Bài 5: Cửa biển Mỹ Bình
Huyện Phú Tân có bờ biển dài 27km, chiếm 10,6% chiều dài bờ biển toàn tỉnh, chạy dài từ cửa Mỹ Bình đến cửa sông Bảy Háp. Vùng biển của huyện Phú Tân (vịnh Thái Lan) thuộc miền thềm lục địa nước nong, có độ sâu trung bình 46m, chỗ sâu nhất là 83m.
< Cửa biển Mỹ Bình với hai bên là rừng phòng hộ chắn sóng.
Cửa biển Mỹ Bình là một trong hai cửa biển lớn của huyện Phú Tân, nhưng so với cửa biển Cái Đôi Vàm, trung tâm huyện lỵ Phú Tân, Mỹ Bình vẫn còn kém xa về độ phát triển kinh tế - xã hội. Sau bao năm phù sa bồi lắng, lòng sông bị thu hẹp, nghề khai thác biển nơi đây kém phát triển, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
< Khu dân cư cửa biển Mỹ Bình (nhìn từ biển vào) đang dần hình thành.
Thế nhưng, đây lại là vùng chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh Cà Mau. Theo tuyến hành lang này, từ thị trấn Cái Đôi Vàm là đô thị ven biển Tây đến cửa biển Mỹ Bình, thuộc ấp Cái Nước, xã Phú Tân, sẽ hình thành nên các cụm tuyến dân cư, liên kết với các đô thị quan trọng khác dọc theo tuyến đường đê biển Tây như: thị trấn Sông Đốc, khu dân cư cửa Đá Bạc, cửa Ba Tĩnh, cửa Khánh Hội... Để tạo đà cho huyện Phú Tân phát triển cả kinh tế nội địa, kinh tế biển và có điều kiện liên kết với các địa phương khác trong tỉnh.
Vị thế và tầm quan trọng của cửa biển Mỹ Bình được huyện Phú Tân xem là trọng điểm, chỉ sau cửa Cái Đôi Vàm. Vì vậy, trong nhiều năm qua, cửa Mỹ Bình đã được đầu tư nạo vét, tạo thuận lợi cho nghề khai thác biển phát triển. Cụm tuyến dân cư đã được quy hoạch ổn định. Diện mạo mới đời sống cư dân đang hình thành nên những bước đi ban đầu.
< Ốc len - đặc sản của cửa biển Mỹ Bình.
Theo nhận xét của ông Dương Văn Nhanh, chủ doanh nghiệp tư nhân Năm Nhanh chuyên nghề thu mua thủy hải sản, mỗi ngày sản lượng mua vào của doanh nghiệp lên đến gần chục tấn tôm-cua-cá-mực... Lượng ghe biển về đây mỗi lúc một nhiều. Doanh nghiệp của ông đang là chủ đầu tư cho hơn 60 chiếc ghe khai thác thủy sản, với số vốn đầu tư cho mỗi chuyến biển, ông được chủ ghe ưu tiên bán sản phẩm trừ vào vốn vay. Cứ như thế, doanh nghiệp hỗ trợ ghe khai thác, thu mua sản phẩm.
Chủ ghe có vốn làm ăn và có nơi tiêu thụ sản phẩm ổn định, đang là một cách làm ăn hiệu quả của ngư dân cửa biển Mỹ Bình. Ông Năm Nhanh còn kiêm luôn việc lo thủ tục đang ký, đăng kiểm. Kể cả việc đóng bảo hiểm thuyền viên cho các chủ ghe. Vì vậy, ngư dân nơi đây rất yên tâm sản xuất làm ăn.
< Doanh nghiệp tư nhân Năm Nhanh làm ăn rất hiệu quả ở cửa biển Mỹ Bình.
Mỹ Bình còn là cửa biển đẹp, rừng ngập mặn ven biển nơi đây có vai trò phòng hộ và bảo vệ môi trường rất quan trọng. Nơi sinh sản của các loài thủy sản, giúp cho nuôi thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững. Vùng này cũng có khả năng nuôi một số loài thủy sản như: nghêu, sò, ốc len có giá trị kinh tế cao.
Mỹ Bình, từng là trọng điểm của một thời chiến tranh đánh phá ác liệt, nằm trong tam giác của khu Hải Yến - Bình Hưng, từng chịu nhiều mất mát, đau thương. Hiện nay, với những gì huyện Phú Tân đang đầu tư cho cụm kinh tế biển này, sẽ không xa lắm một khu dân cư sầm uất mọc lên, tạo cho Mỹ Bình một sức sống mới.
Bài 6: Cửa Rạch Chèo
< Cửa biển Rạch Chèo.
Nhắc tới dòng sông Bảy Háp lịch sử, người ta lại nghĩ đến những địa danh quen thuộc như Gò Công, Rạch Chèo, Đất Mới... Cửa Rạch Chèo, đầu nguồn sông Bảy Háp - một nhánh sông nhỏ đổ ra biển Tây - là một địa danh được ghi vào lịch sử với thắng lợi của bộ đội ta tại đồn Rạch Chèo năm 1973.
< Xóm biển Rạch Chèo.
Cửa biển Rạch Chèo, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân, nằm trên cạnh tam giác của vùng bãi bồi Mũi Cà Mau (sông Bảy Háp) thuộc biển Tây, với bên kia sông là xã Đất Mới, Lâm Hải (Năm Căn) và từ đây cũng có thể đi thẳng về Ngọc Hiển. Chợ Rạch Chèo sầm uất với những ngôi nhà san sát, khang trang nằm ven sông Bảy Háp. Bên kia sông là xóm nhà sàn của cư dân xã Đất Mới huyện Năm Căn, càng tô thêm vẻ tấp nập cho vùng cửa biển.
< Mô hình nuôi ba ba ở cửa biển Rạch Chèo.
Tháng 11.1973, bộ đội địa phương và du kích huyện Cái Nước đã đánh đồn Rạch Chèo tại cửa sông Bảy Háp, tiêu diệt và bắt sống gần 50 tên địch, thu nhiều vũ khí và chiến lợi phẩm, giải phóng dòng sông lịch sử và góp phần quyết định chiến thắng ngày 30.4.1975.
Trên nền đồn giặc cũ, nay trở thành bưu điện - trung tâm thông tin - cầu nối xã Rạch Chèo với các địa phương khác.
< Bưu điện Rạch Chèo.
Xã Rạch Chèo, (được tách ra từ Tân Hưng Tây, ngày 1.1.2005) với diện tích trên 4.800ha, có 5 ấp, kinh tế chính vẫn là nuôi trồng thủy sản (chủ yếu là tôm) nhưng khai thác biển vẫn là một nét sinh hoạt của người dân địa phương. Toàn xã chỉ có gần 50 phương tiện khai thác, công suất lớn nhất là 30 CV và chủ yếu đánh bắt gần bờ. Còn lại là một bộ phận khá đông những người không phương tiện khai thác, đi bắt ốc, mò sò trên những bãi bồi ven biển. Có thể nói, so với các cửa biển nhỏ như Hương Mai, Gò Công... thì cửa Rạch Chèo có vẻ còn “út” hơn.
Tuy nhiên, vùng biển nào cũng mang những nét đặc trưng riêng. Ở cửa Rạch Chèo có hình thức đánh bắt truyền thống: nhiều hàng đáy được Nhà nước đầu tư cho dân thuê làm phương tiện kiếm sống, mỗi miệng đáy có 3 người, thay phiên nhau khai thác. Đây có thể xem là giải pháp tạo việc làm cho cư dân vùng biển. Hằng ngày, có những chiếc vỏ máy neo đậu song song theo những trụ hàng đáy giữa con nước chảy siết, tạo nên vẻ đẹp riêng cho cửa biển Rạch Chèo.
< Đánh bắt thủy sản trên cửa biển Rạch Chèo.
Cửa Rạch Chèo nằm ở địa thế thuận lợi (ngã ba đường) nhưng thực tế kinh tế biển cũng như các dịch vụ nghề biển ở đây chưa có dấu hiệu khả quan.
Ông Cao Văn Chiến, một người dân địa phương, cho biết: “Lúc trước, cửa này rất rộng, có thể giăng tới 17 miệng đáy, gần đây, do cư dân đông đúc đã lấn mé, ngăn dòng chảy, cửa biển cạn dần, tiềm năng biển giảm”. Đồng thời, theo ông Nguyễn Minh Đạo, Chủ tịch UBND xã Rạch Chèo: “Hiện tại, kinh tế biển ở Rạch Chèo chưa có dấu hiệu đầu tư nào (ngoài việc hỗ trợ tiền dầu)”. Hy vọng, với chiến lược biển ở Cà Mau, cửa Rạch Chèo sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế của mình”.
Còn tiếp
A1 - Những cửa biển ở Cà Mau
A2 - Những cửa biển ở Cà Mau
A3 - Những cửa biển ở Cà Mau
A4 - Những cửa biển ở Cà Mau
Du lịch, GO! - Theo báo Ảnh Đất Mũi và nhiều nguồn ảnh khác
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét