Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

Thăm tộc người không thích mặc áo tại Đa Mi

Găm vào ký ức tôi là hai hình ảnh trái ngược nhưng thật nên thơ: bên cạnh những công trình thủy điện đồ sộ hiện đại, tôi gặp những tộc người còn giữ nguyên vẻ hoang sơ.

< Hồ Hàm Thuận đẹp như một bức tranh thủy mặc.

Công trình thủy điện và những con thác đẹp mê hồn

Đa Mi là một xã của huyện của huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). Thời Pháp thuộc, Đa Mi thuộc về huyện Di Linh (Lâm Đồng), sau đó mới thuộc về Bình Thuận. Đa Mi là đọc chệch từ Đạ Mí. “Đạ” theo tiếng đồng bào K’ho, Raglay, Châu Ro... ở Nam Tây Nguyên có nghĩa là nơi có nước, có sông. Mí là tên riêng.

Nơi này có độ cao 600-850 mét so với mặt biển, 90% là đồi dốc, nổi tiếng với nhà máy thủy điện Hàm Thuận-Đa Mi, được đưa vào sử dụng từ năm 2001. Công suất của cụm nhà máy này hiện đứng thứ thuộc loại “khủng”, chỉ sau thủy điện Sơn La (Hòa Bình) và Yaly.

< Những con đường ở Đa Mi uốn lượn theo các dòng sông và núi.

Vùng đất này còn nổi tiếng với hai hồ nước rất lớn: hồ Hàm Thuận rộng 2.500ha và hồ Đa Mi có diện tích 700ha. Hồ Hàm Thuận gồm tám đảo nhỏ, nổi lên giữa dòng nước có “xuất thân” từ sông La Ngà (Đồng Nai). Còn hồ Đa Mi chỉ có nhiệm vụ giữ nước để làm thủy điện.

Những con sông nhỏ ở khu vực này khá đặc biệt, tất cả đều chảy theo hình chữ “S”, giống như dáng hình của đất nước. Hơn nữa, nước ở đây trong vắt, xanh màu ngọc bích và có nhiều thác gềnh. Chính sự kết hợp này đã tạo ra những cảnh đẹp đến nao lòng.

Chỉ tính riêng trong xã Đa Mi đã có rất nhiều thác nước đẹp, cao hàng trăm mét xuất hiện ngay bên đường đi. Có thể kể ra như: Thác 9 tầng, Sương mù, Tazun, Đaguri…Trong đó, nổi tiếng nhất là thác 9 tầng và Sương mù. Thác 9 tầng có đủ 9 tầng, mỗi tầng cách nhau từ 50 – 100m. Điều kì lạ là dù mùa nắng hay mưa, nước trong thác cũng không bao giờ cạn. Còn thác Sương mù thì quang năm cảnh vật như cõi bồng lai, tiên cảnh.

Gặp tộc người không thích mặc áo

< Hình ảnh này phổ biến trong các thôn, bản của người K’ho.

Giống như các vùng đất khác ở Nam Tây Nguyên, bà con dân tộc tại Đa Mi (Lâm Đồng) chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt và săn bắt như thuở xa xưa, tuyệt nhiên không có chợ để thông thương. Nạn tảo hôn vẫn còn rất nhức nhối khi dọc đường đi, chúng tôi trông thấy những thiếu nữ 13-14 tuổi đã tay bồng tay bế con nhỏ và không nói được tiếng Kinh. Đặc biệt là người K’ho.

Có một phong tục rất độc đáo của dân tộc này mà không nơi nào có-từ 50 tuổi trở đi không bao giờ mặc áo nữa. Cuộc sống du canh du cư của họ khá giống với tộc người Rục ở Quảng Bình. Nói là trong một buôn nhưng mỗi nhà cách nhau đến nửa cây số.

So với đồng bào K’ho tại nhiều nơi cũng như các dân tộc thiểu số khác, tộc người K’ho tại Đa Mi sống tách bạch với thế giới bên ngoài. Khi ở nhà hay lên rừng, người K’ho trẻ vẫn mặc quần áo, đội khăn, đeo gùi bình thường. Nhưng người trên 50 tuổi được cho là già nên ở tại nhà sàn và thoải mái…ở trần.


< Những đứa trẻ ở Đa Mi.

Chị K’Poh, người duy nhất biết nói tiếng Kinh ở thôn Đa Tro (Đa Mi) giải thích với giọng lơ lớ: “Tôi chỉ nghe ba mẹ nói, nguồn gốc chúng tôi là ở Lâm Đồng di cư xuống đây từ lâu lắm rồi. Những người già thì không cần mặc áo, còn nếu trẻ như vậy sẽ bị phạt bò đãi cả làng đó!”.

Đi qua những buôn làng của người K’ho, tôi thấy nhiều người già không hề mặc áo, chỉ mặc quần (kiểu xà-rông) màu mè. Họ hồn nhiên tiếp chuyện những người khách phương xa đến không một chút ngượng ngùng.

Người K’ho còn một tục lệ đặc biệt nữa là cà răng. Những đứa trẻ đến tuổi trưởng thành (18 mùa rẫy) đều phải tham gia tập tục này. “Đau khủng khiếp. Nhưng có thuốc rừng đắp vào nên cũng đỡ. Cà răng để thể hiện tình yêu buôn làng và chứng tỏ mình đã lớn, chịu đựng được những đớn đau, khó khăn”-chị K’Poh cho biết.


< Nạn tảo hôn ở Đa Mi khá phổ biến.

Bà Đoàn Thị Ngọ, PGĐ Bảo tàng Lâm Đồng - một chuyên gia nổi tiếng về văn hóa các dân tộc Tây Nguyên cho biết, khu vực Nam Tây Nguyên (tiếp giáp giữ Lâm Đồng và Bình Thuận) có nhiều người K’ho sinh sống, chiếm số lượng cao nhất trong các dân tộc ít người. Người K’ho chia làm nhiều nhánh: Lạch, Srê, Nôp…Họ có nhiều nét văn hóa khá giống người M’nông ở Đắk Lắk.

Chị Đoàn Thị Ngọ-GĐ Bảo tàng Lâm Đồng cho biết, người K’ho ở Tây Nguyên đến nay vẫn giữ những phong tục truyền thống như vậy. Trong khi những dân tộc ít người khác ở Tây Nguyên như: Bana, Giarai, S’tiêng, M’nông đều tiếp nhận nền văn hóa bên ngoài khá nhiều.

Trời ngả về tối, chúng tôi đã tìm thấy đường ra quốc lộ 1A sau cả buổi “lưu lạc” tại Đa Mi. Tạm biệt một vùng đất hoang sơ mà giàu tình người, chúng tôi tiếp tục hành trình với những cảm giác tươi nguyên đầy lưu luyến về một vùng đất đẹp và kỳ lạ như trong huyền thoại.

Du lịch, GO! - Theo Hoàng Hùng, Kienthuc.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét