Đến với làng tạm An Xá ven sông Hồng nơi chứa đựng nhiều cảnh đời khiến ai cũng nao lòng. Ở trong những ngôi nhà tạm, bươn chải kiếm sống nhưng họ luôn lạc quan.
Được lên bờ vẫn là ước mơ xa xôi
Trong cuộc sống bộn bề của những mảnh đời nơi đây, không ai nhớ rõ làng có từ bao giờ. Trong tiềm thức họ chỉ biết nơi đây dành cho những người nghèo khổ, những mảnh đời không còn chỗ nào để đi nữa trú chân. Họ là những con người đến từ các vùng quê lân cận như: Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên,…
Những hộ dân làng An Xá nằm ven sông Hồng hàng ngày đối mặt với nhiều hiểm nguy.
Ở xóm chài này có gần 20 hộ dân sống với nhau, ngày xưa được gọi là xóm chài vì họ sống chủ yều nhờ vào câu cá, thả lưới trên sông Hồng. Nhưng hiện nay không còn ai làm nghề đó để sống nữa, họ phiêu bạt làm đủ thứ nghề trong thành phố Hà Nội.
Trong số 20 hộ dân đó có10 hộ đang phải hằng ngày sống chung với nước, lênh đênh trên sông Hồng. Họ không được lên bờ bởi họ không có tiền. Những ngôi nhà của họ được làm chủ yếu bằng các tấm mên, túi nilon, xốp, nhựa,… trôi lềnh bềnh trên sông Hồng. Nhìn những ngôi nhà tạm mong manh mà tưởng chừng có cơn gió mạnh nó sẽ thổi bay mất.
Cuộc sống ngày xưa của họ luôn phụ thuộc vào nước của sông Hồng để sống, nhưng thời gian gần đây nước đen ngòm, hôi thối khiến họ phải tự đi mua nước máy để dùng. Khi mà cái ăn chưa đủ lại kéo theo tiền nước khiến cuộc sống họ càng chao đảo hơn.
Những ngôi nhà xập xệ được làm tạm bợ phụ thuộc vào sông nước.
“Buổi tối ngủ lạnh lắm ạ, nhà em mọi hôm có đệm nằm nhưng bố bán rồi, bố bán để mua nước” – đứa bé không có tên đi học, chỉ có tên ở nhà là Mắm bước từ nhà của mình ra nói.
10 hộ dân này dường như sống tách biệt với những người dân khác đã lên bờ. Kể cả trẻ con chúng cũng không chơi với nhau. Khi chúng tôi bảo mấy đứa trẻ dẫn đến thăm những em nhỏ khác dưới sông, chúng có phần e ngại và không muốn xuống đó.
Cạnh cuộc sống của họ là nguồn nước thải từ các hộ dân lân cận thải ra sông, mùi hôi thối, kèm theo đó là những đống rác thải to đùng ngày càng phình ra và ập xuống không gian sống của con người nơi đây. Nguy cơ bệnh tật xâm lấn cuộc sống của họ ngày càng cao.
Họ đối mặt với những nguy hiểm từ sự ô nhiễm môi trường.
Không chỉ vậy nguy hiểm luôn rình rập, theo người dân kể lại, cách đây hơn năm một ngôi nhà bị cháy do có quá nhiều gỗ, xốp, nilon nên ngọn lửa lan nhanh, một em bé bị thiệt mạn trong vụ cháy. Hồi năm ngoái, có một em bé chết đuối do trượt chân ngã dưới sông do không có chỗ chơi. Những mối nguy hại này vẫn còn tiếp tục diễn ra đối với những người dân ở đây, khi mà được “lên bờ” vẫn là niềm mơ ước xa vời.
Lên bờ vẫn sống cảnh lầm than
Những hộ dân nào có điều kiện hơn thì họ lên bờ thuê nhà để ở, với mức phí 700 nghìn - 1 triệu đồng một tháng cho căn phòng rộng hơn 10 m2. Họ làm đủ nghề, đàn ông thì đi đạp xích lô, bốc hoa quả, xe ôm, đàn bà thì bán gà, bán rau quả ở chợ…
Cả gia đình sống trong những ngôi nhà tạm bợ được thuê với giá rẻ.
Anh Võ Xuân Tuấn quê ở Nam Định lên thuê nhà ven sông để ở, căn nhà rộng chừng 14m2 chỉ đủ kê một cái giường cho hai vợ chồng và hai đứa con để ở. Công việc hàng ngày của anh là bốc vác, lái xích lô và làm xe ôm, quanh khu vực chợ Long Biên.
Những căn nhà xập xệ như thế nhưng họ cũng đã gắn bó gần chục năm nay, có hỏng thì cũng tự sửa lại và tiếp tục ở đó. Cuộc sống của họ quy tụ lại với nhiều thế hệ, già đình chị Thu quê ở Nam Định, có ở ông bà ngoại, vợ chồng chị và một đứa con nhỏ sống trong khu An Xá này. Chồng chị hàng ngày đi làm thêm ở thành phố, chị đi bán gà, còn ông bà thì đi nhặt ve chai kiếm sống.
Ở quê đã nghèo lại còn đối mặt với nhiều miệng ăn, buộc họ phải bươn chải đất khách quê người, chắt chiu để sống qua ngày. Hằng ngày anh Kỳ kiếm được hơn 100 nghìn đồng, anh phải lo tiền ăn, tiền học cho con, tiền trọ, anh còn phải gom góp gửi về cho bố mẹ già ở quê hằng ngày vẫn mong chờ anh về.
Tưởng rằng những mảnh đời nơi đây được lên bờ, thuê nhà có thể hạnh phúc hơn, nhưng họ vẫn phải sống trong cảnh những ngôi nhà tạm bợ được che chắn bằng gỗ, bằng bạt phủ xung quanh. Cuộc sống thiếu thốn đủ thứ, buộc những con người nơi đây phải dựa vào nhau, coi nhau như anh em trong gia đình để sống.
Trở về trong chiều đông rét mướt cuối năm, chúng tôi vẫn không khỏi bang hoàng về sự lạc quan, yêu đời và mến khách của những người dân tỉnh lẻ lên thành phố để kiếm sống. Chỉ cách có mấy bước chân từ phố xá ồn ã ở Long Biên, làng ven song An Xá vẫn bình dị, tĩnh lặng và buồn như thế!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét