan rộng.

< Nửa chặng đường thì mình dừng lại... thở - không khí trong phổi dường như biến mất tiêu. Móc máy ảnh ra, ngoáy nhìn lại phía dưới bấm một phát: chiếc Win100 dựng dưới bóng mát chỉ còn là một chấm kim...

Đã từng có những thời điểm những CTy khai thác titan tại làm ô nhiễm môi trường - nguồn nước nghiêm trọng khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn. Cũng chính những vụ khai thác này khiến các dự án nghiêng về du lịch phải đình trệ.
< Lia máy về phía trái: 'nửa kia' chọn đi xa nhưng ít dốc, không còn cách đỉnh bao xa. Giỏi ghê nha...

Hiện nay, đa phần các hố khai thác hết - một số đã được hoàn thổ, trồng rừng dương. Tuy nhiên vẫn còn 75ha đất mà các công ty Đường Lâm, Đô Thành, Sao Mai, Hưng Thịnh đã khai thác tan hoang nhưng phớt lờ việc hoàn thổ dù đã có quyết định yêu cầu của UBND tỉnh Bình Thuận. Mình mong là Bình Thuận sẽ xử lý rốt ráo vụ này để trả lại môi trường cho vùng đất biển tuyệt đẹp và đầy tiềm năng.
< Zoom gần rồi bấm thêm một phát, đồng đội của mình thấp thoáng sau bụi cây, chân vẫn tiến bước...

< Bỏ con Nikon vào giữa hai lớp áo, kéo khóa rồi mình lại tiến bước - mắt cứ chăm chăm nhìn vào cái cây trên đỉnh. Vậy nhưng cây cũng to dần, đoạn dốc ngắn lại...

< Cuối cùng thì cũng đến, mình ngồi lăn ra đỉnh đồi cát. Cái cây làm 'mục tiêu' giờ đã ở phía sau lưng, gió lồng lộng rít bên tai, áo gió đánh phần phật...

< Không khí và nước là hai cái cần thiết đầu tiên, cái thứ 3 là ngắm nhìn cho đã mắt.
Phía Đông Bắc đỉnh đồi cát là Mũi Yến Hồng Chinh nhô ra biển, nhìn thật bao la...

Gió mạnh đến mức những dấu chân này sẽ bị xóa nhòa sau một phút thôi. Cát bay rát chân, chia sẻ cảm nghĩ giữa 2 người phải hét lớn mới nghe được, mọi đồ đạc đặt trên cát như muốn bay bổng vào không trung. Khăn che mặt của nửa kia cột chặt vậy nhưng cũng bay tuốt xuống phía triền cát phía Bắc, đành bỏ luôn vì không thể leo xuống rồi lại bò lên. Xem như chút kỷ niệm của nhóm ĐGD để lại vùng đất lạ...

Lạ nhưng mà quen.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần cuối

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét