Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

"Không có chuyện nhìn nữ CSGT mà xảy ra tai nạn"

"Việc nhiều nam giới mải mê nhìn nữ CSGT xinh đẹp mà để xảy ra tai nạn là điều không thể xảy ra. Bởi đến chỗ ngã tư đèn đỏ, người tham gia giao thông thường đi với tốc độ chậm...", Thượng tá Lê Đức Đoàn cho biết.

Bắt đầu từ ngày 1.1.2013, nhiều nữ CSGT sẽ được điều động ra điều khiển giao thông tại một số ngã tư lớn ở Hà Nội vào giờ cao điểm.
Sẽ giảm tai nạn và vi phạm giao thông
Theo thông tin mà đại diện phòng Tham mưu, Phòng CSGT Hà Nội cung cấp cho PV, bắt đầu từ ngày 1.1.2013, nhiều nữ CSGT sẽ được điều động ra điều khiển giao thông tại một số ngã tư lớn ở Hà Nội vào giờ cao điểm. Vị đại diện này cũng cho biết, kế hoạch đưa nữ CSGT phân luồng tại các nút giao thông trọng điểm đã được trình lên các cấp xin ý kiến và tuần tới sẽ họp triển khai.
Nữ CSGT sẽ làm đẹp đường phố
Trao đổi với PV, thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1, Phòng CSGT, CA TP. Hà Nội cho rằng, việc đưa nữ CSGT ra điều khiển giao thông là việc làm hay, sẽ tạo nên hình ảnh CSGT mềm mại, xinh đẹp và tạo cảm giác thoải mái hơn với người dân khi tham gia giao thông.
"Trên thế giới, phụ nữ làm CSGT khá phổ biến, đến đất nước Triều Tiên, nhiều người sẽ ấn tượng mạnh mẽ với các nữ CSGT xinh đẹp, trẻ trung. Ở Việt Nam từ những năm 70 đã có nữ CSGT tham gia điều khiển giao thông và tạo được ấn tượng tốt trong lòng dân. Ngay dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, nữ CSGT đã được triển khai tham gia hướng dẫn giao thông và để lại nhiều ấn tượng và xúc cảm với người dân", Thượng tá Lê Đức Đoàn cho biết.
Thượng tá Lê Đức Đoàn cũng đưa ra nhìn nhận: "Việc đưa các nữ CSGT tham gia điều khiển giao thông vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều, sẽ giảm tai nạn và vi phạm giao thông. Bởi khi nữ CSGT đứng trên bục điều tiết không ngại nắng mưa, người tham gia giao thông sẽ ý thức hơn và chấp hành tốt".
Nhìn nữ CSGT có dễ xảy ra tai nạn?
Việc đưa nữ CSGT tham gia điều khiển, hướng dẫn giao thông luôn được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn.
"Tôi luôn ủng hộ việc đưa nữ CSGT ra các chốt trực trong giờ cao điểm vì tôi nghĩ rằng chắc chắn tình hình giao thông sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, sức khỏe của chị em liệu có đáp ứng được yêu cầu công việc không? Có xảy ra tai nạn do người đi đường mải ngắm các nữ CSGT xinh đẹp hay không", anh Nguyễn Nam Hoàng, Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) đưa ra những băn khoăn.
Nói về những ý kiến băn khoăn trên, Thượng tá Lê Đức Đoàn cho biết: "Những nữ CSGT khi làm nhiệm vụ điều khiển giao thông đã được rèn luyện về nghiệp vụ cũng như thể lực. Chị em cũng chỉ đứng trong giờ cao điểm, hết giờ lại về văn phòng làm việc. Còn việc nhiều nam giới mải mê nhìn nữ CSGT xinh đẹp mà để xảy ra tai nạn là điều không thể xảy ra. Bởi đến chỗ ngã tư đèn đỏ, người tham gia giao thông thường đi với tốc độ chậm, nên khó mà xảy ra tai nạn được".
"Biết rằng khi điều khiển, hướng dẫn giao thông, nữ giới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nam giới, ví như: thời tiết khắc nghiệt, bụi bặm, hay bị trêu ghẹo... Hơn nữa, ngoài công việc còn phải dành thời gian chăm lo cho gia đình và con cái. Tuy nhiên, đã là nhiệm vụ thì chúng tôi sẽ luôn cố gắng để hoàn thành tốt công việc", một nữ CSGT cho biết.
"Để lấy lại hình ảnh đẹp của CSGT, giảm thiểu những vấn nạn, Giám đốc CA TP. Hà Nội - đại tá Nguyễn Đức Chung đã ra chỉ đạo, CSGT khi làm nhiệm vụ phải đứng ở vị trí công khai, không được đứng chỗ khuất, ngồi hàng quán, nhận tiền mãi lộ... Tuy nhiên, để tạo cho người tham gia giao thông cảm giác thoải mái và mềm mại, việc Phòng CSGT, CA TP Hà Nội sẽ tung các nữ CSGT ra điều khiển giao thông là điều hợp lý. Tôi hi vọng, với sự tham gia của các nữ CSGT, hình ảnh CSGT sẽ trở lên thân thiện, dễ gần hơn trong mắt người dân Hà Nội", Thượng tá Lê Đức Đoàn, đội CSGT số 1, Phòng CSGT, CA TP Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét