Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Cách "chữa cháy" khi bạn lỡ làm thầy cô giận


Bạn đã bao giờ thực hiện một hành động nào đó khiến thầy cô giận? Trong những trường hợp như thế, bạn sẽ làm gì?

Bỏ học đi chơi... hội

Thùy Trang (20 tuổi, Tiên Du, Bắc Ninh) từng là thành viên đội tuyển tham gia thi môn Ngữ văn các cấp. Thời gian ôn luyện, Trang cùng một số bạn nữa được tuyển chọn để bồi dưỡng thêm, bởi một đội ngũ giáo viên dày dạn kinh nghiệm. Nhưng thay vì dồn sức vào chuyện học tập, cô nàng đã khiến cô giáo của mình rất buồn khi bỏ học đi chơi hội. 

“Ngày hội lớn nhất của huyện tớ trùng với ngày học đội tuyển. Bữa đó, “bạn ấy” của tớ rủ tớ xuống hội chơi với đám bạn thân của cậu ấy. Lâu lâu hai đứa mới được gặp nhau nên tớ cũng bấm bụng... bùng học mà chẳng mảy may áy náy. Hôm sau đến trường tớ mới biết cả 6 bạn còn lại cũng... trốn học, nhưng không đứa nào báo trước với cô. Trong khi cả đêm hôm trước cô giáo đã thức để sửa bài cho từng đứa vì lo kì thi sắp đến gần. Cô đến lớp không thấy ai nên giận lắm!”

Xử lý sao đây: Tận dụng lợi thế của dân chuyên Văn, Trang và 6 cô bạn còn lại đã cùng nhau “hội ý” để sáng tác ra một bức thư “tràn trề xúc cảm”, rón rén mang đến cửa nhà trao cho cô. Đứa nào cũng hối hận ra trò nên lời văn rất cảm động, khiến cô đọc xong cũng rưng rưng. Kết quả là 7 đứa được cô mời vào nhà uống trà ăn bánh kẹo và nhận thêm... 3 đề văn cho hai ngày cuối tuần!


Nói xấu thầy cô: tội tày đình

Thùy Linh (ĐH NT) chia sẻ một kỉ niệm thời học cấp hai của bạn ấy như thế này. “Hồi ấy tớ rất biếng học, mấy đứa bạn chơi cùng cũng chẳng lấy gì làm chăm chỉ, gọi chung là xóm nhà lá. Những giờ rảnh rỗi, thậm chí cả trong giờ học, chúng tớ thường mang những thầy cô giáo khó tính, hay bắt bẻ sinh viên ra làm đề tài nói chuyện. Một trong những lần như thế, chúng tớ nói chuyện bằng giấy, chuyền qua chuyền lại không dưng cô giáo chủ nhiệm phát hiện và cầm được. Tệ hại là trong giấy, tớ đã dùng những lời lẽ không hay để nói về cô. Mặt cô đỏ ửng và bữa đó cô đã khóc ở lớp. Cô không mắng gì tớ, cũng chẳng tiết lộ điều ấy với người nào khác. Nhưng cả lũ im re vì sợ hãi!”


Xử lý sao đây: Trong những tình huống như thế này, điều bạn cần nhất là sự chân thành. Không chỉ là chân thành xin lỗi mà còn là chân thành nói chuyện. Linh cùng nhóm bạn thân của bạn ấy đã đến gặp cô, trước hết là xin lỗi, sau đó là giãi bày tâm sự thật của mình, bày tỏ những khó khăn các bạn ấy đang gặp phải mà ở lớp không dám nói ra. Cô giáo đã lắng nghe và nói sẽ xem xét. Sau đó thì cô giáo đã điều chỉnh cách dạy của mình, cách cho bài tập về nhà và quan tâm đến học trò hơn. Giờ đây khi đã ra trường, Linh và nhóm bạn của bạn ấy vẫn cực kì thân thiết với cô giáo của mình.

Cái tội “im thin thít”

“Hồi lớp tớ mới đón giáo viên thực tập, cả lớp quyết định tẩy chay vì... quá yêu cô giáo chủ nhiệm cũ. Mặc dù chúng tớ đều biết cô giáo đang trong thời gian nghỉ chăm sóc em bé, nhưng chẳng đứa nào muốn vị trí của cô bị thay đổi cả. Thế là thầy giáo mới giảng dạy nhiệt huyết bao nhiêu, chúng tớ hờ hững bấy nhiêu. Bị bắt lên bảng thì nói, còn không chẳng đứa nào thèm giơ tay. Thầy trẻ, mới ra trường nên còn hiền và thiếu kinh nghiệm nên chẳng bao giờ dọa trừ điểm hay mắng mỏ gì. Nhưng chúng tớ biết thầy giận. Vì thầy đến lớp chỉ chăm chăm giảng những gì có trong sách, cũng chẳng nói chúng tớ thêm câu nào, điểm chác rạch ròi, không... năn nỉ được. Đó là năm cuối cấp nên đứa nào cũng lo lo trước “tình cảnh” ấy.” (Phương Anh, ĐH Phương Đông).


Xử lý sao đây: Sửa chữa thôi chứ xử lý gì nữa? Bạn sẽ không cần đưa ra một lời xin lỗi, những lời năn nỉ ỉ ôi, mà chỉ cần bắt tay ngay vào hành động. Bằng cách nào ư? Hãy xung phong phát biểu xây dựng bài, gặp bài tập khó hãy mang ra nhờ thầy giúp, học bài tới đoạn chưa hiểu nhất định mang ra hỏi thầy. Chẳng thầy cô nào nỡ... ghét học trò chăm học như thế đâu. Lớp của Phương Anh đã thành công với cách làm ấy!

Ở tuổi học trò thì rất thường mắc phải những lỗi lầm, và vấn đề khi bạn cần "chữa cháy" đó chính là biết cách làm thầy cô vui lòng. Một điểm quan trọng hơn là hãy thể hiện nó bằng tình cảm thật sự của bạn, cũng như phải biết ăn năn hối lỗi và tuyệt đối đừng quá lạm dụng nó để rồi "châm lửa" nhiều lần thì sẽ là tai họa đấy.
TTVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét