Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

những cơn mưa kỳ lạ

Lịch sử đã ghi nhận rất nhiều trường hợp trong những cơn mưa lớn, cùng với nước mưa trên trời đổ xuống rất nhiều loài động vật khác nhau: cá, ếch nhái, cóc, sâu, ốc, kiến, rắn… Không hiếm những trận mưa còn mang theo cả cành cây, muối hạt, hồ đào, than cốc và tro từ nhiều nguồn gốc và màu khác nhau, trong đó có màu đỏ, thường được người xưa gọi là “những cơn mưa máu”. 

Từ mưa cá đến mưa... cóc
Charles Fort
Sử sách cổ từng ghi nhận những cơn mưa bất thường như vậy đổ xuống trái đất từ hàng ngàn năm trước đây. Hiện tượng thiên nhiên này đã lôi kéo sự chú ý của rất nhiều nhà bác học cho dù họ chưa thể hiểu được nguyên nhân của nó. Trong một tuyển tập các cuốn sách của Hy Lạp vào thế kỷ thứ II cũng ghi nhận hiện tượng về những cơn mưa cá. Thậm chí trong Kinh thánh cũng có nhắc về hiện tượng kỳ lạ này, cho dù không phải là cá mà là những con cóc. Theo đó, việc những con cóc rơi đầy từ trên trời xuống đất đai của Ai Cập được coi là “sự trừng phạt của Chúa trời đối với đất nước này”.
Một trăm năm trước đây, Charles Fort đã tìm cách theo dõi một cách có hệ thống những công bố về các đề tài kỳ lạ được đăng trên báo chí. Kho lưu trữ của ông ước tính có tới 60.000 tài liệu khác nhau và được coi là một tập hợp lớn nhất về các hiện tượng kỳ lạ, trong đó có cả những cơn mưa cá.
Đến năm 1919, Fort cho xuất bản cuốn sách có tên “Cuốn sách của những lời nguyền” (Book of the Damned), có trích dẫn rất nhiều hiện tượng kỳ lạ từ khắp nơi trên thế giới. Ví dụ trong một bài báo của tờ “Times” xuất bản vào năm 1859 có thông báo “một số mái nhà tại địa phương sau cơn mưa đã phủ đầy những cá”. Tạp chí “Nature” ra ngày 19-9-1918 cũng viết về một trận mưa cá kéo dài 10 phút vào ngày 24-8-1918 tại vùng ngoại ô Sunderland. Cơn mưa kỳ lạ này đổ xuống một diện tích không lớn (60m x 30m). Số cá thu được ngay sau đó đều đã chết và cứng như ướp đá vậy. Theo nhận định, những con cá này có nguồn gốc từ khu vực bờ biển gần Sunderland.
Nhà tự nhiên học người Pháp Francois de Castelno cũng từng có một báo cáo tại Viện Hàn lâm khoa học Paris về một cơn mưa cá đổ xuống Singapore vào ngày 22-2-1861. Ông mô tả: “Sau cơn mưa, những người Trung Quốc đang tụ tập rất nhiều quanh những vũng nước lớn bắt cá và cho đầy vào giỏ. Khi tôi hỏi cá ở đâu ra, họ đều trả lời là từ trên trời rơi xuống. Ba ngày sau, khi các vũng nước đã cạn hết, trên mặt đất vẫn còn rất nhiều xác cá chết”.
Những cơn mưa cá thật ra không phải hiếm khi gặp nhưng khi thì ở nơi này khi ở nơi khác trên khắp hành tinh. Chính vì vậy nó vẫn được coi là một hiện tượng dị thường chưa từng có, trước khi có được những thông tin mang tính tổng hợp. Nhà bác học Gilbert Witley vào tháng 3-1972 đã cho công bố trên tạp chí “Lịch sử tự nhiên Australia” những dữ liệu được ông thu thập về khoảng 50 trận mưa cá từng xảy ra tại Australia và Ấn Độ.
Hiếm gặp hơn nhiều so với mưa cá là những cơn mưa mang tới ếch nhái và cóc. Vào cuối năm 2002, tờ “Sunday Times” tại London đã cho đăng bài báo về một cơn mưa như vậy. Nhưng lần này mưa không xảy ra tại nước Anh sương mù mà tại sa mạc Sahara của Ma rốc nắng nóng. Vào năm 1969, Veronica Pepvef cũng từng tiết lộ với độc giả của tờ “Sunday Express” những hồi ức về một trận mưa ếch mà cô đã may mắn gặp tại Penna, xứ Burkingham: “Sau khi chúng tôi đến dự một bữa tiệc, bất chợt nổi cơn dông lớn và ếch nhái rơi xuống như mưa. Do cửa sổ và cửa ra vào đều mở nên chúng thi nhau nhảy vào nhà, chen nhau chật cứng trên sàn khiến chúng tôi không thể bước đi nổi”.

Liệu có phải do vòi rồng?
Vòi rồng – một trong những nguyên nhân của những trận mưa kỳ lạ
Tờ “Sun” xuất bản tại New York vào năm 1892 cũng từng mô tả về một cơn mưa trút xuống đất rất nhiều lươn tại Alabama. Ngoài cá và ếch, những cơn mưa kỳ lạ còn đổ xuống đất rất nhiều thứ - những con kiến nhỏ, hạt mù tạc, sâu bọ (vào năm 1979 người ta đã thu nhặt tại Anh vài ký sâu bọ rơi từ trên trời xuống), than đá, lưu huỳnh…
Câu hỏi là điều gì đã làm nên những cơn mưa kỳ lạ như vậy? Cho đến bây giờ, người ta vẫn chưa tìm ra được một lời lý giải thấu đáo cho tất cả những sự kiện trên. Một trong những lời giải thích thông dụng và hợp lý nhất về điều này là tác động của các vòi rồng thường có trong những cơn dông.
Dòng không khí xoáy tạo thành rất nhanh này đi qua một khu vực có nhiều cá hay ếch nhái, hút chúng vào cái miệng phễu của nó và mang đi ném xuống một khu vực khác. Nếu đánh giá sơ qua, lời giải thích này dường như là hoàn toàn đơn giản, hợp lý và đúng đắn. Tuy nhiên trên thực tế, nó chỉ phù hợp với một phần nhỏ những trận mưa kỳ lạ trên.
Từ lâu, người ta đã nhận thấy, trong phần lớn các trường hợp mưa như vậy, những thứ rơi xuống mặt đất chỉ bao gồm một loại cá hay một loại gì đó duy nhất, trong khi vòi rồng trên thực tế lại không thể có khả năng chọn lựa như vậy.
Thật khó có thể hình dung một loại vòi rồng có khả năng chọn lọc có đúng một loại ốc hay cá để ném xuống một khu vực khác trên trái đất. Những cơn dông hay vòi rồng có thể ném xuống nhiều thứ khác nhau: từ cành cây, đất cát hay cả ếch nhái… có thể giải thích được bằng hiện tượng vòi rồng. Tuy nhiên phần lớn những hiện tượng kỳ bí được Charles thu thập từ nhiều năm qua chắc chắn vẫn không thể có một đáp án chung là vòi rồng. Bí mật trên vẫn đang chờ đợi lời giải đáp từ phía các chuyên gia tự nhiên học.

Nguồn :www.luubuttuoixanh.com - Sưu tầm
(Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy) Viết bài cùng Lưu bút tuổi xanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét