Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

3 món đặc sản xứ Thanh ít người biết

Nhắc đến ẩm thực Thanh Hóa có lẽ bạn sẽ nhớ ngay đến món ăn nổi tiếng là nem chua. Nhưng ở xứ này còn có nhiều món lạ rất ngon khác như nem nướng, canh đắng hay bánh răng bừa...

< Nem nướng Thanh Hóa.

Thơm nồng hương vị nem nướng (nem thính)

Đây là món nem thính với vị chua của thịt trộn với thính, lá ổi và được cuốn bên ngoài bởi lá chuối khô, sau khi chế biến, nem ngấu, mang đi nướng nên được gọi là nem nướng. Món nem này được làm từ thịt lợn miếng đem ướp với mắm, muối, bột ngọt, hạt tiêu... Thêm tỏi băm trộn tùy theo khẩu vị, đảo thật đều cho ngấm rồi rắc thính vào vừa đủ khô.

Sau khi ngấu, món nem này được vùi trong tro bếp để ủ chín là thơm ngon nhất. Nhựa từ bì heo sẽ chảy ra, nổ tí tách, tỏa thơm lừng là lúc nem đã chín. Bóc hết lớp lá chuối bao ngoài rồi chấm tương cay xè. Nem nướng còn có thể ăn với xà lách, rau sống, chuối chát, khế... cuốn trong bánh đa nem đặc trưng của miền Bắc Trung Bộ.

Ngọt bùi canh đắng xứ Thanh

Với đặc trưng là vị khá đắng nên bạn không dễ gì có thể quen ngay được khi nếm thử lần đầu. Nhưng chỉ sau một vài lần "nhắm mắt" thưởng thức, bạn sẽ "nghiện" cái vị đắng đặc trưng này. Bởi cảm giác đắng ban đầu chỉ ở đầu lưỡi, còn khi nuốt vào trong cổ họng, thì lại cảm thấy thanh mát, ngòn ngọt...

Lá đắng dùng nấu canh là một loại lá tự nhiên mọc trong rừng có hình dáng giống lá sắn. Nhưng không phải loại lá đắng nào cũng có thể cho bát canh ngon. Người dân xứ Thanh thường chọn hái loại lá dài và mỏng.

Ngày nay, để tiện dụng, lá đắng thường được hái về, phơi khô rồi xé nhỏ. Khi nấu canh, chỉ cần bốc lấy một nhúm lá bỏ vào nồi. Tuy khô nhưng nhựa của lá vẫn còn được bảo tồn. Chính vị đắng từ nhựa đã tạo nên sự ngon, lạ của món canh này.

Canh lá đắng thường được nấu cùng với thịt lợn hoặc cá băm nhỏ, thêm một chút riềng, sả, cơm mẻ, mắm tôm ngon rồi bóp tất cả cho thật đều với nhau, ướp trong khoảng 15 phút. Sau đó, bắc nồi lên bếp đảo đều, đun lửa nhỏ.

Lửa vừa bén vào, mùi thơm của riềng sả, mắm tôm dậy lên đã khiến bụng dạ cồn cào. Đầu bếp cứ để cho nồi canh ngấm gia vị, sôi liu riu trên bếp lửa chừng vài phút rồi đổ thêm vào vài bát nước. Khi nào nồi canh sôi bùng lên, khuấy vào thấy sền sệt là được.
Trong mùa hè nóng nực, bạn húp bát canh đắng cũng thấy tỉnh hẳn người, bao mệt mỏi dường như tan biến.

Thơm ngon hương vị bánh răng bừa

Gọi là bánh răng bừa vì hình chiếc bánh vừa dài vừa nhỏ như chiếc răng bừa. Bất cứ ai đi xa cũng không thể quên được cái mùi thơm thoang thoảng của lá dong hòa quyện với mùi thơm của nhân thịt và bột gạo tẻ.

Lớp lá gói bánh bên trong thường là lá chuối khô hoặc lá chuối tươi hơ qua lửa cho dai và dẻo hơn. Bên ngoài mới là lớp lá dong để tạo màu xanh và vị thơm đặc trưng cho bánh.

Gạo làm bánh phải ngâm cùng một ít nước vôi qua đêm để bánh có màu xanh đẹp mắt . Sau đó mang gạo đi xay thành bột nước vừa phải. Tiếp đến, cho bột gạo vào nồi bắc lên bếp củi để lửa nhỏ, dùng tay khuấy đều nồi bột cho khỏi bị vón cục.

Quấy bột được coi là công đoạn khó nhất khi làm bánh răng bừa, bánh ngon hay không, dẻo hay bị cứng, mịn hay là có các đường nứt đều phụ thuộc vào tay người khuấy bột. Nhân bánh làm từ hành khô phi thơm lừng, thịt ba chỉ băm nhỏ rồi trộn chung với hạt tiêu, mộc nhĩ đảo đều tay, khi thịt hơi săn, tỏa mùi thơm là được.
Bánh được ăn kèm với nước mắm chanh ớt, ăn mãi không thấy ngán!

Du lịch, GO! - Theo TTVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét