Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Những bàn tay phải chôn trong cung điện cổ Ai Cập


Khi khảo sát một cung điện ở thành phố cổ Avaris (Ai Cập), các chuyên gia đã tìm thấy 16 bàn tay người bị chon trong 4 cái hố, tất cả đều là tay phải.
16 bàn tay phải bí ẩn
Theo tin tức của giới truyền thông nước ngoài, các nhà khoa học đã dùng sóng rada phát hiện ra một tòa thành cổ dưới lòng đất vùng đồng bằng sông Nile, có độ tuổi khoảng 3.500 năm. Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khảo cổ Áo, thuộc Viện khảo cổ và Viện hàn lâm khoa học, đã phát hiện ra tòa thành cổ này tại khu vực Tell el – Daba phía đông bắc đồng bằng sông Nile.
Tàn tích này có thể là một phần phía nam ngoại ô ở thành phố cổ Awalisi, thủ đô của triều đại Hyksos. Cách đây 3.600 năm, triều đại Hyksos được biết đến là “triều đại thống trị ngoại bang” xuất xứ từ phía bắc Canaan. Triều đại này xâm lược Ai Cập năm 1664 đến năm 1569 trước Công nguyên và thống trị lưu vực sông Nile hơn 1 thế kỷ.
Triều đại này đã đem theo chiến xa vào thủ đô Awalisi, khống chế được con đường buôn bán trọng yếu ở Trung Đông và Địa Trung Hải. Họ đã cho xây dựng thủ phủ tại thành phố Avaris – khu vực ngày nay là Tell el – Daba. Sau này, Pharaoh của Ai Cập cổ đại là Ahmosel đã đánh chiếm thành Awlisi, kết thúc sự thống trị của triều đại Hyksos, dựng nên triều đại thứ 18.

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu tòa thành cổ dựa trên kỹ thuật trắc địa và khai quật. Các bức hình thu được trên máy tính hiện thị rất rõ ràng bố cục của tòa thành cổ. Nhóm khảo sát còn xác định được vị trí đền thờ thần Seth.
Đặc biệt, họ bất ngờ phát hiện 16 bàn tay phải bị chặt đứt, chôn vùi dưới một cung điện cổ. 16 bàn tay này không được tìm thấy cùng 1 chỗ, mà được chia ra làm 2. 2 hố, mỗi hố chứa 1 cánh tay đặt nằm phía trước cung điện, khu vực được xem là nơi ở của vua. 14 cánh tay còn lại chon ở bên ngoài cung điện. Tất cả 16 bàn tay phải được xác định là có niên đại khoảng 3.600 năm, thuộc triều đại Hyksos cai trị.
Giám đốc dự án khai quật, ông Manfred Bietak cho biết: “Nhóm chúng tôi thật sự sững sờ trước phát hiện mới này. Khi nhìn thấy 16 bàn tay bị chặt đứt này, ai nấy đều thốt lên, như đang xem một bộ phim kinh dị. Phần lớn cánh tay đều mang kích cỡ lớn, thậm chí vài cánh tay rất lớn, nếu không muốn nói nó thuộc về người khổng lồ”.
“Vàng của lòng dũng cảm”
Theo ông Manfred Bietak, nhìn qua thì các bàn tay bị cắt đứt này là hình thức ướp xác hay chôn cất thi thể các vị vua. Tuy nhiên ông tin rằng đây là những bằng chứng đầu tiên chứng tỏ sự thật trong các câu chuyện văn học và nghệ thuật Ai Cập cổ đại, kể về những người lính thường cắt bàn tay phải của kẻ thù để nhận tiền thưởng. Hơn nữa, khi cắt đi bàn tay phải, nó không những giúp dễ dàng đếm xác nạn nhân mà còn lấy đi sức mạnh của kẻ thù. “Mất bàn tay phải thì sẽ mãi mãi bị tước đoạt sức mạnh”, ông Bietak giải thích.
Theo mô tả trong các văn bản chữ và bức vẽ của người Ai Cập cổ đại, bàn tay là một trong những chứng cứ cơ thể. Vì vậy khi thắng trận, người lính phải cắt bỏ bàn tay của kẻ thù để lấy vàng, Bietak giải thích trên ấn phẩm Egyptian Archaeology.
“Bàn tay là chứng cứ vật lý sớm nhất và duy nhất thời cổ đại”, ông nói. Ông cho biết thêm, sở dĩ chúng ta tìm thấy 16 bàn tay phải được chôn cất ở những hố khác nhau, đó là chủ đích của người xưa. Có thể phỏng đoán, mỗi hố đại diện cho một nghi thức tế lễ khác nhau, mà cho đến tận ngày nay chưa có lời giải thích.
Giống như tập tục ghê rợn lột da đầu của chiến binh da đỏ hay chuyện xẻo mũi khi quân Nhật xâm lược Hàn Quốc vào thế kỷ 16, việc thu thập các bộ phận của quân địch được xem là hành động chứng tỏ lòng dũng cảm.
Việc cắt tay làm chiến lợi phẩm đổi lấy vàng được cả người Ai Cập và người Hyksos sử dụng. Giới khảo cổ từng đọc thông tin này trên tường ngôi mộ của Ahmose, con của Ibana, người Ai Cập đấu tranh chống lại Hyksos.
Một phần nội dung của nó như sau: “Khi đấu tay đôi, tôi lấy đi một bàn tay. Nó được trình lên để được hoàng gia tưởng thưởng”. Sau đó, trong chiến dịch chống người Nubia ở phương nam, Ahmose lấy được 3 cánh tay và được thưởng gấp đôi số vàng theo lệ thường”.
Còn bản dịch của James Henry Breasted trong ấn phẩm Ancient Records of Egypt, quyển 2, 1905, có ghi rằng: “Người này đã chiến đấu tay đôi rất anh dũng và đem về một bàn tay báo cáo cho sứ giả hoàng gia. Anh đã được trao tặng “vàng của lòng dũng cảm”. Sau đó, trong một chiến dịch đánh người Nubians ở phía Nam, anh đem về 3 bàn tay khác và số vàng được nhân đôi”.
Hiện, vẫn chưa xác định được chủ nhân của những bàn tay này. Họ có thể là người Ai Cập cổ hoặc những tù nhân người Hyksos bắt giữ khi đánh chiếm các vùng lân cận.
theo nguoiduatin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét