Dòng Mỹ Thanh mênh mang, ôm trong lòng những truyền thuyết và huyền thoại về một thời mở đất.
Con sông có dòng chảy ngược
Từng giờ, từng phút, từng giây dòng Mỹ Thanh vẫn cần mẫn chở nặng phù sa đắp bồi cho đất mẹ vươn dần ra biển lớn. Không những vậy, với đặc thù địa lý của một vùng cửa sông đổ ra biển, Mỹ Thanh còn là dòng sông mang đến cho người dân vùng này biết bao sản vật của vùng đất rừng ngập nước, đem đến cho cư dân nơi đây một cuộc sống thật dễ chịu khi dưới tán rừng “ mùa nào thức nấy ”. Đây chính là điều cuốn hút chúng tôi quyết định phải thực hiện một chuyến phiêu du để khám phá vùng đất cửa sông này.
Sông Mỹ Thanh bắt đầu từ ngay Ngã tư rạch Cổ Cò (tên chữ là Lộ Cảnh), chảy theo hướng đông bắc và đổ ra biển Đông. Mỹ Thanh có chiều dài khoảng 25 km, là ranh giới tự nhiên của TX.Vĩnh Châu với huyện: Mỹ Xuyên và Trần Đề. Khi xưa, vùng đất bờ sông phía biển thuộc sứ Bạc Liêu, bờ phía trong này thuộc Ba Xuyên. Cách đây khoảng còn chưa lâu nếu so với chiều dài của dòng thời gian thì vùng đất hai bên bờ sông chủ yếu chỉ làm một vụ lúa nhờ nước trời nhưng ngày nay, những vuông tôm, những trại tôm đã ken dày suốt cả hai bờ. Vùng nào chuyên tôm thì cứ nuôi tôm, vùng nào làm lúa thì đã làm được cả 3 vụ. Thảm thực vật hai bên bờ sông là những loài đặc hữu của vùng đất, vùng rừng ngập nước như : Mấm trắng, mấm đen, dừa nước và bần. Thi thoảng, lại ken những đám rau mui, ô rô, cóc kèn dày đặc.
Nhìn trên bản đồ, quan sát dòng chảy của những con sông của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đổ ra biển, chúng ta dễ dàng nhận thấy dòng chảy của Mỹ Thanh gần như vuông góc với những dòng sông khác. Ở đây, chỉ xét ở góc độ tương đối: Nếu Tiền Giang, Hậu Giang và 9 cửa đều chảy ra biển theo hướng từ Bắc xuống Nam thì dòng Mỹ Thanh lại đổ ra biển theo hướng từ Tây sang Đông.
< Ngã Tư Cổ Cò (tên chữ là Lộ Cảnh).
Với ảnh chụp từ vệ tinh mà Google cung cấp, ta dễ dàng nhận thấy - dòng chảy của sông Mỹ Thanh cắt gần như vuông góc với dòng Hậu Giang ở khu vực cửa Trần Đề. Có lẽ chính vì dòng hợp lưu này, cộng thêm với tác động của dòng hải lưu biển đông đã tạo nên những dải giồng cát đồng tâm với đường bờ biển, trải dài suốt dọc theo của đường bờ biển Vĩnh Châu, làm nên vùng rừng ngập mặn đặc thù của cửa sông này.
Anh Lý Hoà Khương - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TX.Vĩnh Châu cho biết: Cùng với rừng bần ở đuôi Cù Lao Dung, dải rừng Bãi Giá và tuyến rừng đước, rừng mấm trải dài cả vùng cửa sông này đã làm nên một bãi sinh sản lý tưởng cho rất nhiều giống loài thuỷ sản như: tôm càng, cá bông lau, cá sủ, bãi nghêu giống, sò huyết... Mỹ Thanh còn là nguồn chính cấp nước cho các vùng nuôi tôm nước lợ trong tỉnh nên có thể khẳng định rằng: nguồn tài nguyên thiên nhiên mà con sông này mang lại cho người dân Sóc Trăng là rất lớn và cần có biện pháp để ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường trên cả tất cả lưu vực của con sông này.
Những cánh rừng mấm, bần, chà là, đước chạy dài từ cửa Mỹ Thanh suốt dọc theo ven biển Vĩnh Châu không chỉ có tác dụng giữ đất, lấn biển mà dưới tán rừng, nguồn sản vật đã đem đến cho cư dân nơi đây một nguồn thuỷ, hải sản thật phong phú. Dưới tán rừng đước, rừng mắm, rừng bần… đến mùa thì người dân nơi đây đi bắt ba khía, bắt cua, bắt ốc, cào nghêu, vớt cá bống kèo giống. Còn giăng lưới không chỉ là để kiếm thức ăn mà còn là một sinh kế thường ngày của không ít người chưa kể, cá thòi lòi, cá chốt nghệ luôn là những đặc sản được giá.
< Một hàng đáy thùng trên sông Mỹ Thanh.
Ngồi trên chiếc ghe cào chạy suốt từ ngã tư Cổ Cò xuôi ra cửa sông mới thấy hết cái đẹp, cái tình của con sông này. Dòng sông trước mặt lúc thì như hẹp lại, rồi lại mở ra một không gian mới rộng mênh mang, xanh ngắt ở mỗi khúc quanh của con sông...
Cửa sông và xóm chài của những nghĩa dũng !?
Sách Gia định thành thông chí của tác gia Trịnh Hoài Đức ghi chép về Mỹ Thanh hải môn xưa như sau: “rộng 10 dặm, khi nước lên sâu 12 thước ta, nước ròng sâu 4 thước ta. Bờ phía tây có thủ sở… thổ sản ở đây là thuốc lá, dưa quả và phơi tôm khô. Ngoài cảng về phía đông có cồn cát ngầm, dài chừng 5 dặm, ghe thuyền phải lo tránh”.
Theo mô tả của Trịnh Hoài Đức, cửa Mỹ Thanh ngày xưa chắc chắn rộng và sâu hơn hiện nay. Bởi cũng từ chính những đặc thù này mà hai bên bờ sông Mỹ Thanh, những làng chài, bến đáy, xóm lưới mọc lên san sát nhau. Chỉ riêng điều này cũng đã cho thấy sự giàu có về nguồn tài nguyên thuỷ sản mà dòng sông đã đem đến cho con người. Ở vùng cửa sông này giờ có 2 xóm chài, xóm lưới nổi tiếng là Mỹ Thanh thuộc TX.Vĩnh Châu và Mỏ Ó thuộc huyện Trần Đề.
Xóm chài Mỹ Thanh là xóm chài được xem là lâu đời nhất ở vùng cửa sông này. Và cũng chính xóm chài Mỹ Thanh là nơi Bác Tôn đã lần đầu tiên đặt chân lên đất liền sau những năm tháng Người bị thực dân Pháp đày ải ở địa ngục tràn gian Côn Đảo.
< Bầy cò trắng bình yên ven sông Mỹ Thanh.
Theo những bậc cao niên ở đây thì sau khi cuộc khởi nghĩa chống Pháp của lãnh tụ Trương Công Định thất bại, những nghĩa binh phải lưu tán xa quê hòng tránh sự truy nã của quân Pháp và tay sai. Sau nhiều ngày dong buồm xuôi về phương Nam, họ đã chọn nơi cửa sông này để định cư, lập nên xóm chài Mỹ Thanh ngày nay. Điều này cũng lý giải vì sao những người dân cố cựu ở đây phần lớn đều có gốc gác ở miệt Gò công, Tiền Giang...
Những cư dân ở đây thật hiền hoà, chất phác và cũng thật dễ gần. Trên đường ghé thăm Lăng ông Nam Hải Mỹ Thanh vào khoảng 13h30 một ngày giữa tháng 3/2012, thật may mắn cho chúng tôi là gặp được chú Sáu Tòng-Chánh bái hội Lăng ông Mỹ Thanh. Những câu chuyện kể gắn liền với những địa danh, những truyền thuyết mà chúng tôi được nghe, được thấy đã cho chúng tôi một cái nhìn mới về cái đẹp của những câu chuyện kể, về tốc độ bồi lắng của phù sa lấn biển, về nguồn tài nguyên phong phú nơi đây.
Những câu chuyện thú vị về tên cồn, bãi
Chú Sáu Tòng hào hứng kể cùng chúng tôi chuyện ngày xưa ở xứ này: Vùng Hồ Lạng ngày xưa tới mùa thì khỏi cần đi câu cũng bắt được cá Dứa (tức cá Bông Lau) để ăn. Cỡ tháng 7 tháng 8 âm lịch, khi trái mấm, trái bần chín rụng thì chỉ cần chờ nước lớn, xách cây dao yếm hay cây mác đứng canh đợi cá Dứa nhào lên mé hoặc len vô gốc mấm, gốc bần kiếm ăn mà chém rồi xách về. Con nào con nấy 4-5 ký là chuyện thường. Còn tại sao lại gọi là cồn Đầm hả? Nghe ông bà xưa nói lại thì đúng ra nó là cùng đường, vì ra tới đó là đụng biển rồi hết đường. Ở đó có cái cồn đẹp lắm. Hễ thứ 7, chủ nhựt là mấy ông tây, bà đầm đánh xe xuống đó tắm. Ở ngoài cũng cất luôn cái nhà mát cho mấy bà đầm nghỉ ngơi. Cái cồn này đầm xuống tắm hoài nên gọi luôn nó là Cồn Đầm cho tới bây giờ.
< Chú Sáu Tòng và tác giả trò chuyện ở Lăng ông Mỹ Thanh.
Đến đây cũng cần tìm hiểu thêm về hai địa danh Cồn Sỏ, Hồ bể. Theo chú Sáu Tòng thì địa danh Cồn Sỏ phải gọi là Cồn Sọ mới là đúng nhất vì ngày trước, vùng cửa sông này còn có bãi cá đường hội. Tới mùa cá đường hội, dân chài chỉ bắt cá mổ lấy bong bóng… còn cá gộc, cá dứa thì chỉ lấy mình làm khô còn đầu thì cắt bỏ. Đầu cá tấp vào cồn chất cả đống. Nhưng sau này đọc trại riết ra thành Cồn Sỏ.
Theo miêu tả và sự chỉ dẫn của chú Sáu Tòng, chúng tôi men theo giồng Mù U để đến Hồ Lạng. Trạm Kiểm lâm Hồ Lạng nằm ngay đầu một con rạch cho biết chúng tôi đã tìm đến nơi. Những cây đước, cây giá giờ đã ken dày thành rừng. Một con đường đê nhỏ dẫn chúng tôi ra vụng nước Hồ Lạng ngày xưa. Hồ lạng nay đã lạng hẳn và rừng mắm, đước đã mọc kín bãi... Tuy đã bồi lấp hẳn, kể như đã “lạng” mất, không còn cảnh cá dứa, cá ngát chen nhau ăn trái bần, trái mấm khi nước lớn, nhưng dưới tán rừng là nơi trú ngụ của lũ cá Thòi Lòi, một đặc sản của vùng rừng Sác. Chỉ cần một buổi sáng, một người cũng có thể kiếm được hơn 100.000 đồng từ việc đi thụt cá Thòi Lòi khi 1 kg cá hiện giờ bán cho vựa cũng đã là 60.000 đồng.
Đến vùng cửa sông này mà không đến chơi ở bãi biển Hồ Bể là một thiếu sót lớn. Cả một vùng cát chạy dài suốt gần 2 km theo bãi biển. Khi nước triều xuống, bãi cát cứ trải dài, dài mãi ra phía biển…
Vũng biển này được tạo thành chủ yếu là cát trắng và những đụn cát trắng này thay đổi theo mùa gió và sóng biển. Vào mùa nồm nam, những vành đai cát vươn ra phía biển và có xu hướng bồi lên những nổng cát mới.
< Bãi biển Hồ Bể.
Điều này được giải thích là do nguồn nước từ sông Hậu đổ xuống mang theo phù sa bồi đắp và sóng biển chạy dọc từ hướng bãi Trà Sết ngược lên tạo thành. Đến mùa chướng (tức là khi gió bấc về, bắt đầu khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch), lúc này sóng lớn đập vào bờ từ hướng bắc xuống, cộng với triều cường nên lấy đi những vành đai cát đã được thiên nhiên tạo lập trước đó. Mặt vũng lại mở rộng như trước. Có lẽ đây chính là điều làm nên địa danh Hồ Bể. Chúng tôi lại nhớ đến câu ca dao: “Dã tràng xe cát biển Đông”... Mới có đó nhưng rồi lại mất đi, để rồi đến mùa nồm Nam thì quay trở lại. Chỉ uổng công những chú còng gió (Dã tràng) vẫn miệt mài xe cát mỗi ngày trên bãi.
Đường đến Bồ Bể giờ đã dễ đi. Một con đường đã được mở để nối Hồ Bể với đường Nam Sông Hậu. Có thể thấy rằng, dù chưa được đầu tư để trở thành một khu du lịch sinh thái đúng nghĩa, nhưng cảnh quan của Hồ Bể cho thấy: đây là vùng đất có tiềm năng mở ra một khu du lịch trong tương lai khi hiện nay, đây đã là một điểm dã ngoại lý tưởng cho những hoạt động thể thao ngoài trời như: đá bóng hay bóng chuyền trên bãi biển. Nhưng rồi cũng gợn lại chút lo lắng… khi chợt nghĩ: du lịch thường đi kèm với… tàn phá môi trường, với bê tông hoá những khung cảnh nên thơ mà thiên nhiên đã phải trải qua hàng trăm, hàng nghìn năm tạo lập. Thôi thì cứ xem đó là… lo xa vậy.
“Đi cho biết đó, biết đây.... ” ! Hãy đi để thấy quê hương mình đang đổi thay từng ngày. Hãy đi để thêm yêu những con người, những vùng đất mới đầu cứ tưởng như là xa lạ, nhưng nếu đã đến một lần thì lại thấy nhớ, thấy quen.
Còn tiếp
- Mỹ Thanh Du Ký - Kỳ 1: Mênh mang Mỹ Thanh.
- Mỹ Thanh Du Ký - Kỳ 2: Ra biển te ruốc và phạ đáy trên cửa Mỹ Thanh.
- Mỹ Thanh Du Ký - Kỳ 3: Giếng Ngự, mộ Hoàng Cô và con Cọp cuối cùng ở Giồng Sát.
- Mỹ Thanh Du Ký - Kỳ 4: Tả ngạn Mỹ Thanh và con rạch Tổng Cán.
- Mỹ Thanh Du Ký - Kỳ 5: Rạch Gòi - Lịch Hội Thượng và những ngôi chùa chứng tích.
- Mỹ Thanh Du Ký - Kỳ 6: Đất và người trên Cánh đồng Năn huyền thoại.
Du lịch, GO! - Theo Tuyên Giáo Sóc Trăng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét