Từ Hà Nội đi theo đường số 5, đến phố Nối, rẽ theo đường 39A qua những cánh đồng ngô lúa, những rặng nhãn um tùm là đến Phố Hiến - Hưng Yên, thương cảng một thời "Thứ nhất Kinh Kì, thứ nhì phố Hiến".
< Một góc phố Hiến.
Nổi tiếng từ thế kỉ thứ 13 với vị trí là một thương cảng quốc tế. Thế kỷ 15 trở đi những tàu buôn của Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Anh, Pháp đã cập bến Phố Hiến.Phố Hiến một thời nắm vị trí quan trọng trong việc thông thương buôn bán với các vùng cho đến khi dòng sông Hồng ngày càng lùi xa, khiến phố Hiến mất dần vị thế về thương cảng Hải Phòng cách đó 50km. Phù sa của sông Hồng bồi đắp đã tạo nên những cánh đồng tốt tươi màu mỡ cho mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa này.
< Đền Trần.
Phố Hiến cách Hà Nội 50km. Để đến với miền quên trù phú này có hai con đường. Một là chạy thẳng đường quốc lộ 5 đi Hải Phòng và hai là chạy theo con đê dọc sông Hồng về phía Bát Tràng.
< Trong sân đền Trần.
Con đường đê nghiêng nghiêng này sẽ dẫn bạn đi qua rất nhiều cảnh đẹp của tỉnh Hưng Yên. Bạn có thể rẽ vào Bát Tràng mua đồ sứ, dạo bước qua đền Chử Đồng Tử - Tiên Dung, ghé thăm Văn Giang với rất nhiều vườn quất đang mùa ra hoa kết trái thơm nức, vượt qua những cánh đồng ngô đang trổ hoa khắp triền đê, men theo con sông Hồng cuộn đỏ phù sa, trước khi đặt chân vào đất phố Hiến.
< Cây nhãn tổ.
Phố Hiến ngày nay còn gìn giữ được một quần thể kiến trúc cổ gồm 60 di tích lịch sử, 100 bia ký và nhiều đền chùa. Tiêu biểu là Đền Hiến, Chùa Hiến - hiện vẫn còn nguyên vẹn. Cây nhãn tổ có từ thế kỷ thứ 16 đến nay vẫn xum xuê cành lá, đó cũng là đặc sản nổi tiếng của đất Hưng Yên - nhãn lồng.
< Chùa Hiến.
Vào mùa nhãn, cả vùng quê yên ả rộn ràng trong tiếng chim hót, tiếng nhà nhà thu hoạch, tiếng phiên chợ nhộn nhịp người mua kẻ bán. Nhãn lồng Hưng Yên cùi dày, vỏ mỏng, hạt nhỏ, ăn ngọt mát như chè đường nức tiếng gần xa.
< Chùa Chuông.
Đến Phố Hiến, không thể không đến thăm chùa Chuông. Ngôi chùa có lịch sử lâu đời và cảnh quan thanh tĩnh. Chùa Chuông không có lễ hội riêng, nhưng vào ngày 30 Tết hàng năm, lễ đón Giao Thừa ở chùa Chuông thật sự như ngày hội.
< Lầu khánh chùa Chuông.
Chùa Chuông có tên chữ là "Kim Chung tự". Tương truyền vào một năm đại hồng thủy, có một quả chuông vàng trên một chiếc bè trôi vào bãi sông thuộc địa phận thôn Nhân Dục.
< Hoa súng trong chùa.
Các nơi đua nhau kéo chuông về địa phương mình nhưng không được. Chỉ có những bô lão thôn Nhân Dục mới kéo được chuông. Dân làng cho là trời phật giúp đỡ bèn góp công của dựng chùa, xây lầu treo chuông. Mỗi lần đánh chuông, tiếng vang xa hàng vạn dặm. Do vậy chùa còn có tên gọi là Kim Chung Tự (chùa chuông vàng).
< Một ngôi đền nhỏ ven đê.
Hiện nay ở chùa Chuông còn lưu giữ được một số hạng mục kiến trúc và hiện vật có giá trị như: một chiếc cầu đá và cây hương đá có cùng niên hiệu Chính Hoà năm thứ 23 (1702); một bia đá lớn cao 1,65 m, rộng 1,10 m dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1717) có tiêu đề "Kim chung thạch tự bi ký", mặt trước miêu tả cảnh đẹp của Phố Hiến, mặt sau đề "Nhân Dục cổ tích truyền" ghi tên nhũng người có công tu sửa lại chùa, trong đó có một số người Hoa; cuối cùng là một khánh đá dài 1,46 m cao 0,66 m và một chuông đồng cao 1,28 m.
Không còn giữ được nhiều nét của một thương cảng sầm uất, phố Hiến giờ đây yên ả bên dòng sông Hồng, trải dài theo những triền đê. Rong chơi Phố Hiến một chiều đông, bắt gặp đôi chút bóng dáng cổ kính ngày nào qua một vài nếp nhà còn giữ lại được vẻ đẹp xưa. Những cây nhãn thâm trầm chuyển mình chờ nắng xuân để đơm trái, phiên chợ trung tâm với những món hàng quê bình dị, bữa cơm trưa với món chả gà trứ danh đất Hưng Yên. Một chiều ghé thăm Phố Hiến, sau chặng đường dài trên những triền đê lộng gió, thư thả và êm đềm với miền quê trù phú để lại trở về với Kinh Kỳ ồn ã.
"Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến"
Du lịch, GO! - Theo Travel, internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét