Long An có nhiều điểm tham quan hấp dẫn. Đến Thị xã Tân An, điểm đầu tiên du khách đến tham quan là Bảo tàng tỉnh Long An, nằm ở phường 4, ngay trung tâm thị xã. Bảo tàng trưng bày nhiều cổ vật quý hiếm có giá trị văn hóa nghệ thuật. Có nhiều hiện vật được khai quật từ các di chỉ khảo cổ của nền văn hóa Óc Eo.
< Bảo tàng Long An.
Đặc biệt, mọi người có thể chiêm ngưỡng tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay - một tác phẩm chạm khắc gỗ độc đáo được các nghệ nhân địa phương sao chép từ tượng nguyên bản ở Chùa Bút Tháp (tỉnh Hà Bắc) với tỷ lệ 1/5. Tượng được làm bằng gỗ lát hoa là bản sao thu nhỏ của tượng gốc, do các nghệ nhân dòng họ Huỳnh, một trong những dòng họ có nghề điêu khắc gỗ truyền thống của Long An.
Nơi tham quan tiếp theo là khu lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức- một trong những kiến trúc lăng mộ cổ nhất ở Long An còn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay, được xây dựng từ những năm đầu đời Nguyễn (khoảng 817), bao gồm các công trình chính như cổng, lăng mộ, đền thờ Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức, một công thần khai quốc của Triều Nguyễn. Năm 1993, Lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích cấp Quốc gia.
Điểm nhấn của du lịch Long An là Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười, thuộc xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa.
Vượt qua quãng đường 60 km tính từ thị xã Tân An, du khách sẽ đến cầu Quảng Dài và tiếp tục được tàu du lịch của Công ty đưa đến Trung tâm. 45 phút đi giữa rừng tràm mênh mông nước, khách sẽ cảm nhận không khí trong lành của thiên nhiên hoang sơ, gần như chưa bị tác động bởi bàn tay con người. Hương thơm tràm thoang thoảng tạo cảm giác dễ chịu, xua đi những mệt mỏi chốn đô thị ồn ào.
Đến Trung tâm, sau khi thưởng thức ly nước giải khát đá chanh mật ong mát rượi, ngọt ngào, du khách sẽ tham quan vườn dược liệu với hơn 50 giống thực vật, trong đó có 21 loài thực vật bậc cao dùng để chiết xuất tinh dầu, chế biến dược liệu cung cấp cho các công ty kinh doanh và sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm trong và ngoài nước.
Diện tích của Trung tâm quản lý hơn 1.000 ha, có 800 ha rừng tràm nguyên sinh, tha hồ cho khách dạo chơi, ngắm chim, cò với mật độ dày đặc, đi vỏ lãi trong kinh, rạch tìm hiểu về các loại cây thuốc và vị trí địa lý Đồng Tháp Mười, thưởng thức những món ăn dân dã đặc trưng của vùng đất này. Khách có thể mua quà mang về như mật ong, cá khô, dược phẩm... Tương lai, nơi này có thể phát triển thành nơi nghỉ dưỡng, chữa bệnh khá lý tưởng dành cho những ai ưa thích sự yên tĩnh, dung dị của thiên nhiên.
Cụm du lịch Đồng Tháp Mười còn có một điểm đến cũng rất thú vị dù hiện nay, còn đang trong quá trình xây dựng. Đó là Khu Du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, thuộc xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, cách biên giới Campuchia khoảng 15km về phía Nam. Diện tích 135ha và vùng đệm rộng 500ha, khu này được quy hoạch với kinh phí ước trên 100 tỉ đồng để xây dựng thành một khu du lịch đặc trưng của Long An và cả vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười nói chung trong tương lai.
Dự kiến nơi đây sẽ gồm 11 khu chức năng như khu di trú động vật hoang dã, khu bảo tồn tự nhiên, trung tâm giáo dục môi trường, khu lâm viên, khu nhà nổi trên cọc... Khách đến tham quan sẽ được hòa mình giữa rừng tràm bạt ngàn và ngắm và những cánh sen xanh ngát với phương tiện chủ yếu là ghe máy.
Trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia Mekong - Cần Thơ 2008, Long An là cửa ngõ đón khách đầu tiên từ miền Bắc, miền Trung và thành phố Hồ Chí Minh về ĐBSCL. Ngành du lịch Long An mong muốn khách một lần đến Long An sẽ thú vị và lưu luyến mãi.
Du lịch, GO! - Theo báo Cần Thơ, internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét