"Sởn da gà" trước những cơn ác mộng có thật trong lịch sử của ngành y học…
Sự phát triển của y tế, những phương pháp điều trị ngày một hiện đại đã đưa cuộc sống con người lên những nấc thang mới.
Mỗi nấc thang, giai đoạn của y học lại được đánh dấu bởi các phát kiến, cách thức chẩn đoán điều trị hiện đại, mới và tân tiến hơn.
Thế nhưng, trong một góc khuất của lịch sử vẫn tồn tại những cách chữa bệnh “sởn da gà”…
1. Dùng điện để khám phá khuôn mặt thật của con người
Khát vọng chinh phục đỉnh cao tri thức là điều hết sức bình thường đối với giới khoa học nói riêng và tất cả mọi người nói chung.
Vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, trong một nỗ lực khám phá toàn bộ hệ thống dây thần kinh ẩn dưới bề mặt da, nhà thần kinh học người Pháp - Guillaume Benjamin Amand Duchenne đã cho ra đời một phương pháp nghiên cứu y học mà ngày nay, chỉ nhắc tới nó thôi, người ta đã phải rùng mình.
Theo đó, Guillaume chủ trương dùng điện kích thích vào bộ phận cơ thể cần tìm hiểu, nói cách khác là gây ra những vụ giật điện nhẹ và xem phản ứng của các cơ tức thì. Ông cho chụp lại những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc đó rồi tiến hành nghiên cứu phân tích.
Phương pháp này đơn giản song nó thực sự là một cơn ác mộng. Người bình thường liệu ai có thể tình nguyện đứng ra thử nghiệm cho điện giật, và quả thật trong thực tế, nhà nghiên cứu đã phải thí nghiệm trên các bệnh nhân tâm thần.
Đáng sợ hơn, thay vì ý định ban đầu khám phá cơ bắp ở tay con người, Guillaume đã thử nghiệm phương pháp trên khuôn mặt người. Kết quả mà ông ta thu được chính là những bức ảnh của bệnh nhân với những cảm xúc khác nhau: vui, buồn, đau đớn… đến tột độ do các cơ mặt bị dòng điện kích thích liên tục.
2. Lá phổi sắt
Nửa đầu thế kỷ XX, một trong những phương pháp hỗ trợ điều trị bại liệt cực kỳ phổ biến đó chính là “lá phổi sắt”.
Đối với những bệnh nhân bị bại liệt (đặc biệt trẻ em còn nhỏ), căn bệnh quái ác nói trên gây ra những di chứng nặng nề, một trong số đó là làm tê liệt các cơ hô hấp của cơ thể.
Khi đó, phổi của bệnh nhân không thể có đủ oxy và dưỡng khí nuôi cơ thể. “Lá phổi sắt” đã ra đời để cứu sống những bệnh nhân mắc phải tình trạng nêu trên.
Trên thực tế, đây là một cỗ máy khổng lồ, gần giống như một chiếc quan tài bằng sắt. Khi sử dụng chúng, bệnh nhân sẽ chui vào và chỉ để hở đầu ở phía trên. "Lá phổi sắt" sẽ thực hiện chức năng hô hấp hộ cơ thể bệnh nhân, giúp họ thoát khỏi cơn đau đớn bệnh tật.
Tuy nhiên, bệnh nhân không khác gì một cái xác còn sống. Không thể làm gì, nằm sẵn trong một cỗ máy bằng sắt, phải nhờ người khác chăm sóc từng li từng tí. Đối với rất nhiều người, rơi vào tình trạng như trên có thể còn đau đớn hơn là một cái chết.
3. Treo chân
Bạn đã từng xem những bộ phim cổ trang Trung Quốc, nơi có rất nhiều những cảnh tù nhân bị treo lên bằng dây xích và tra tấn thật dã man. Thật đáng buồn, trong lịch sử y học của loài người vào khoảng những năm 1950, đã có lúc người ta từng dùng phương pháp gần tương tự để chữa trị bệnh tật.
Phương pháp mà chúng ta đề cập ở đây dùng để trị bệnh bại liệt và chứng vẹo hay gai cột sống. Cụ thể, bệnh nhân sẽ được nằm trên võng, thiết kế riêng tùy theo tình trạng bệnh tình của bản thân, sau đó thì chân, tay đều được treo ngược lên tường.
Người bệnh sẽ phải chịu đựng tình trạng như trên trong một thời gian rất dài. Người ta tin như thế có thể nắn chỉnh được cột sống, xương về đúng vị trí ban đầu cũng như chẩn trị những biến dạng xương do bại liệt. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của cách thức đáng sợ này thì rất thấp.
4. Thuốc DDT
Trong Chiến tranh Thế giới II, chấy rận được coi là nỗi khiếp sợ đối với rất nhiều người. Trong các nhà tù, trại tập trung, đơn vị quân ngũ, chúng reo rắc những căn bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm. Số lượng người chết vì loài vật nhỏ bé này tăng lên hàng ngày theo cấp số nhân.
Các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra một loại thuốc trị chấy rận rất hiệu quả: DDT (dichloro-diphenyl-trichloroethane). Loại thuốc này nhanh chóng phổ biến được sử dụng trong quân đội cũng như các nhà tù.
Người ta sử dụng những bình xịt cỡ lớn, xịt trực tiếp vào đầu tóc, cơ thể, chăn màn của binh lính, tù nhân để đề phòng đại dịch. Nhìn những hình ảnh được ghi lại như thế này, có cảm giác như con người “được chăm sóc” như vật nuôi vậy.
Đây là một bước phát triển sai lầm. Sau này, các nhà khoa học đã phát hiện ra, DDT cực kỳ độc và nếu tích tụ lâu dài có thể gây ung thư trên cơ thể người.
Loại thuốc này tiếp đó được sử dụng để trừ... sâu và côn trùng có hại trong nông nghiệp, nhưng sau đó đã bị cấm sản xuất và sử dụng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét