Bay ở độ cao từ 100 - 1000m so với mực nước biển. Trải nghiệm những cảm giác hồi hộp, lo lắng khi ở trên lãnh địa của những loài chim. Để rồi, chỉ sau vài giây cất cánh, những cảm xúc thăng hoa, vui sướng, bồng bềnh trên không trung bao la ùa về.
< Núi Linh Trường thuộc huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, đây được coi là điểm bay đẹp nhất miền Bắc bởi thời tiết phù hợp.
Thỏa sức ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước với những bãi biển dài cát trắng, những cánh đồng bất tận và tấm gương khổng lồ lấp lánh ánh mặt trời phản chiếu trên đồng muối bằng một góc nhìn mới mẻ đầy cảm xúc, khác lạ đến dị thường. Đó là những trải nghiệm đặc biệt khi bay lượn trên không cùng một phi công dù lượn tại bãi biển Hải Tiến, xã Hoằng Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa trong liên hoan dù lượn toàn quốc Hoằng Trường FunFly 2012 vừa qua.
< Tháng 6 là mùa đẹp nhất trong năm bởi đây là thời điểm đạt chuẩn tối đa về thời tiết và tốc độ gió.
Hoằng Trường, cái tên như còn mới mẻ trong danh sách các điểm đến được điểm mặt chỉ tên mỗi mùa du lịch biển, với bãi biển tít tắp dài tới 12km và thảm cát mịn lăn cùng những con sóng bạc đầu lúc thủy triều. Phía sau rặng phi lao chắn sóng là một vùng mênh mang đồng lúa xanh bát ngát. Hoằng Trường chỉ là một cái tên mới trong vài năm trở lại đây.
< Thiết bị cần thiết đi kèm trong những chuyến bay bằng dù lượn không thể thiếu đó là máy đo gió, bộ đàm liên lạc trên không.
Tuy nhiên, với phong cảnh và môi trường tự nhiên nguyên sơ của một bãi biển còn chưa bị quá trình khai thác du lịch làm cho kiệt quệ, môi trường du lịch và dịch vụ lành mạnh vẫn chưa nhuốm mầu “chặt chém” như những điểm đến du lịch khác của miền Bắc. Khu du lịch Hải Tiến, Hoằng Trường đang tạo được hướng đi tốt cho một vùng du lịch còn nhiều tiềm năng và thế mạnh.
< Thông thường, tốc độ gió khoảng 3-4 m/giây là đạt độ an toàn khi bay.
Với hệ thống nhà nghỉ, khách sạn có chất lượng và đang tiếp tục được đầu tư nâng cấp, giá cả dịch vụ phải chăng, Hoằng Trường đang được đánh giá là điểm đến du lịch biển ít chi phí. Không những thế, Hoằng Trường còn có một lợi thế lớn là những khu dân cư, làng chài ven biển nằm gần ngay bên bãi tắm.
< Thành viên của đội dù lượn hầu hết là người có nhiều kinh nghiệm. Một VĐV, để có thể tự bay, phải học bài bản qua nhiều buổi học cơ bản, hàng chục lần bay thử với phi công có kinh nghiệm.
Mỗi buổi sáng, du khách chỉ cần đi bộ dọc bãi biển chừng non 1km là có cơ hội được ngắm bình minh đỏ rực trong ánh lưới của các ngư dân kéo lưới vét ven bờ. Đi thêm chút nữa là đến bãi nuôi nghêu với những chòi canh nằm chi chít như những chiếc nấm trên mặt biển. Ngắm những cánh đồng muối lấp lánh ánh mặt trời phản chiếu như những chiếc gương soi khổng lồ, hạt muối thấm đẫm mồ hôi của những diêm dân Hoằng Trường cũng là một trải nghiệm thú vị đối với những ai yêu khám phá vẻ đẹp của cuộc sống đời thường.
< Điểm xuất phát và phong cảnh tuyệt đẹp giữa rừng núi và biển...
Những năm trở lại đây, mỗi mùa du lịch biển, Hoằng Trường đều có đội dù bay của các câu lạc bộ dù trong nước về biểu diễn, bởi ở đây có bãi cất cánh và hạ cánh phù hợp nhất cho môn thể thao hàng không độc đáo này. Dù lượn là môn thể thao hàng không còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
< Biển, đồng ruộng và sản xuất muối.
Trên đôi cánh lụa, các phi công như những chú chim bay trong không trung hàng giờ với nguồn năng lượng tự nhiên là gió trên bề mặt quả đất. Dù lượn là một chiếc cánh đơn giản. Các phi công điều khiển các chuyển động của dù qua những sợi dây, tận dụng sự vận động của các dòng không khí trên bề mặt trái đất tạo ra lực nâng không khác gì đôi cánh của loài chim trời. Mới nghe thoáng qua cũng khiến bất cứ ai không khỏi tò mò về môn thể thao độc đáo này.
Không giống như nhẩy “dù tròn” từ trên máy bay, dù lượn là loại hình bay sử dụng năng lượng tự nhiên có sự điều khiển.
Dù không “rơi” như dù tròn mà ngược lại, người điều khiển dù lượn còn có thể nâng cao độ bay của dù lên tới vài nghìn mét hoặc bay xa vài trăm kilomet so với điểm cất cánh. Chính nhờ kỹ năng điều khiển “bay” này mà người điều khiển dù lượn còn được gọi là phi công dù lượn, thay vì cách gọi là vận động viên nhảy dù như ở bộ môn nhẩy “dù tròn”.
Theo anh Nguyễn Việt Hà, Câu lạc bộ dù lượn VietWings Hà Nội: Hoằng Trường là một trong số ít những bãi biển của Việt Nam có điều kiện thích hợp với bộ môn dù lượn. Ở đây có điểm cất cánh trên núi cao 200m so với mực nước biển, điểm hạ cánh rộng rãi, điều kiện gió tốt cho cả việc cất cánh và hạ cánh.
Chính vì vậy, Hoằng Trường có thể được gọi là điểm đến của bộ môn dù lượn ở các tỉnh phía Bắc.
Hơn nữa, ngoài bãi biển Hoằng Trường rất dài và có đường cong mềm mại, phong cảnh nhìn từ xung quanh đỉnh núi nơi cất cánh cũng rất phong phú với nhiều loại địa hình khác nhau như cánh đồng muối, bãi nuôi nghêu khu vực cửa sông, những cánh đồng lúa rộng bát ngát ngay phía sau rặng phi lao ven biển...
Vì thế, khi bay dù lượn trên cao độ vài trăm mét mà ngắm phong cảnh thiên nhiên bên dưới quả là đẹp và thú vị. Cũng chính vì những yếu tố này mà hằng năm, vào mùa du lịch biển, câu lạc bộ VietWings Hà Nội thường chọn tổ chức liên hoan dù lượn toàn quốc tại bãi biển đẹp và nguyên sơ này.
Tại liên hoan dù lượn toàn quốc Hoằng Trường FunFly 2012, ông Nguyễn Văn Mãi, Phó Trưởng phòng VHTTDL huyện Hoằng Hóa cho biết: Bãi biển Hải Tiến, xã Hoằng Trường là một điểm đến du lịch mới được đưa vào khai thác vài năm trở lại đây. Ngoài những yếu tố cơ bản của một điểm đến du lịch biển, việc có được điểm xuất phát lý tưởng cho loại hình thể thao dù lượn và là bãi cất cánh duy nhất ở phía Bắc nằm ngay bên bờ biển sẽ tạo nên điểm khác biệt, mang tính cạnh tranh cho việc phát triển du lịch tại đây.
Nếu đào tạo được đội ngũ phi công tốt, đáp ứng được nhu cầu bay, ngắm cảnh từ trên cao cho du khách khi đến với Hải Tiến, ông hi vọng du khách sẽ chọn Hải Tiến cho những chuyến nghỉ ngắn ngày vào mùa du lịch biển hằng năm.
Du lịch, GO! - Theo Vũ Thanh (báo Du Lịch), ảnh Zing, Thethaovanhoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét