Nằm ở địa bàn xã Đạ Long, huyện Đam Rông (Lâm Đồng), cách TP.Đà Lạt chừng 70km về hướng đông bắc, suối nước nóng thiên nhiên Đam Rông là một điểm du lịch sinh thái và chữa bệnh hấp dẫn ở xứ sở sương mù đầy quyến rũ.
Khu vực này được bao quanh bởi rừng cây tự nhiên lẫn nhân tạo khá đa dạng chủng loại và có một hệ thống đá bàn, đá phiến đan xen. Dòng nước nóng phun trào dưới lòng đất ngược lên trông tựa cụm pháo hoa nở bung, nhiệt độ trung bình của nước suối luôn ở khoảng 40 - 45 độ C, nồng độ lưu huỳnh cao hơn suối nước nóng ở nhiều vùng khác nên chữa các bệnh ngoài da, thấp khớp, cao huyết áp, rối loạn tim mạch rất hiệu nghiệm.
Đã 5 năm, từ ngày suối nước nóng được đưa vào sử dụng, luôn tập trung đông du khách, thưởng ngoạn phong cảnh sơn thủy hữu tình, thơ mộng. Còn gì thú vị hơn, giữa đại ngàn tràn ngập tiếng chim rừng, bạn ngồi dựa vách đá ngả lưng đón dòng nước ấm áp phảng phất mùi khoáng chất thiên nhiên ban tặng, tưởng chừng lạc vào chốn thiên cung huyền ảo.
Sau khoảng 15 phút để màn nước tự hành chảy masage nhẹ nhàng qua làn da, bạn hãy đi bộ vài trăm mét là gặp ngay dòng suối mát trong vắt, uốn quanh muôn vàn viên đá trắng để ngâm mình thư dãn, cảm giác như đang gột sạch bụi trần, quên đi bao phiền muộn.
Cơ cấu dân cư Đam Rông có hơn 90% thuộc đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, là cái nôi nuôi dưỡng, kế tục một chuỗi lễ hội văn hoá phi vật thể truyền thống lâu đời, như lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả, lễ đâm trâu, hội cồng chiêng...
Điển hình nhất là lễ cúng mừng gặt lúa (Mơ nhum hơma) nhằm tỏ lòng tạ ơn Yàng (ông Trời) đã ban cho dân bản một năm mưa thuận gió hoà, cây lúa mẩy bông, cây bắp chắc hạt. Đảm nhiệm phần chính nghi lễ là thầy cúng (Yuh) lấy nước đầu của từng chóe rượu chia cho các thành viên dự lễ theo thứ tự già làng tới chủ nhà, sau đó là những người khác.
Thầy cúng tiếp tục cắt cổ gà lấy huyết trộn với bột nghệ và nước cháo, dùng que vẩy thứ nước đó lên đống lúa, lên Trời, xuống ruộng, đồng thời đọc bài chú khấn tạ ơn Yàng, xong ra hiệu giàn cồng, chiêng, kèn, trống nổi lên theo vũ điệu Tamnha (Araja).
Tại lễ hội, trai làng khỏe mạnh nhất được chọn từ các buôn thi đấu vật trước sự cổ vũ nồng nhiệt của mọi người, thể hiện tinh thần thượng võ và rèn luyện thân thể để chinh phục thiên tai, thú dữ.
Nếu gặp dịp lễ hội truyền thống, bạn tha hồ tìm hiểu phong tục tập quán của người dân bản địa vốn giàu lòng hiếu khách, hoà nhập sinh hoạt múa hát thâu đêm bên ánh lửa trại, thưởng thức các món ăn dân dã như canh măng le tươi nấu gà giò, uống rượu cần thứ thiệt thật tuyệt vời.
Một ngày không xa, suối nước nóng Đam Rông sẽ là điểm du lịch sinh thái - chữa bệnh liên hoàn, hấp dẫn du khách khắp mọi miền về dừng chân tham quan, nghỉ dưỡng.
Du lịch, GO! - Theo Lao động, internet
Theo ông Phạm Quang Minh - Trung tâm Khai thác và quản lý công trình công cộng huyện Đam Rông (Lâm Đồng) cho biết, từ nguồn vốn ngân sách địa phương, huyện Đam Rông đang tiến hành đầu tư, tu bổ suối nước nóng tại xã Đạ Long với kinh phí 300 triệu đồng.
Theo đó, khoảng 20m đường vào suối sẽ được gia cố bằng bê tông để tránh sình lầy, xây dựng thêm 2 phòng thay quần áo và 2 nhà vệ sinh đủ chuẩn để người dân thuận tiện hơn.
Trong tháng 6, tất cả các hạng mục sẽ hoàn tất và đưa vào sử dụng nhằm đảm bảo việc giữ gìn và bảo vệ môi trường quanh suối, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu văn hóa dân tộc thiểu số ở Đạ Long.
Cồng chiêng vang mãi núi rừng Đạ Long
Đã bao đời nay, cồng chiêng luôn giữ vị trí quan trọng và thiêng liêng trong đời sống văn hoá, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, đồng bào Cil ở xã Đạ Long nói riêng. Dù trải qua bao thăng trầm nhưng người dân nơi đây vẫn giữ được những nét văn hoá đặc sắc.
Xã Đạ Long hiện còn lưu giữ 33 bộ cồng chiêng, hơn 150 chiêng lẻ; 5/5 thôn đều có đội cồng chiêng. Những bộ cồng chiêng được lưu giữ gần như nguyên vẹn về cấu trúc và âm thanh của dàn chiêng cổ. Để lưu giữ và phát huy bản sắc văn hoá cồng chiêng, năm 2006, xã Đạ Long được UBND tỉnh chọn làm xã điểm xây dựng câu lạc bộ cồng chiêng, gồm 12 thanh niên nam, nữ dưới sự hướng dẫn của những nghệ nhân giàu kinh nghiệm, các bạn trẻ được truyền đạt kỹ thuật đánh cồng, chiêng, chỉnh sửa cho đúng âm thanh của từng loại.
Nhiều nghệ nhân tuy đã tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn hăng say, miệt mài truyền đạt cho con cháu những điệu chiêng, điệu múa, tiếng khèn. Cứ đều đặn hai tháng, câu lạc bộ cồng chiêng của xã lại sinh hoạt một lần, các thành viên tập trung tại hội trường nhà văn hoá xã hoặc tại nhà các nghệ nhân để luyện tập. Các cô gái thì tập múa tỉa bắp, giã gạo, những điệu hát ru, dân ca; các chàng trai thì luyện đánh cồng, chiêng, thổi khèn cùng các nhạc cụ khác.
Trò chuyện với bà con xã Đạ Long, chúng tôi thấy ai cũng tâm niệm một điều: Dân làng đói ăn còn chịu được, chứ thiếu tiếng cồng, chiêng thì coi như mất tất cả, chẳng còn là buôn làng của người Cil nữa. Bởi vậy, khi xã thành lập câu lạc bộ cồng chiêng, bà con rất nhiệt tình hưởng ứng và luôn động viên lớp trẻ tham gia. Mọi người động viên cùng nhau đoàn kết, lưu giữ, bảo tồn cồng chiêng - phần “hồn” của buôn làng.
Theo Kinh tế Nông thôn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét