Bài 11: Cửa biển Hố Gùi
Mùa gió chướng năm nay đã về, cư dân miền biển lại xôn xao chuẩn bị các loại ngư cụ cho mùa đánh bắt sau. Tôi đến cửa biển Hố Gùi và được nghe ngư dân kể về vùng đất mình định cư. Nơi đây, trước kia là vùng đất hoang sơ, nay cuộc sống của ngư dân đã có nhiều thay đổi và khởi sắc, gắn liền với những cái tên như: làng cá Mai Hoa, làng cá Hố Gùi.
TRONG RỪNG, NGOÀI BIỂN
Tên Hố Gùi từ đâu mà có? Những người ở xóm biển này truyền miệng nhau kể rằng, xưa kia, mỗi lần đánh bắt về là cá hố nhiều vô kể, đến nỗi người dân phải vứt đi và ruồi nhặng bu đầy nên đặt tên Hố Gùi. Cũng có người nói, trước kia, nơi đây rất nhiều ong, mỗi lần vào rừng lấy mật, người ta thường mang theo gùi, nên có tên là Hố Gùi...
Thế đấy, cái tên được hình thành không chút cầu kỳ, vậy mà vùng đất biển này đã trở thành món quà quý giá, mở ra hướng mưu sinh cho hơn 500 hộ dân nơi đây.
< Trẻ em ở làng cá Hố Gùi.
Cửa biển Hố Gùi có vị trí địa lý rất đặc biệt, một bên thuộc ấp Mai Hoa, xã Nguyễn Huân, huyện Dầm Dơi, bên kia là ấp Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn. Với vị trí đặc biệt đó, trong những năm chiến tranh, nơi đây được xem là vùng căn cứ địa cách mạng quan trọng, là nơi con tàu huyền thoại Không số đã cặp bến để lên hàng tiếp viện cho bộ đội. Ông Ba Hương, người sống lâu năm nơi đây, nay đã ngoài 80 tuổi, cho biết: Cửa biển Hố Gùi ngày xưa hoang sơ, u tịch, chỉ có một vài người vượt sông lạch từ miệt Bạc Liêu, trốn nghèo, trốn khổ về đây. Họ dựng lên những căn nhà lá tạm bợ, mưu sinh bằng nghề lưới cá, rồi dần dà nhiều mái nhà được mọc lên trên những mỏm đất mong manh.
BỨC TRANH KHỞI SẮC
< Những căn nhà tạm bợ nơi cửa biển Hố Gùi ngày trước.
Năm 1997, cơn bão dữ Linda ập vào bán đảo Cà Mau, làng cá bé nhỏ cheo leo ngoài vành đai cửa biển Hố Gùi tơi bời trong gió dữ. Nhà cửa tan hoang, thuyền ghe vỡ nát... những tưởng bà con sẽ sợ biển bỏ đi, nhưng cái duyên nợ mặn nồng với biển đã vực họ dậy.
Nhìn thấy sự đe dọa và mối nguy hiểm cho bà con, UBND huyện Đầm Dơi đã xây dựng dự án di dời tái định cư cho dân làng cá Mai Hoa vào đất liền.
Phần ấp Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, được sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ, 205 căn nhà tạm bợ chênh vênh ngoài cửa biển được thay thế bằng những căn nhà khang trang. Khi dự án hoàn thành, cuộc sống của ngư dân cũng được chuyển sang trang mới tươi đẹp và khởi sắc hơn.
< Xây cất nhà tình nghĩa cho vợ liệt sĩ - bà Trần Thị Tám ở ấp Hoa Mai - Hố Gùi.
Về nơi ở mới, cuộc sống của ngư dân được ví như một bức tranh được vẽ lại kỹ lưỡng và tươi mới hơn. Những túp lều tranh mong manh trước gió ngày nào được thay thế bằng khu nhà tái định cư khang trang, vững chắc, có lộ bê-tông thẳng tắp, điện sáng, phương tiện nghe nhìn, trường học và trụ sở sinh hoạt văn hóa, an ninh trật tự ổn định.
< Làng cá Hố Gùi ngày nay.
Nghề biển vẫn được phát huy, nhưng chủ yếu là đáy hàng trung và những phương tiện đánh bắt với công suất nhỏ. Ông Huỳnh Công Quận, Trưởng ấp Mai Hoa, cho biết: Hộ nào ít vốn hoặc không việc làm có thể giang đáy với những hộ nhiều đáy, với điều kiện phải làm “ròng” (làm không tính công) cho những hộ ấy. Với cách làm đó đã tạo được công ăn việc làm cho ngư dân một cách đồng bộ, ai cũng ít nhiều có thu nhập sau một chuyến biển. Ngư dân đã biết tận dụng phần đất sân nhà để trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện cuộc sống gia đình.
< Trụ sở sinh hoạt văn hóa ấp Mai Hoa - Hố Gùi.
Bên cạnh những thuận lợi, ngư dân nơi đây vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, phương tiện đánh bắt còn nhỏ lẻ, thô sơ, chưa có sự quản lý chặt chẽ. Lại thêm cách xa chợ, từ làng cá ra chợ Vầm Đàm cách khoảng 8km đường thủy. Vì thế, có chợ là mong muốn lớn nhất của người dân nơi đây.
Cho đến bây giờ, cửa biển Hố Gùi vẫn sâu lắng nét nguyên sơ, bên trong vẫn bạt ngàn rừng đước, bên ngoài sóng biển vẫn hát rì rầm đón ngư phủ. Nếu có dịp đến với cửa biển Hố Gùi, ngoài thăm làng nghề truyền thống thì đừng quên mang theo những đặc sản đậm đà hương vị của vùng rừng biển Hố Gùi.
Bài 12: Biển - rừng Đất Mũi
Xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau - địa phương cuối cùng nằm ở cực Nam của dãy đất hình chữ S. Toàn xã được bao quanh bởi 34km đường bờ biển, rồi đổ thẳng ra biển Đông và biển Tây. Một vùng trời đất bao la, trên rừng dưới biển vẫn còn lưu giữ nét hoang sơ của thời cha anh đi mở cõi. Đồng thời, ở Mũi Cà Mau hàng năm, từng hạt phù sa màu mỡ giữa hai dòng hải lưu Bắc - Nam vẫn tiếp tục lấn biển thêm rừng, đưa con thuyền đất nước vươn xa cánh sóng - tiến thẳng về phía Tây.
BA MẶT GIÁP BIỂN
Về Đất Mũi - Rạch Tàu (địa danh Rạch Tàu không rõ có từ khi nào, nhưng nó đã trở thành tên gọi quen thuộc mà người dân dành cho mũi đất tận cùng này) chúng ta sẽ bị choáng ngợp bởi màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng và tiếng sóng biển rì rào. Với ba mặt giáp biển, Đất Mũi có tới 9 cửa sông, như chín con rồng đổ ra biển lớn. Nhưng tiêu biểu có thể kể đến cửa Vàm Xoáy, Rạch Mũi và cửa Khai Long.
< Lồng bè nuôi hàu ở cửa biển Vàm Xoáy.
Riêng cửa Vàm xoáy (Rạch Tàu), đổ trực tiếp ra biển từ con sông Rạch Tàu, là cửa rộng và sâu nhất, thuận lợi cho tàu thuyền ra vào neo đậu. Cửa Vàm Xoáy nằm ngay trung tâm xã, là nơi phản ánh rõ nhất sự phát triển của vùng chóp mũi, trên bến dưới thuyền, con người tất bật, chợ búa xôn xao. Nối liền với Vàm Xoáy là cửa Rạch Mũi - được con người cải tạo, luồng lạch, xuyên qua những cánh rừng đổ ra biển Đông.
< Chợ Đất Mũi - trung tâm mua bán của vùng chót mũi Cà Mau.
Đầu nguồn con rạch là Xóm Lò đông đúc, hạ nguồn là xóm nhà sàn ven biển bao quanh bởi rừng phòng hộ. Ngư dân ở Đất Mũi sống với biển chủ yếu bằng phương tiện đánh bắt thô sơ và ghe cào công suất nhỏ. Những năm gần đây, xã đã thành lập được 4 tổ hợp tác sản xuất, chuyển đổi từ khai thác đáy cạn sang làm lưới cá lẹp, với 104 thành viên. Bao quanh đất rừng là vùng biển rộng, ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi cho biết: “Tiềm năng biển của địa phương rất lớn, Đất Mũi có ngư trường đánh bắt rộng và hơn 200km2 vùng cấm, nơi để các loài hải sản sinh trưởng”.
Ngoài khai thác biển truyền thống, Đất Mũi còn nổi tiếng với các HTX nuôi hàu lồng trên sông Rạch Tàu và khoảng 2.000 ha nghêu Rạch Thọ. Đây là những mô hình cho hiệu quả và năng suất cao. Để phát huy lợi thế của mình, Đất Mũi đang triển khai mô hình thí điểm nuôi sò huyết, tìm hướng đi mới cho cư dân vùng mũi.
VỀ VỚI “MŨI THUYỀN” CỦA ĐẤT NƯỚC
< Tiểu cảnh Mũi Cà Mau đang được tôn tạo để phục vụ du khách trong dịp xuân về.
“Tổ quốc ta như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau”. Từ trụ sở Ủy ban xã Đất Mũi đi thẳng về phía biển, dọc theo cửa Rạch Mũi để đến với khu du lịch Mũi Cà Mau. Đến đây, du khách sẽ có cảm giác thật đặc biệt khi bước chân lên cột mốc số 0, nơi tận cùng của Tổ quốc. Và sẽ thật tuyệt vời khi đứng bên biểu tượng Mũi Cà Mau để nhìn ra đảo Hòn Khoai lịch sử và khu vực nam biển Đông bát ngát.
Khu du lịch Mũi Cà Mau không hấp dẫn du khách bởi vẻ sầm uất, hoa lệ mà làm nao lòng người bởi nét hoang sơ, trầm tích của nó. Ngoài ra, du khách còn có thể ngược về Khai Long - cửa biển duy nhất của tỉnh Cà Mau có bãi cát vàng thoai thoải, phía xa ngoài bãi, là màu đen đặc trưng của phù sa bồi lắng.
< Nhà hàng Mũi Cà Mau, một trong những nhà hàng phục vụ du khách đến với khu du lịch Đất Mũi.
Nằm ở nơi tận cùng Tổ quốc, như bao địa phương khác, Đất Mũi đang đi lên theo đà phát triển của đất nước. Tuy nhiên, địa thế chót mũi vừa là tiềm năng, đồng thời cũng mang nhiều thách thức. Khó khăn lớn nhất của Đất Mũi là dịch vụ giao thông vận tải - nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế và du lịch. Vì thực trạng du lịch Đất Mũi hiện nay chưa xã hội hóa cao, chủ yếu còn mang tính chính trị.
Về Đất Mũi, thấy đất nước ngày càng dài ra bởi mũi đất tận cùng như “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”, hằng năm lại bồi lắng phù sa lấn biển thêm rừng. Hành trình lấn biển về phía Nam của Xóm Mũi như mang dấu ấn cha anh thời khai hoang mở cõi, gợi lại trong lòng chúng ta niềm tự hào và cảm phục.
A1 - Những cửa biển ở Cà Mau
A2 - Những cửa biển ở Cà Mau
A3 - Những cửa biển ở Cà Mau
A4 - Những cửa biển ở Cà Mau
A5 - Những cửa biển ở Cà Mau
A6 - Những cửa biển ở Cà Mau
A7 - Những cửa biển ở Cà Mau - kỳ cuối
Du lịch, GO! - Theo báo Ảnh Đất Mũi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét