Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Kỳ thú đảo Song Ngư trên biển Cửa Lò

Cách đô thị du lịch biển Cửa Lò khoảng 2 hải lý, đảo Song Ngư là vành đai chắn sóng, đồng thời là điểm đến hấp dẫn của du khách.

< Đảo Song Ngư nhìn từ biển Cửa Hội.

Vào cuối tháng 4, trước thời điểm khai trương mùa du lịch Cửa Lò, đoàn văn nghệ sỹ báo chí chúng tôi may mắn được UBND TX Cửa Lò bố trí đi thực tế tại Đảo Ngư. Chúng tôi rất háo hức muốn biết Song Ngư trong thực tế có gì giống và khác so với Song Ngư trong sách vở, thơ ca.

UBND TX Cửa Lò bố trí tàu cứu hộ tốc độ cao với hai nhân viên của Trung tâm cứu hộ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đoàn khách. Buổi trưa, biển Cửa Lò trong xanh, gió mát rượi, sóng rất êm nhưng khi tàu chạy với tốc độ cao cũng có cảm giác chòng chành, rung lắc.

< Song Ngư nhìn từ trên cao.

Nhìn từ đất liền, đảo Song Ngư đã sừng sững, và chỉ chạy chừng 15 phút, đảo đã ngay trước mắt. Có mấy chiếc thuyền đánh cá nhỏ neo đậu gần đảo, bà con ngư dân nói chuyện râm ran, giọng Nghệ (giọng Nghi Lộc) âm sắc trầm, vang. Bên cạnh cầu cảng là bãi biển vô số đá cuội nhẵn bóng, nhiều màu, nước biển trong suốt nhìn sâu xuống vẫn thấy đá.

Đảo Ngư là hai hòn núi đứng sát vào nhau trước biển Cửa Hội, một ngọn cao 133 m, một ngọn cao 88 m, diện tích toàn đảo chỉ khoảng 2,5km². Cây cối trên đảo xanh tốt, um tùm, có đặc sản là cây lá lằng nấu canh cực ngon. Sở dĩ gọi là đảo Song Ngư vì nhìn từ xa giống như hai con cá nằm cạnh nhau.

< Bãi tắm trước cầu cảng.

Xuống tàu, đi qua cầu cảng là được chiêm ngưỡng chùa Ngư (Song Ngư tự), có từ thời Trần nhưng mới được UBND TX Cửa Lò phục dựng vào năm 2005. Trước chùa có 2 hai cây lộc vừng tương truyền đã 600 trăm năm tuổi, cành lá um tùm sum suê mọc trên hai gốc khổng lồ. Chính giữa chùa là giếng Ngọc, có nguồn nước ngọt mát, dùng để nấu lên loại rượu Song Ngư ngon nức tiếng.

Trong chùa Ngư không có người, nhưng rất sạch sẽ, ngăn nắp. Chùa mới xây nên các đồ tế khí đều sáng bóng, trang nghiêm. Đây là nơi thờ đức Phật và Sát Hải đại vương Hoàng Tá Thốn, vị tướng thủy quân quê ở Nghệ An đã có công lao đánh giặc Nguyên Mông thế kỷ XIII.

Trèo khoảng 300 bậc đá bở hơi tai thì đến trung tâm doanh trại quân đội đóng trên đảo. Đảo trưởng, trung tá Vương Kiếm Cường và chính trị viên, thiếu tá Phan Văn Thưởng đón đoàn trước cổng đơn vị và dẫn anh em đi thăm đảo. Chị Nguyễn Thị Phước, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam tặng anh em một ít sách báo. Anh Cường cho biết trên đảo có hệ thống thông tin liên lạc, ti vi, sách báo...

< Nhà bia tưởng niệm 14 liệt sỹ đã ngã xuống trên đảo.

Đoàn đứng lặng trước nhà bia ghi tên 14 liệt sỹ đã ngã xuống trên đảo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhà bia được xây dựng trang trọng trên đỉnh núi cao nhất, bên cạnh là đường hầm chiến lược.

Hai sỹ quan dẫn chúng tôi đi một vòng quanh đảo, có một chó nghiệp vụ to lớn theo sát từng bước, nhưng rất hiền. Theo thiếu tá Thưởng, trên đảo có nhiều chim thú như khỉ, sóc, chồn... Đơn vị quân đội nuôi nhiều lợn đen thả tự do, và đây cũng là đặc sản của đảo. Vườn rau trên đảo xanh tốt, anh em ăn không hết. Chúng tôi để ý thấy một bao cát và một “mộc nhân” để luyện võ Vịnh Xuân quyền. Bắt tay một chiến sỹ, chúng tôi cảm thấy cứng như thép nguội, cho thấy một bản lĩnh cao cường.

Trung tá Vương Kiếm Cường giới thiệu và dẫn chúng tôi đi thăm bãi tắm Tiên phía sau đảo. Trong nước trong xanh, có hàng triệu viên đá cuội nước mài nhẵn thín. Phía trước là lồng nuôi cá giò, một đặc sản của biển Cửa Lò.

Trung tá Cường cho biết, bên cạnh nhiệm vụ quốc phòng, đơn vị của anh còn có trách nhiệm cứu hộ cứu nạn. Mỗi năm cứu được khoảng chục ngư dân thoát chết. Nhận được thông tin, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, anh em cũng lập tức ứng cứu. Lính đảo ở đây không thiếu thốn thứ gì, chỉ có hơi “thiệt thòi” là ít được về nhà. Vui chuyện, thiếu tá Thưởng cho biết nhiều mối tình giữa lính đảo và các cô gái Cửa Lò đã nảy nở và đơm hoa kết trái từ các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao. Trên đảo cũng có trạm khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ, và trạm trưởng là một cây văn nghệ tài ba.

< Trung tá Vương Kiếm Cường chụp ảnh kỷ niệm với đoàn.

Trung tá Cường cho biết sắp tới sẽ chuyển ¾ diện tích đảo sang mục đích dân sự để đầu tư cho du lịch. TX Cửa Lò cũng đã có kế hoạch xây dựng đảo Ngư thành một điểm du lịch với nhiều dịch vụ cao cấp như tắm biển, nghỉ dưỡng, thể thao, du lịch mạo hiểm…

Xế chiều, đoàn phải chia tay các chiến sỹ, ai cũng tiếc thời gian quá ít. Các anh tặng chúng tôi một túi to lá lằng, đặc sản của đảo và hẹn ngày trở lại.

Lại khoảng 15 phút tàu cao tốc, bờ biển Cửa Hội đã hiện ra trước mắt, những con thuyền đánh cá đậu san sát, cờ Tổ quốc bay phất phới, ánh mặt trời hoàng hôn đỏ rực trên biển.

Du lịch, GO! - Theo Trần Quang Đại, Tamnhin.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét