Hôm nay 25.6, Sở GD-ĐT TP.HCM ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông, chuyên nghiệp năm học mới.
Tổng kinh phí cho đề án ước tính hơn 408 tỉ đồng. Trong đó, hơn 336 tỉ đồng dùng để xây dựng phòng học ngoại ngữ và trang thiết bị, hơn 72 tỉ đồng cho việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên năm học 2012-2013.
Phấn đấu 100% trường tiểu học dạy tiếng Anh
Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết đề án chú trọng phát triển tiếng Anh bậc tiểu học vì đây là bậc học cực kỳ quan trọng.
Ông Chương cho biết hiện nay đã có 9 trường tiểu học dạy theo đề án 2020 của Bộ GD-ĐT, năm học tới sẽ có thêm 4 trường THCS giảng dạy. Từ đây ông Chương nhận định: “So với quy mô trường lớp, giáo viên ở thành phố thì rất khó triển khai đề án của Bộ GD-ĐT một cách rộng rãi”.
Học sinh Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1), trò chuyện với nhà văn Andy Stanton trong một buổi ngoại khóa tiếng Anh - Ảnh: Hoàng Quyên |
Trước mắt, kế hoạch năm học 2012-2013 đặt ra mục tiêu 100% các trường tiểu học đều dạy 1 trong 3 chương trình tiếng Anh (tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh tự chọn, tiếng Anh theo đề án 2020 của Bộ GD-ĐT), để học sinh ở bất kỳ vùng nào tại TP.HCM cũng đều được tiếp cận với tiếng Anh.
Theo ông Chương, chương trình tiếng Anh tự chọn dần sẽ biến mất để thay vào đó là chương trình của Bộ GD-ĐT khi các trường có điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên giảng dạy tiếng Anh tốt hơn từ đây tới năm 2020.
Theo kế hoạch thực hiện đề án này, thời lượng tiết học các chương trình tiếng Anh bậc tiểu học tối thiểu được tăng lên 4 tiết/tuần. Trước đây, chương trình tiếng Anh tự chọn tùy thuộc từng trường mà tổ chức từ 2-3 tiết/tuần. Riêng chương trình tiếng Anh tăng cường vẫn giữ nguyên 8 tiết/tuần.
Đồng thời, tài liệu sử dụng do các trường lựa chọn nhưng chỉ được chọn một trong ba tài liệu của NXB Oxford, NXB Pearson và NXB Giáo dục.
Phụ cấp 70% tiền lương cho giáo viên đạt chuẩn
Ở mỗi cấp học, trình độ giáo viên được quy định theo tiêu chuẩn chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Giáo viên đạt chuẩn trình độ theo các tiêu chuẩn như quy định sẽ được đề nghị để UBND TP.HCM cấp chế độ tương đương giáo viên dạy ở các trường chuyên.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Giáo đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thông thường giáo viên được phụ cấp ưu đãi bằng với 30-35% lương tháng thì với những giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn trình độ, năm học tới sẽ được đề nghị để nhận phụ cấp ưu đãi bằng 70% lương tháng (ngang với giáo viên dạy ở trường chuyên).
Ngoài ra, giáo viên được tạo điều kiện về thời gian, kinh phí tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng do Bộ hoặc Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức để đạt chuẩn về ngôn ngữ và năng lực sư phạm.
Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tuyển và phân bổ khoảng 100 giáo viên bản ngữ đến các quận huyện. Từ nay đến năm 2020, phấn đấu mỗi trường có ít nhất một giáo viên bản ngữ.
Áp lực sĩ số và trình độ giáo viên
Tại Hội nghị triển khai đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông, chuyên nghiệp năm học 2012-2013 sáng nay 25.6, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Giáo dục quận Tân Bình băn khoăn: “Liệu có thể đảm bảo 100% trường tiểu học đều giảng dạy tiếng Anh với áp lực sĩ số cao như hiện nay”.
Theo ông Hải, hiện nay sĩ số học sinh ở quận Tân Bình tăng lên mỗi năm rất cao. Phòng ốc cho việc học xây không kịp theo sĩ số. Đó là chưa kể học sinh học 2 buổi/ngày phải giảm dần để đảm bảo chỗ học cho học sinh. Vậy mà mỗi lớp học hơn 50 học sinh.
Vì thế, theo ông Hải, với lớp học ngoại ngữ thì sĩ số phải giảm còn 30 học sinh/lớp. Chưa kể, số giáo viên tiếng Anh cũng phải tăng lên rất nhiều, kinh phí để trả lương cho giáo viên cũng sẽ gặp khó khăn.
Theo ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, việc đảm bảo 100% trường tiểu học tổ chức dạy tiếng Anh không nhất thiết phải 100% học sinh đều được tiếp cận mà phải thực hiện dần tùy theo điều kiện từng trường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Khánh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Nhà Bè lại lo lắng khi trình độ giáo viên tiếng Anh không đáp ứng yêu cầu.
Để minh họa cho trình độ giáo viên, ông Hải kể câu chuyện nhiều giáo viên Việt Nam khi được mời đến giao lưu hằng tuần với giáo viên bản ngữ để nâng cao năng lực thì “chạy hết” vì không thể nghe, nói. Việc tổ chức bồi dưỡng trình độ cho giáo viên cũng gặp khó khăn vì không ai chịu đi.
Trước tình trạng này, ông Hải và ông Khánh hy vọng với những chế độ, chính sách theo kế hoạch thực hiện đề án của sở, chất lượng giáo viên sẽ được cải thiện trong những năm học tới.
Chuẩn trình độ giáo viên tiểu học ngang với THCS Năm học 2011-2012, giáo viên tiếng Anh ở các cấp học tại TP.HCM có 4.020 giáo viên. Dự kiến tuyển mới 762 giáo viên, ưu tiên giáo viên tốt nghiệp ĐH Sư phạm, ngành sư phạm tiếng Anh ở các trường ĐH có các chứng chỉ: Đối với giáo viên tiểu học, THCS: Phải có chứng chỉ FCE tối thiểu 60 điểm, hoặc chứng chỉ TOEFL iBT do Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) cấp tương đương trình độ B2, hoặc chứng chỉ IELTS tối thiểu 5.5 điểm, hoặc chứng chỉ CAE tối thiểu 45 điểm. Hoặc các chứng chỉ khác được công nhận tương đương đạt năng lực ngoại ngữ bậc 4 (B2) trở lên theo Khung tham thiếu năng lực Ngoại ngữ chung châu Âu. Với giáo viên THPT, GDTX, CĐ, TCCN: Có chứng chỉ FCE tối thiểu 80 điểm, hoặc TOEFL iBT do ETS cấp tương đương trình độ C1, hoặc chứng chỉ IELTS tối thiểu 6.5 điểm, hoặc chứng chỉ CAE tối thiểu 60 điểm. Hoặc các chứng chỉ khác được công nhận tương đương năng lực ngoại ngữ bậc 5 (C1) trở lên theo Khung tham chiếu năng lực Ngoại ngữ châu Âu. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét