Người dân đặt câu hỏi bao giờ trận chiến chống tham nhũng mới thực sự diễn ra trong ngành CSGT khi ngay cả lãnh đạo ngành này cũng nhận định: Chỉ nhận vài chục, một trăm ngàn đồng thì không thể coi đó là tham nhũng?!
Tuần qua, kết quả khảo sát của Thanh Tra Chính phủ đã công bố kết quả điều tra- khảo sát về tham nhũng ở các ngành nghề, theo đó ngành cảnh sát giao thông (CSGT) có mức độ tham nhũng phổ biến nhất.
Tuy nhiên, trả lời báo chí về kết quả khảo sát, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ và đường sắt cho rằng ở đây chỉ là những tiêu cực chứ “không thể nói là tham nhũng”.
“Bây giờ nghiên cứu thế nào là tham nhũng, thế nào là tiêu cực, tôi cho rằng nó chưa rạch ròi. Nhận của lái xe, nhận của người tham gia giao thông dăm ba chục, một vài trăm mà đó là tham nhũng thì theo tôi ý đó là không thỏa đáng”, ông Tuyên nói.
Hành vi nhận tiền mãi lộ có phải là tham nhũng? (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, nhiều bạn đọc chỉ ra rằng câu chuyện “dăm ba chục” cho thấy lãnh đạo ngành này chưa thẳng thắn nhận trách nhiệm với tiêu cực của ngành mình. Từ đây, bạn đọc cũng đặt câu hỏi: Ngay cả lãnh đạo ngành cũng có thái độ như thế thì chưa biết tới bao giờ cuộc chiến chống tham nhũng ở ngành CSGT mới bắt đầu. “Thật buồn khi nghe các nhà bảo vệ pháp luật đăng đàn phát biểu như vậy! Hành động của CSGT dùng đặc quyền để đòi tiền của người vi phạm không phải là tham nhũng thì là gì? Những người đó cũng đang lợi dụng chức quyền để mưu lợi cá nhân đấy chứ !”, độc giả có hòm thư Boysa…@yahoo.com.vn cho biết.
Cụ thể hơn, độc giả Đào Ngọc Hậu hòm thư hau…viettel,com.vn dẫn chứng: “Nếu một xe khách phải đứa cho cảnh sát giao thông 300.000đ/lần, vậy nếu một ngày cảnh sát chỉ tay vào 20 chiếc xe thì được bao nhiêu tiền? Nếu Thiếu tướng không tin thì hãy vi hành trên một chuyến xe khách Bắc, Nam là biết ngay thôi à!”.
Chức năng nhiệm vụ chính của cảnh sát giao thông là điều tiết, giữ gìn trật tự an toàn giao thông (Ảnh minh họa)
Bạn đọc có địa chỉ vinhdat…@yahoo.com.vn đặt câu hỏi: “Nếu nói như vậy các ngành khác nhận tiền của dân vài ba trăm cũng đâu thể gọi là tham nhũng mà chỉ là tiêu cực. Vậy nhà nước ta chống tham nhũng là chống những ai?”.
Từ chuyện tiêu cực giao thông “bên ta”, bạn đọc lại liên tưởng tới câu chuyện giao thông đã đi vào nề nếp ngay tại những nước làng giềng. Độc giả có hòm thư: khanhtran7781@yahoo.com lấy ví dụ: “Tại Lào hay Campuchia, ít khi thấy công an đứng đường, mà ô tô, xe máy chạy rất đàng hoàng. Không nghe một tiếng còi xe, thậm chí ô tô còn chạy rất nhanh từ 100 đến 120km/h là chuyện bình thường”.
Từ đây, độc giả này đặt vấn đề CSGT nên tập trung nhiệm vụ giữ gìn trật tự ATGT, xuất hiện ở những nơi ách tắc giao thông để điều tiết: “Cái chúng tôi cần là các anh chốt những nơi cần quan sát tổng thể để ứng phó kịp thời giải quyết ùn tắc để chúng tôi lưu thông thoải mái, để khi đến công sở làm việc đỡ phải bực bội cho một ngày mới làm việc hiệu quả”.
Nhiều độc giả chỉ ra bất cập không chỉ tồn tại ngay trong luật giao thông mà còn xuất hiện ngay trên những cung đường khiến người dân muốn tuân thủ luật cũng không dễ dàng. Cụ thể cơ sở hạ tầng giao thông không đảm bảo, thiếu đồng bộ như biển báo, đèn hiệu không rõ ràng, quá nhỏ, vị trí đặt không hợp lý (quá gần điểm hiệu lệnh, góc khuất, cây cối che chắn). Từ đây, các cơ quan quản lý quy hoạch cũng phải xem lại trách nhiệm của mình, chứ không phải tất cả đổ lỗi cho người tham gia giao thông. Chính vì thế, để có sự ủng hộ của người tham gia giao thông, bạn đọc đề nghị cơ quan chức năng cần tăng cường hướng dẫn, giáo dục, lắng nghe và việc phạt chỉ áp dụng cho những người cố tình chứ không phải chỉ có phạt và phạt nặng.
Tuyết Mai (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét