Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Cà phê “phượt”

Gần đây, trên đường Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội xuất hiện một tấm biển màu nâu, duy nhất một chữ trắng in hoa đơn giản “PHƯỢT”. Ít người nghĩ rằng đó là tấm biển quảng cáo cho một quán cà phê mà ông chủ của nó là một tín đồ “phượt” đã từng chinh phục Everest....
Trong quán “Phượt cà phê”, nơi có một tấm bản đồ Việt Nam cao tới trần nhà, một tấm bản đồ du lịch đánh dấu chằng chịt những nơi Minh đã đặt chân đến, Vũ Thanh Minh kể cho chúng tôi nghe hành trình đến với đam mê du lịch theo kiểu hành xác của mình.

“Mạng mình thực ra cũng rẻ thôi”

Sinh ra và lớn lên tại Quảng Ninh, cậu bé Minh thích khám phá từ nhỏ. Học lớp 8, Minh có một nhóm bạn cùng thích các loài cây cối, hoa lá nên thường rủ nhau đi leo núi tìm xem.

Chính vì thế, cho đến bây giờ khi dẫn khách du lịch, Minh có thể nói được chính xác hầu hết vị trí các loài hoa, đặc biệt là phong lan ở nơi nào trên núi đá vịnh Hạ Long. Minh còn thuộc cả thời gian hoa nở.

Không chỉ ham leo núi, chưa tốt nghiệp cấp 3, Minh đã thạo nghề dẫn khách trong các tour chèo thuyền trên vịnh Hạ Long; học đại học, Minh đi làm thêm tại các nhà hàng rồi một ngày đẹp trời, anh hứng chí bỏ đại học để làm hướng dẫn viên du lịch để kết hợp tìm các tour mới, rồi mở công ty du lịch cho riêng mình.

Minh “Phượt” là một trong sáu người Việt Nam đầu tiên tham gia chinh phục đỉnh Everest. Anh cũng là người đi đầu trong việc tổ chức tour du lịch mạo hiểm tại Cô Tô. Với đam mê khám phá và mong muốn chia sẻ những khám phá ấy, anh đã cho ra đời cuốn sách hướng dẫn du lịch đầu tiên cho người Việt (Vietzoom).
Chàng trai trẻ từng leo lên đỉnh Everest nói anh không cố tình chọn du lịch, mà mọi việc đến với anh rất tự nhiên, như là anh sinh ra để làm nghề này.

Ngồi nhâm nhi cà phê với Minh, nghe Minh kể lại những chuyến đi mà chúng tôi toát cả mồ hôi, trong khi Minh tỉnh bơ: “Mạng mình thực ra cũng rẻ thôi. Thường sau mỗi chuyến đi, về đến Hà Nội mới biết mình còn sống”.

Tai nạn gây thương tích lớn nhất của Minh đó là lần leo núi ở Vũng Tàu. Vách núi cao khoảng 80m, trước khi leo, đoàn của Minh đã dành cả tuần làm công tác chuẩn bị như dọn các hòn đá bám lỏng ở vách, phòng trường hợp chúng có thể rơi vào người trong quá trình leo, làm các chốt an toàn…
Thế mà khi leo Minh bị tuột một dây an toàn, bị rơi khoảng 30m, toàn thân và mặt đập be bét vào vách. May mà Minh mang theo 2 dây an toàn, và có một cái chốt an toàn nằm giữa quá trình rơi.

Lần khác dẫn một đoàn đi xe đạp xuyên Việt. Tất nhiên là những cung đường khó nhưng lại đẹp nhất với họ. Khi đi qua bãi biển Cà Ná, Phan Thiết, tới một đoạn dốc Minh nhắc nhở mọi người hãy đi chậm vì sức gió quá lớn có thể làm đổ xe. “Chưa nói dứt lời, tôi đã nghe tiếng xe đổ, rồi cả xe của tôi cũng đổ nốt”.

Đó là chuyến đi mà đôi chân vừa phải thử thách với độ cao, vừa phải chống chọi với bão gió như muốn thổi bạt người trên dãy Hoàng Liên Sơn.

Hai năm trước, Minh còn gặp một trận lũ lớn, lúc đó đang đi bên bờ một con suối trong lành, dân bản còn đang tắm giặt thì bất ngờ nước ở đâu ập xuống, cuốn trôi 5 người. Đoàn của Minh không sao, nhưng hành trình bị gián đoạn vì mọi người còn ở lại tham gia cứu hộ.

Cuộc đời là những chuyến đi dài

Đáng nhớ nhất trong cuộc đời Vũ Thanh Minh có lẽ là chuyến đi Everest năm 2008. Tình cờ xem trên truyền hình thấy thông báo tuyển người leo đỉnh Everest, Minh đăng ký tham gia. Trải qua các thử thách của ban tổ chức, Minh được chọn là 1 trong 6 người tham gia leo nóc nhà thế giới, trong đoàn chỉ có Minh không phải dân thể thao. Suốt một năm trời bỏ hết mọi công việc để tập luyện, những bài tập thể lực lúc nào cũng như quá sức, chế độ ăn, những lần leo Fansipan, Hymalaya… để rèn sức chịu đựng.

Trong diễn đàn Phuot.com vẫn còn ghi lại nhật ký hành trình leo Everest của Minh: “Chúng tôi lầm lũi đi trong mưa tuyết, tuyết làm lạnh cóng những ngón tay, chân đồng đội nhưng không dập được ngọn lửa và ý chí Việt Nam trong tim mỗi người...”.

“Có người vừa đi vừa cắn răng, bàn tay nắm lại chặt cứng để đếm từng bước chân chỉ dài 20cm. Chúng tôi tất cả đều hiểu đây là một cuộc chiến thực sự, cuộc chiến để xóa đi những nghi ngờ về khả năng của người Việt Nam. Everest với bao bất trắc, và chúng tôi có thể chết. Nhưng chúng tôi chấp nhận tất cả, chỉ để một lần lá cờ tổ quốc được tung bay trên nóc nhà thế giới…”.

Trong các chuyến phượt dọc ngang khắp đất nước, và cả nước ngoài, Minh ứng ý nhất với những hành trình khám phá ra đường đi mới. Có bận nhóm của Minh phải tự túc tất cả trên hành trình, nào là làm dây khi gặp hẻm núi, tạo thuyền để vượt thác…

Gần đây, Minh mò mẫm khắp nơi trên vịnh Bái Tử Long và tìm được nhiều hang động với nhũ đá kỳ thú, đó có thể là hang ngầm, khi đi vào phải nằm trên thuyền, vào đó phải chọn thời điểm, chứ nếu vào mà không kịp ra, thủy triều lên chỉ có nước kẹt trong đó mà khóc, chờ tới sáng hôm nước rút mới ra được.

Minh muốn sau mỗi chuyến đi, bạn bè có thể chia sẻ những trải nghiệm, khoe những thành quả, hoặc đôi khi chỉ là tán gẫu về những vùng đã đi qua. Bận rộn là vậy nhưng anh vẫn dành thời gian để viết cuốn sách hướng dẫn du lịch mạo hiểm.

Cuốn sách sẽ giúp người mới đi phượt cách chuẩn bị đồ dùng, cách giải quyết các tai nạn thường gặp khi đi phượt, đồng thời cũng là cẩm nang cho dân phượt như đến một vùng núi thì có thể ngủ bản ở đâu, đi xem những gì thú vị… nếu không có gì thay đổi, tháng 9 này có thể xuất bản.

Đối với Vũ Thanh Minh, sau mỗi chuyến phượt, những gì anh mang về không chỉ là được biết đến những vùng đất mới, con người mới, không chỉ là những câu chuyện, những tấm hình, những kỷ niệm đẹp. Trở về sau mỗi chuyến mạo hiểm, biết mình còn sống để yêu thêm từng phút giây cuộc sống này, vượt qua những khó khăn, gian nguy để hiểu hơn về bản thân mình, để rèn bản lĩnh cho mình, đó là phần thưởng hậu hĩnh nhất với Minh.

Du lịch, GO! - Theo Đỗ Hiền (Baomoi), ảnh internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét