Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Khổ sở khi mẩn ngứa nổi dai dẳng


Chúng là dấu hiệu của nhiều bệnh lắm đấy các ấy ạ!
Khoảng vài tháng trở lại đây, em hay bị nổi những vết ngứa ở bắp đùi và cánh tay. Lúc đầu, chúng rất nhỏ nhưng ngày càng lan ra, viền bên ngoài màu đỏ, hơi nhô cao hơn bề mặt da một chút, còn phần ngứa bên trong vẫn bình thường. Để một thời gian ngắn thì chúng sẽ lặn xuống nhưng chỉ được vài ngày là lại nổi mẩn y như ban đầu. Em hiện rất băn khoăn không hiểu tình trạng này có phải chỉ là dị ứng đơn thuần thôi không vì cơ địa em vốn rất hay bị dị ứng. Mong bác sĩ giải đáp và tư vấn giúp em cách điều trị hiệu quả nhất với ạ! Em xin cảm ơn! (aabc...@yahoo.com.vn)
 
 
Chào em,
 
Ngứa là triệu chứng cơ năng chung của nhiều bệnh như bệnh da, dị ứng, bệnh nội tạng, bệnh nội tiết, bệnh thần kinh, tâm thần, rối loạn chuyển hóa, bệnh về máu...
 
Rất đáng tiếc vì trong thư em mô tả các triệu chứng không đủ chi tiết nên bác sĩ Mèo chưa thể chẩn đoán chính xác chứng bệnh mà em đang mắc phải.
Tuy nhiên, tình trạng ngứa của em có thể có liên quan đến một số bệnh lý ngoài da sau:
1. Viêm da thần kinh:
Thường gặp viêm da thần kinh khu trú như ngứa dữ dội ở gáy, khuỷu tay, chân... Sau đó xuất hiện các nốt mẩn màu đỏ nhạt, liên kết với nhau thành mảng da dày và rắn.
Nguyên nhân là do rối loạn hoạt động của hệ thần kinh và những tuyến nội tiết, nội tạng giữ các vai trò quan trọng.
Tiến triển của bệnh thường rất dai dẳng. Việc điều trị phải kết hợp giữa các thuốc giảm viêm tại chỗ và liệu pháp về trị liệu thần kinh (giảm stress, tăng cường bổ sung vitamin, vi lượng...).
2. Ngứa (Prurit):
Triệu chứng gay gắt nhất của bệnh là ngứa dai dẳng. Có thể ngứa khu trú (thường gặp ở hậu môn, vùng kín) hoặc ngứa toàn thân, tất cả các vùng da.
Nguyên nhân là do chấn động tâm thần, xúc động kéo dài, nhiễm độc ký sinh trùng (giun sán), rối loạn chuyển hóa ở một số bệnh như đái tháo đường, béo phì...
3. Mề đay:
Bệnh biểu hiện bằng các sẩn phù và rất ngứa. Mề đay có thể do nhiều nguyên nhân như ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, nấm...; do rối loạn đường tiêu hóa; do bệnh gan, thận; do bọ, rệp, muỗi đốt hoặc tác động của thời tiết nóng lạnh bất thường.
Các đợt mề đay cấp còn có thể xuất hiện sau những đợt chấn động thần kinh. Mề đay có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm.
Muốn điều trị hiệu quả, quan trọng nhất là cần tìm nguyên nhân để loại trừ và phối hợp dùng các thuốc giảm ngứa bên ngoài.
4. Sẩn ngứa ở người lớn:
Các nốt sẩn rất ngứa nên bệnh nhân có thể gãi đến khi rớm máu. Da thường có vệt sắc tố, liken hóa, đồng thời sưng hạch bạch huyết.
Trong điều trị cần đảm bảo chế độ sinh hoạt đúng đắn, ngủ đủ giấc, tăng cường hoạt động ngoài trời, ăn nhiều rau, hoa quả chín, tăng cường thêm sắt, phốt-pho.

Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em nên nhanh chóng tới Viện da liễu Trung ương để khám bệnh trực tiếp, từ đó nhận được chỉ định điều trị thích hợp cho tình trạng của mình.
Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

(theo k14)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét