Đi du lịch không bao giờ có tuổi. Thấy rõ nhất là xu hướng người lớn tuổi lên kế hoạch đi chơi xa ngày đầu năm ngày càng nhiều.
Yêu thích nhiếp ảnh, bác Lê Khánh Toại, 60 tuổi, thường khiến người xem phải trầm trồ trước những bức ảnh chụp trên đường chu du.
Những chuyến đi khắp các tỉnh thành phía Nam, hành trình xuyên Việt và gần đây nhất là 30 ngày đêm cùng hơn 7.000 cây số xuyên Đông Dương và Thái Lan trên “con ngựa sắt” là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bác Toại.
Đi nhiều để... chậm già hơn
Bác Nguyễn Chiều (67 tuổi) và bác Kha Vi (73 tuổi) đang quyết tâm dành một năm tự học tiếng Anh để có thể giao tiếp tốt hơn với người địa phương ở những nơi họ đến. Ngồi sau tay lái chắc và cẩn trọng của hai bác trong một chuyến đi bụi xuống miền Tây, tôi được nghe kể nhiều về những lần đi tàu, đi xe buýt, đi máy bay trên quê hương và cả chục nước châu Âu, châu Á.
“Hai vợ chồng tôi đi du lịch bụi đến Singapore đúng dịp tết cổ truyền. Tết ở đâu cũng vui và náo nhiệt như nhau. Sau chuyến đi, chúng tôi chủ trương sống tiết kiệm hơn để có thể mỗi năm viếng thăm vài ba quốc gia” - bác Nguyễn Chiều nói.
Gọi người vợ gắn bó hơn nửa thế kỷ là “người tình trăm năm”, bác Lê Thanh Hoàng Dân (76 tuổi) không giấu niềm tự hào khi cùng “đi giang hồ” với bác Trần Thị Mỹ Châu (72 tuổi) trên những nẻo đường châu Mỹ, châu Âu, dọc bờ Địa Trung Hải và nhiều vùng đất châu Á. Trang blog kể chuyện “Đi, xem, biết và hiểu thế giới bao la chúng ta đang sống” của hai bác thu hút cả triệu lượt truy cập, khiến cả người già lẫn người trẻ đều ngưỡng mộ trước sức đi vô cùng đáng nể.
Ở tuổi đã là ông, là bà, thay vì vui thú điền viên hay vui vầy cùng con cháu, những mái đầu bạc này xem du lịch là một cách tận hưởng những ngày nhàn rỗi. Với nhiều người, đam mê xê dịch đã ngấm vào máu, họ không dừng chân dù tuổi già đã đến. Với những người khác, đi là một thú vui tuổi hưu trí.
Bác Nguyễn Chiều tâm sự: “Tuổi trẻ của chúng tôi đã bị đánh mất vì chiến tranh, ngủ một giấc thôi đã thành người già. Đi để biết đây biết đó, có điều kiện thời gian rồi thì không thể nằm nhà ôm gối được. Đi cũng là cách để giữ cho mình chậm già hơn”.
Cách du lịch bụi của người lớn tuổi cũng khác những người trẻ: nhẩn nha, tùy hứng, thong dong. Thế nhưng không phải vì nhiều tuổi mà họ không “chịu chơi”. Những “ta balô” đích thực này sẵn sàng chu du cùng “ngựa sắt” trên những cung đường khó nhằn nhất, qua đêm trong khách sạn bình dân dành cho giới đi bụi, hay sẵn sàng kết bạn với người bản địa và đắm mình vào bầu không khí văn hóa nơi họ viếng thăm.
“5 giờ chiều, chúng tôi xuất phát vào rừng Tam Bố (Bình Thuận), băng qua con đường toàn sình lầy, vượt qua những đoạn suối sâu mà nước ngập qua máy xe - bác Toại nhớ lại chuyến đi bụi đầu tiên bằng xe máy cùng những “đồng đội” đam mê các cung đường - Cả đoàn đi suốt đêm để đến đèo Triệu Hải (Lâm Đồng), từng xe xuống một. Những anh em khác còn lại ở trên phải dùng dây buộc chặt và kéo ghì xe lại không cho xe lao xuống, người thì cầm đèn pin soi, người thì canh đường để thả xe từ từ xuống, chỉ cần sơ sẩy một chút là cả người lẫn xe sẽ rơi xuống vực…”.
Ở tuổi trên 60, vợ chồng ông VanHalen vẫn xem các hoạt động ngoài trời là niềm yêu thích. Họ len lỏi giữa những khe hẹp của hang động Błedne Skały, Ba Lan, đu dây mạo hiểm ở Costa Rica hay trải qua nhiều đêm trên sa mạc với người Ai Cập. Trong căn hộ chung cư nhỏ lọt thỏm giữa Sài Gòn nhộn nhịp, hai ông bà ngủ một giấc ngon sau chuyến đi bộ vòng quanh thành phố.
Vài ngày trước đó, họ gửi cho tôi yêu cầu xin ở nhờ thông qua Couch Surfing (một cộng đồng homestay miễn phí dành cho dân đi bụi). Việt Nam là điểm đến thứ 73 trong hành trình kéo dài gần 30 năm chung sống và đi du lịch bụi của họ. “Chúng tôi không ngại việc sống trong căn chung cư nhỏ này, bởi nhờ nó mà vợ chồng tôi có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống thường nhật của một người dân Sài Gòn. Đi xe máy giữa một thành phố đông đúc như Sài Gòn đúng là một trải nghiệm không thể nào quên” - bác Paul VanHalen nói.
Không gặp quá nhiều khó khăn với sức khỏe, mỗi chuyến đi bụi của người lớn tuổi thường được chuẩn bị kỹ lưỡng về thuốc men, thực phẩm, lịch trình. Các tay lái lụa ở tuổi U60-70 cho biết khi chuẩn bị lên đường, họ dành thời gian nghiên cứu lâu hơn về lịch trình. Lúc trên đường trường họ luôn chạy xe cẩn thận, biết dưỡng sức, luôn bảo đảm độ an toàn và tốc độ của xe.
Không chỉ được chào đón ở những nơi đi qua, những tay du lịch bụi cự phách này còn nhận được sự giúp đỡ từ những người tốt bụng. Bác Kha Vi đến nay vẫn nhớ mãi câu chuyện về anh tài xế xe buýt Tây Ban Nha tốt bụng. “Hôm đó vợ chồng tôi vừa ra ga tàu hỏa để đi Barcelona thì lại lên nhầm chuyến xe buýt quay ngược trở lại sân bay. Tiếng Tây Ban Nha thì không biết, tiếng Anh thì bập bõm, khi đó chúng tôi lo lắm vì sợ hết chuyến bay. Nào ngờ anh tài xế sau khi hiểu chuyện đã chở chúng tôi quay lại ga tàu hỏa mà không lấy một đồng nào. Đến nơi anh ấy còn dẫn hai vợ chồng đến tận cửa lên tàu hỏa rồi mới quay lại xe”.
Bạn đường - bạn đời
Dân đi du lịch bụi kinh nghiệm đều biết du lịch hai người khó hơn nhiều nếu đi một mình. Tuy nhiên, những khách lữ hành đầu bạc này thật may mắn khi có người bạn đồng hành và cũng là bạn đời trong những chuyến đi. Bác Hoàng Dân nói: “Hai chúng tôi sống với nhau 53 năm rồi. Lúc hưu trí, mình có cả cuộc đời để du lịch, muốn đi đâu thì đi, thú vị lắm. Tôi cùng vợ thích bay đến vùng đất mình muốn du lịch, đi xe buýt hoặc du thuyền trên sông, thăm viếng vùng đất đó, thú vị hơn, thấy và hiểu nhiều hơn”.
Còn bác Toại luôn tự hào về người vợ của mình: “Thật may mắn là tôi có người bạn đời cùng chung chí hướng. Cô ấy hiểu và ủng hộ, không những không ngăn cản mà còn lo lắng chu đáo cho các chuyến đi. Tết này cả gia đình sẽ cùng lái xe băng qua những vùng núi đồi Đông Bắc, Tây Bắc đất nước”.
Đam mê du lịch bụi chưa bao giờ có tuổi. Khi những tháng ngày làm việc chăm chỉ ở tuổi thanh xuân đã lùi xa, những khách lữ hành này lại biến chuỗi ngày hưu trí nhàn rỗi thành hành trình giá trị, ý nghĩa và đầy kỷ niệm. “Cuộc đời của tôi đã gắn liền với các chuyến đi. Đến khi sức khỏe không còn cho phép, lúc đó tôi mới chịu ngừng đi” - bác Toại khẳng định.
Vài lời khuyên dành cho người lớn tuổi đi du lịch
- Mua bảo hiểm du lịch để được chăm sóc sức khỏe ở nơi đến, tránh trường hợp các căn bệnh vốn có tái phát.
- Mang đầy đủ loại thuốc hay dùng, đề nghị bác sĩ ghi giúp một tờ giấy bao gồm thông tin như: các loại bệnh đang điều trị, tên thuốc, liều lượng, thời điểm dùng… để có thông tin trong trường hợp khẩn cấp.
- Tiêm đầy đủ các loại văcxin nếu du lịch đến các khu vực đang có bệnh truyền nhiễm.
- Để tránh rủi ro cướp giật, hạn chế đi dạo vào ban đêm, không nên đeo trang sức đắt tiền, các vật dụng có giá trị như tiền, thẻ tín dụng nên đặt trong túi bao tử hoặc túi đeo cổ ở lớp áo trong cùng.
- Không nên đi theo lịch trình quá nhanh, nên xen kẽ thời gian nghỉ ngơi và thư giãn.
- Mang trong người số điện thoại đại sứ quán Việt Nam tại nơi đến, cùng các số điện thoại liên lạc khẩn cấp.
Du lịch, GO! - Theo Đinh Hằng (DulichTuoitre), internet
Phượt già nhớ rừng xanh - P1
Phượt già và niềm đam mê - P2
Chuyện làng phượt: Gian nan thử thách tuổi xế chiều
Thú chơi bụi của phượt... già
Lão ông 72 tuổi bộ hành từ Nam ra Bắc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét