Thành phố Vĩnh Long nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên, xung quanh có nhiều cù lao dày đặc vườn cây ăn trái, nổi tiếng nhất là cù lao An Bình. Nhiều người cho rằng đến Vĩnh Long mà chưa tham quan An Bình xem như chưa đến thành phố này.
Cù lao An Bình chỉ cách thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) bởi con sông Cổ Chiên rộng khoảng 300m và có nhiều bến tàu đò và tàu du lịch. Muốn trải nghiệm cuộc sống đời thường, chúng tôi chọn cách đi phà cùng người dân địa phương.
Hoa trái “đơm” đầy đường
Vừa xuống phà, đã nhìn thấy cù lao phủ kín cây cối như tảng băng màu xanh khổng lồ nổi giữa mênh mang dòng nước đỏ quạch phù sa. An Bình có đến hơn 60 kênh rạch đan ngang dọc như mạng nhện nên đi đâu cũng gặp cầu, những cây cầu bắc qua những dòng con rạch uốn lượn quanh co qua những vườn cây ăn trái.
< Cây trái mọc tràn ra lề đường.
Mất gần cả ngày để chúng tôi vừa rong ruổi vừa thưởng thức bao sắc màu trên nhiều con đường bêtông nhỏ vắt ngang dọc khắp cù lao.
< Hoa cũng “thi” với trái “tràn” ra lề đường khiến nhiều ông Tây bà đầm mê mẩn.
Thỉnh thoảng lại bắt gặp các ông Tây, bà đầm hào hứng cưỡi xe đạp thăm thú cười nói rôm rả. Con đường nào cũng băng qua những vườn chôm chôm, nhãn, xoài, mận, bưởi, bòn bon, măng cụt, cam, quýt… nặng trĩu trái vươn ra ngoài đường.
< Bảng hiệu mời khách vào nhà vườn được treo khắp nơi trên An Bình.
Bên vệ đường, trước nhiều ngôi nhà ẩn giữa vườn cây có bày bán các loại trái cây tươi đến nỗi cuống chưa kịp ráo mủ khiến mọi người phải dừng lại đến 5 lần để ngấu nghiến chôm chôm, măng cụt, bòn bon, sầu riêng…
< Trái cây bày bán ngay trước nhà.
“Rộn” mắt nhất là lúc đi ngang qua các cơ sở thu mua và đóng gói trái cây bán đi khắp nơi. Các lực điền khiêng giỏ trái cây đầy ắp ra vào, cô gái thoăn thoắt tay cắt tỉa cuống trái cây cho vào hộp… Không khí tất bật nhưng lúc nào cũng rộn ràng.
< Bên lề một số con đường có những cơ sở thu mua trái cây hoạt động nhộn nhịp càng tăng nét trù phú cho An Bình.
“Bao bụng” và “bao bịch”
Trong những năm gần đây cù lao An Bình thu hút nhiều khách nên nhiều chủ vườn đã mở lòng ra đón.
Tiêu biểu là vườm chôm chôm ông Chín Hoàn, vườn chôm chôm ông Chín Cần, vườn nhãn tiêu của ông Tám Hổ…
< Hầu hết các nhà vườn ở An Bình đều “bao bụng” khách (để khách tự tay hái trái cây ăn thỏa thích đến no).
Ngoài ra, ven các con đường còn có nhiều tấm bảng hiệu được viết những dòng chữ thô mộc, đại loại: Cho vào vườn mận (chôm chôm, nhãn, măng cụt…) đang chín rộ, thoáng mát, có lều võng, có phục vụ ăn uống giá bình dân…
Chúng tôi chọn nhà vườn có bảng quảng cáo mộc mạc nhất. Vừa vào đến nơi, chủ của vườn mận chín đỏ rực, ông Sáu Bé vồn vã mời khách nằm võng rồi nói: “Anh “bao bụng” mấy em, 20.000 đồng/người”. Thấy chúng tôi ngơ ngác không hiểu, người chủ vườn giải thích: “Mấy em tự hái mận ăn no bụng rồi nằm võng nghỉ ngơi, đói thì ăn tiếp, cả ngày anh chỉ lấy 20.000 đồng. Ở đây hầu như nhà vườn nào cũng làm như vậy”.
Đến xế chiều, trên đường rời An Bình, thấy 3 người đàn ông đang thu hoạch vườn nhãn dày đặc trái, chúng hỏi mua. Một người trên cành nhãn nói vọng xuống: “Tụi anh hái bán cho vựa. Nếu mấy em thích thì anh cũng bán giá bằng vựa".
Được dịp giá rẻ, trái tươi, chúng tôi mua 10kg. Anh bảo: “Anh không có cân. Anh "bao bịch" cho mấy em nghen”. Vừa nói, anh vừa hốt nhãn đầy một bịch lớn rồi trao cho khách. Về đến nhà, chúng tôi thử cân lại, hơn 13kg!
Du lịch, GO!- Theo TTO, internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét