Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Sách cũng “lá cải”


Báo “lá cải” thì đã đành. Cơ quan quản lý, bạn đọc và cả người trong nghề đã lên tiếng phê phán. Nhưng nay còn có cả sách “lá cải”, dẫu không có “tình, tiền, tù” mà có cái còn làm hại học trò hơn cả báo “lá cải”.

Xin dẫn chứng: Cuốn thứ nhất được xuất bản tại Đà Nẵng mang tên “Vở luyện tập viết tiếng Việt lớp 1”. Trong sách tập viết này, trẻ con lớp 1 được hướng dẫn tập viết cây “nêu” thành ra cây “lêu”, viết “giỗ” tổ thành “dỗ” tổ.
Tập vở này chỉ dày khoảng 30 trang, do bà Đặng Thị Lanh (nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT) là tác giả, được NXB Đà Nẵng cấp giấy phép (tháng 2/2012) cho đơn vị liên kết – mà thực chất là bán giấy phép – in tại Công ty in Tổng hợp Cầu Giấy (Hà Nội). Theo NXB Đà Nẵng, khi in xong, đối tác liên kết tự ý phát hành mà không nộp lưu chiểu để NXB làm công việc hậu kiểm nên các sai sót không được phát hiện, khắc phục kịp thời. Tuy vậy, NXB cũng chưa làm rõ ai, khâu nào là tác giả vụ sai sót nghiêm trọng này ngoài việc xin chịu bồi thường cho các bậc phụ huynh lỡ mua phải sách in sai.
Tuy nhiên, sai sót vì viết ngọng này không rùng rợn bằng bài toán cụt hai ngón tay trong… sách toán lớp 1. Giới phụ huynh vừa phát hiện tập sách “Phép cộng trừ phạm vi 100”,  có một ví dụ ở trang 11: Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi hai ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay? Bài toán còn có cả phần hướng dẫn giải tóm tắt và hình vẽ minh họa với hai bàn tay và hai ngón trỏ, ngón giữa của bàn tay phải bị cắt rời bỏ sang một bên. Tất cả những ai đọc trang này đều không khỏi rùng mình. Không lẽ lại bí ví dụ đến mức này à? Tại sao người viết sách, người biên tập, người duyệt lại có thể chấp nhận một ví dụ phản cảm và phản giáo dục đến thế! Điều nguy hại là cuốn sách này được “dùng kèm với sách giáo khoa lớp 1”, nghĩa là được chính thức sử dụng trong nhà trường. Việc lấy ví dụ minh họa cho một phép tính trừ bằng hình ảnh “nghịch dao làm cụt hai ngón tay” là không thể chấp nhận. Sách có tên tác giả là Hoàng Long, có logo Nhà xuất bản Trẻ, khung lưu chiểu ghi thời điểm cấp phép là tháng 7/2002, nộp lưu chiểu tháng 9/2003. Người ta đang truy tìm “thủ phạm” vụ ví dụ cụt ngón tay này nhưng xem ra bất khả thi vì sách có thể là sách lậu.
“Bài toán rợn người” in tại trang 11 của sách. (Ảnh: L.Điền)
“Bài toán rợn người” in tại trang 11 của sách “Phép cộng trừ phạm vi 100”. (Ảnh: L.Điền)
Xem ra lĩnh vực sản xuất hàng hóa đặc biệt này đang bị buông lỏng đến mức báo động. Quá nhiều nhà xuất bản đang hoạt động và không ít nơi sống thoi thóp cầm hơi nhờ bán giấy phép. Có “nhà” đạt mức 80% đầu sách là sách liên kết. Hiện nay, sách tham khảo thi cử, sách dạy làm người, dạy tình dục,  sách vụ án cóp từ các báo, thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết đều dễ dàng mua giấy phép, tự in, tự bán. Và sách học giành cho học trò trong hai vụ trên đáng làm dẫn chứng cho tính cấp bách của việc sửa đổi luật xuất bản. Các cháu học sinh hãy chờ nhé, thế nào cũng có chấn chỉnh để các cháu không phải tập viết cây “lêu” và làm toán “cụt ngón tay!”.
(theo DT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét