Những chuyến du lịch bằng xe máy ngày càng hấp dẫn giới trẻ. Đơn giản, bởi ở đó, họ có được những giây phút hoà mình với thiên nhiên, được khám phá những vùng đất mới, vùng văn hoá mới…
Những điều thú vị trên đường phượt
“Phượt” là thuật ngữ quen thuộc trong cộng đồng dân cư yêu thích du lịch. “Phượt” nghĩa là đi du lịch “bụi”, thử thách bản thân, làm mới chính mình và chinh phục, trải nghiệm, tìm hiểu những miền đất mới lạ... Vác balô một mình hay cùng nhóm bạn sang nước ngoài du lịch bụi cũng gọi là phượt, đi xe khách,ở nhà dân, lang thang đến những nơi xa lạ cũng gọi là phượt. Nhưng khái niệm “phượt” vẫn được dùng phổ biến nhất dành cho dân đi du lịch bụi bằng xe máy.
Cách đây hơn 10 năm, khi những nhóm đầu tiên ở Hà Nội phóng xe máy “diễu hành” qua các con phố, thẳng tiến tới vùng đất xa xôi, nhiều người nhìn họ như những kẻ lập dị, kỳ quặc. Nhưng vài năm gần đây, không còn muốn thu mình sau cửa kính ôtô ngồi tán chuyện tíu tít hoặc ngủ lăn lóc trên xe, ngày càng nhiều bạn trẻ chọn xe máy làm phương tiện du hí.
Lý do hàng đầu để dân phượt chọn xe máy chính là sự tiện lợi bởi xe máy là phương tiện giao thông phổ biến nhất ở Việt Nam. Với xe máy, bạn gần như có thể chạm vào từng nhành cây ngọn cỏ trên đường, cảm nhận rõ từng sự chuyển mình của cảnh vật.
Phạm Thu Hà – một nữ phượt thủ đã có nhiều năm đi phượt bằng xe máy tâm sự: “Cái hay của đi phượt bằng xe máy là khi nhìn thấy một phong cảnh đẹp, dân phượt hoàn toàn có thể tự do dừng lại ngắm nhìn, chụp ảnh, nghỉ ngơi. Thậm chí, thấy một địa điểm thích hợp, còn có thể dừng lại đun nước uống café dọc đường. Bọn em cứ thường đùa với nhau rằng, đây là “một thú vui rất tao nhã”.
Một thành viên của Nhóm phượt Nhà NAT chia sẻ: “Với xe máy, chỉ sau một tiếng đồng hồ di chuyển, bạn đã có thể chuyển từ vùng văn hoá này sang vùng văn hoá khác, từ cảnh sắc này sang cảnh sắc khác. Mặt khác, đi xe máy cũng giúp cảm thấy gần gũi hơn với những người dân trên mảnh đất mình đi qua”.
Vì lẽ đó mà Tấn Anh và Cường Vũ, hai bạn trẻ lặn lội từ Sài Gòn đi xe khách ra Bắc cũng chỉ mong được một lần phượt bằng xe máy. Tấn Anh cho hay: “Đã ấp ủ ý định này từ rất lâu nhưng ở trong đó xa quá nên bọn mình chưa có điều kiện ra Bắc phượt. Mình đã đi gần hết các điểm từ Đà Nẵng trở vào tới Cà Mau nhưng chưa ra núi từng Tây Bắc, chưa leo núi, lội suối ở những cung đường ngoài Bắc thì coi như chưa từng đi phượt”.
“Phượt là phải khó”
Không chọn những cung đường đơn giản với đường quốc lộ thẳng băng, các nhóm phượt xe máy thường chọn điểm đến là những bản làng xa xôi vẫn còn giữ được nếp sống nguyên sơ, nơi ít khách du lịch đặt chân tới.
Ở phía Bắc, có thể kể đến các điểm phượt nổi tiếng khó đi như Hoàng Su Phì, Tây Côn Lĩnh, Lũng Cú (Hà Giang), Bản Giốc (Cao Bằng), Apachải (Lai Châu), Ý Tý (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái), Pù Luông (Thanh Hóa)...
Những chuyến đi trèo đèo vượt suối, đôi khi phải “ăn bờ ngủ bụi” ấy trong mắt nhiều người chẳng khác nào “hành xác”, nhưng với dân phượt, đó lại là cơ hội để thử thách và rèn luyện bản thân, để trải nghiệm những điều mà hàng ngày giữa phố xá nhộn nhịp không thể có.
Vũ Hoàng Long (nickname Du Đà Tử) – người đã có gần chục năm “nhẵn mặt” trên các con đường, phượt hàng trăm chuyến cho biết: “Mỗi chuyến đi của mình đều ghi dấu những kỉ niệm, cảm xúc và không chuyến đi nào là không có chuyện. Điểm đến thường là những nơi hẻo lánh khó đi. Đường xấu, bùn lầy, đá tảng do phá mìn dải trên đường nên thường không tránh khỏi tai nạn. Có chăng là chỉ ở mức độ nhẹ hay nặng mà thôi.
Lần đi đáng nhớ của Du Đà Tử là chuyến phượt Quảng Ninh. Anh bị tai nạn ở đoạn dốc 3 tầng (Tiên Yên, Quảng Ninh). Đó là một con dốc nhỏ có 3 khúc cua ngoặt liên tiếp. Qua được 2 khúc cua đầu, anh không ngờ còn khúc cua thứ 3 nên không điều chỉnh tay lái kịp. Chỉ còn cách đâm thẳng vào cột cây số mới khiến anh không lao xuống vực. Xe hỏng, Du Đà Tử bị gãy tay và khâu nhiều mũi ở đầu, vai. Đó là kinh nghiệm quý báu cho anh ở những chuyến đi sau này.
Di chuyển hàng trăm cây số mỗi ngày, nắng rát người mùa hè, lạnh thấu xương mùa đông chẳng khiến cho dân phượt nản lòng. Những sự cố như đường trơn ngã xe, thủng săm, hỏng xe, chết máy đột ngột trên đỉnh đèo vắng ngắt không một bóng người là “chuyện thường ngày ở huyện”. Đôi khi nó khiến dân phượt lo lắng nhưng cũng là “gia vị” tăng thêm phần kỳ thú cho mỗi chuyến đi.
“Phượt là phải khó. Nếu cứ dễ dàng như đi du lịch theo tour thì đã chẳng gọi là phượt” – Nghĩ vậy, làm vậy, nên dân phượt cứ hứng lên là xách xe lên đường.
Thông tin thêm về những hành trình phượt bằng xe máy:
1. Thời điểm: Với thời tiết miền Bắc, thời điểm đẹp nhất để đi phượt bằng xe máy là ngay sau Tết âm lịch hoặc từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 12.
2. Loại xe: Nên sử dụng những loại xe thông dụng như Dream, Viva, Future, Wave, Sirius, Jupiter… Những loại xe này nhẹ, dễ đi và dễ sửa chữa.
3. Chuẩn bị lên đường phượt:
- Quần áo đi xe máy chuyên dụng (bộ five seasons, giá khoảng 200.000đ-400.000đ/bộ): dày dặn, chống mưa gió tốt, có bọc đầu gối, bọc khớp tay, có nhiều lớp để có thể tách ra dễ dàng.
- Giầy đi xe máy chuyên dụng: cổ cao giữ ấm chân, đế cứng để chống chân xuống đường đá, da trơn để không thấm nước.
- Ủng nilon: ngăn nước mưa hoặc nước suối không ngấm vào giầy.
- Mũ bảo hiểm: nên dùng mũ có cằm và có kính chắn gió.
- Bản đồ địa hình: chi tiết tới từng ngõ ngách trong khu vực định tới.
- Đồ nghề sửa xe (giá khoảng 300.000đ/bộ): bơm, bộ tròng mở lốp, săm, miếng vá, cờ - lê, bugi, dây côn, tay côn, keo 502, dây kéo xe…
- Một số vật dụng thiết yếu khác: lều, túi ngủ, bếp ga du lịch nhỏ, đồ ăn, nồi niêu, C sủi (đủ mỗi người uống 1 viên/ngày để tăng cường sức lực), salon gel, thuốc đau bụng, thuốc cảm, dầu gió, bông băng, thuốc sát trùng, thuốc bỏng, thuốc tím, áo mưa, găng tay, dao díp, đèn pin đeo trán…
- Phụ trợ (trang bị nếu có điều kiện): đồng hồ đa năng đo độ cao, huyết áp, khí quyển; GPS; ống nhòm; những món đồ nhỏ để tặng trẻ em dân tộc những vùng đi qua.
4. Một vài kinh nghiệm của dân phượt:
- Số lượng thành viên: Khoảng 10 người, từ 4 – 5 xe là hợp lí vì đi đông rất khó quản lí. Số lượng thành viên nữ luôn nhỏ hơn hoặc bằng số thành viên nam. Trong đoàn nên có một trưởng đoàn để kèm đoàn khi chạy xe cũng như tổ chức chuyến đi. Người trưởng đoàn là tay lái cứng, có kinh nghiệm
- Chạy xe: Chỉ nên chạy tối đa không quá 200km/ngày. Chạy nhiều gây mệt mỏi, bị lì về cảm giác rất nguy hiểm. Luôn làm chủ tốc độ và quyết đoán trên những đoạn đường cua, dốc và khi vượt ôtô. Hạn chế chạy vào ban đêm. Qua suối, ngầm nên để người có kinh nghiêm qua trước. Những đoạn suối sâu, có đá ngầm tốt nhất là làm bè hoặc khiêng xe qua.
Du lịch, GO! - Theo Autonet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét