Khi bạn không thể giải quyến những rắc rối bằng kinh nghiệm sẵn có của mình, hãy áp dụng những “bí kíp” sau đây.
Bước 1: Sự tồi tệ xuất phát từ đâu?
Bạn không thể cuống quýt lên và đổ lỗi cho hoàn cảnh, sau đó bỏ cuộc vì: “Mình không thể cứu vãn được nữa, mọi chuyện đã như thế rồi, có cố gắng cũng vậy. Đành chờ hậu quả xảy ra”. Ngay khi bạn nghĩ đến điều đó, bạn đã tước đi cơ hội thay đổi mọi thứ theo hướng tích cực. Nếu bạn không thể biến rắc rối trở nên đơn giản, hãy giảm thiểu những điều tiêu cực. Hãy bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân khiến rắc rối xảy đến, có thể do:
* Lỗi của người khác, và bạn bị ảnh hưởng.
* Bạn có một phần trách nhiệm trong chuyện này.
* Không ai có lỗi, chuyện tự nhiên xảy đến.
Khi biết được bạn thuộc trường hợp nào, biết được đâu là nguyên nhân gây ra rắc rối, bạn sẽ giải quyết dễ dàng hơn.
Bước 2: “Chia nhỏ” vấn đề
Một rắc rối nhỏ có thể bao hàm những ảnh hưởng lớn. Hãy liệt kê ra, bạn phải làm những việc gì để “giải quyết” những việc này. Tất nhiên, có những việc bạn làm được, có những việc bạn không thể làm được, nhưng cứ liệt kê ra, càng cụ thể càng tốt.
Ví dụ 1: Bạn đang bị điểm thấp ở 3 môn. Lỗi do bạn và do thầy cô ra đề quá khó thời gian gần đây. Những việc bạn cần làm: tích cực giơ tay phát biểu để có điểm cộng gỡ gạc lại, hạn chế đi chơi và nhờ bạn thân kèm giúp.
Ví dụ 2: Người yêu cũ muốn bạn quay về, nhưng bạn đang hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Lỗi không do bạn cũng không do người yêu cũ. Bạn cần đưa ra quyết định dứt khoát. Muốn thế, bạn phải suy nghĩ, gặp gỡ người ấy để trò chuyện thẳng thắn, tham khảo lời khuyên từ bạn bè.
Ví dụ 3: Bạn bị hiểu lầm. Lỗi một phần ở bạn. Muốn giải quyết bạn phải thay đổi chính mình, chia sẻ cho những ai đáng tin cậy để cùng tìm giải pháp, tìm xem nguồn thông tin gây hiểu lầm xuất phát từ đâu, trò chuyện với những người đã hiểu lầm bạn.
Bước 3: Giải quyết từ dưới lên trên
Sau khi đã liệt kê ra được công việc cụ thể, hãy sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ nhẹ nhàng đến nặng nhọc. Sau đó giải quyết việc nhỏ trước, dần dần tiến đến việc quan trọng. Khi đã làm được việc đơn giản nhất, bạn sẽ có “dữ liệu” để làm tiếp việc tiếp theo. Hãy nhớ rằng, bạn có thể hạn chế những rủi ro hết mức có thể, nếu bạn bình tĩnh và biết cách nhờ sự trợ giúp từ người khác.
Bước 4: Bạn không thể tự vượt qua một mình
Trong 3 ví dụ ở bước 2, tất cả đều có liên quan mật thiết đến những người xung quanh bạn. Vì vậy, bạn không thể tự giải quyết mọi chuyện một mình hoặc chỉ dám nhờ những ai thật sự tin cậy. Mạnh dạn, tự tin và không tiếc những nụ cười, rồi bạn sẽ thấy các mối quan hệ trở nên đơn giản và vui vẻ hơn. Biết đâu được, chính vì mở lòng mà mọi rắc rối sẽ tự biến mất không cần bạn phải giải quyết bất kì điều gì. Khoảng 90% những rắc rối xảy ra đều xuất phát từ những mối quan hệ bạn bè, gia đình, tình yêu, xã hội… Vì vậy, việc cần làm là phải biết điều tiết cảm xúc và lựa chọn thái độ để tự thay đổi vấn đề. Điều đó không khó, quan trọng là bạn thật sự muốn hay không.
Demi Twinkle
Nguồn :www.luubuttuoixanh.com - Sưu tầm
(Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy) Viết bài cùng Lưu bút tuổi xanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét