Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

Lời chào ở Cù Lao Chàm

Cù Lao Chàm, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam có kiểu “chào quý khách” không giống ai. Họ chào bằng hai câu treo ở cổng chợ: “Không phát túi ni lông cho người mua hàng” và “Xách giỏ đi chợ- phong cách của người nội trợ”.
Rất cụ thể, không hoa hòe hoa sói, đó là tính cách của người dân ở Cù Lao Chàm. Thay vì chỉ một câu chào xã giao treo ở đầu bến cảng, Cù Lao Chàm còn kèm thêm hai câu mang tính vừa cảnh báo lại vừa khuyến cáo như trên. Nói “không” với túi ni lông một cách quyết liệt và triệt để.

Để loại được một thứ vật dụng rất tiện lợi này ra khỏi đời sống của hàng trăm hộ dân nơi đây là điều không hề dễ dàng, nếu không nói là quá khó, điều đó đòi hỏi cả chính quyền lẫn người dân đều phải hợp tác và thực hiện một cách tự giác, đầy ý thức.


< Xách giỏ đi chợ-phong cách của người nội trợ ở Cù Lao Chàm.

Nói như ông Nguyễn Sự, Bí thư thành ủy Hội An: “Sự hợp tác của người dân và chính quyền để thực hiện một chủ trương nào đó nó cũng giống như hai người tát nước bằng gàu sòng vậy. Cả hai cùng kéo chứ không thể người kia kéo còn người nọ đứng nhìn thì nước sẽ không lên ruộng được!”.

Từ câu chuyện nhà xí

Chỉ hai năm sau khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (2001), Hội An đã đón vị khách thứ 1 triệu nhưng Cù Lao Chàm khi ấy gần như bị khách du lịch bỏ quên. Hòn đảo này như một cô gái đẹp nhưng chỉ biết rón rén đứng nhìn cuộc  thi hoa hậu vì không có đủ những điều kiện cần thiết để tham gia cuộc tranh tài nhan sắc với bạn bè.

< Những tấm biển "nói không với bao nilon" tràn ngập khắp các ngõ ngách của Cù Lao Chàm.

Những nhà quản lý thị xã Hội An khi đó đã sớm nhận ra viên ngọc Cù Lao Chàm bị che mờ bởi một lớp bụi mà chỉ cần lau sơ qua thì mọi ánh mắt sẽ đổ dồn về phía ấy. Nhưng  làm gì để viên ngọc kia được lấp lánh và hấp dẫn du khách thì đó là một bài toán không dễ giải đối với các nhà quản lý. Là bởi, mang tiếng là dân thị xã Hội An nhưng 600 hộ dân Cù Lao Chàm vẫn được xếp vào diện “vùng sâu vùng xa”.

Sự cách trở về không gian địa lý đã kéo theo nó rất nhiều phiền toái. Mỗi một thói quen của người miền biển nơi đây là một cản ngại lớn trong việc thu hút du khách. Chuyện làm “quận công” là một ví dụ.

Còn nhớ năm 2002, tôi theo chân đoàn “liên ngành” của thị xã Hội An ra Cù Lao Chàm để kiểm tra tình hình triển khai xây dựng hố xí cho dân ở đây. Ông Nguyễn Sự lúc ấy còn làm chủ tịch thị xã, quần xăn móng lợn, bước thoăn thoắt, ông đến từng nhà, hỏi cặn kẽ về nguyện vọng cũng như những phản ứng của dân trước quyết định của thị xã Hội An đồng loạt triển khai xây dựng nhà vệ sinh trong từng gia đình.

Nhiều người già, mặt rầu rầu: “Hồi mô chừ quen ra biển “ị” cho … mát rồi, giờ bắt làm việc đó ở trong nhà xí, răng chịu nổi, ông chủ tịch? Với lại, tiền mô mà làm nhà xí, mỗi cái đến 2 triệu lận?”.

Ông Sự quả quyết: “Không quen rồi sẽ quen, cứ tập cho quen, còn tiền làm nhà xí thì thị xã cho không!”. Ba tháng sau, ông Sự và “đoàn liên ngành” lại ra Cù Lao Chàm, đến từng nhà kiểm tra. Gia đình nào cũng xây nhà xí nhưng là để … chứa củi! Lại kiên trì vận động, lại thuyết phục dân không nên ra bãi biển để xả bậy.

Cách 30 phút xuồng máy mà không gian giữa Cù Lao Chàm và phố cổ di sản ấy mới diệu vợi làm sao. Họ mãi mãi đứng bên lề di sản nếu như không có những cuộc bứt phá quyết liệt của chính quyền thành phố.

Làm nhà vệ sinh cho mỗi gia đình cũng chỉ là bước khởi đầu để biến Cù Lao Chàm trở thành điểm đến lý tưởng cho hàng trăm ngàn du khách mỗi năm khi họ đến với Hội An. Bây giờ thì câu chuyện vận động làm nhà vệ sinh ở Cù Lao Chàm ngày nào đã thành chuyện cổ tích.

Đến nói “không” với túi ni lông

Tôi trở lại Cù Lao Chàm với một tâm trạng nghi hoặc bởi nỗi ám ảnh về câu chuyện dùng nhà xí để chất củi từ 10 năm trước. Và tôi thật sự bất ngờ khi chứng kiến một Cù Lao Chàm “lột xác” hoàn toàn dù cảnh và người ở đây chẳng thay đổi là bao.

Chị Phạm Thị Mỹ Hương, chủ của một homestay nhớ lại: “Cách đây 3-4 năm, chả ai dám qua đêm với Cù Lao Chàm đâu. Chừ thì khác rồi, túi ni lông hết nổi lềnh bềnh nơi bến cảng rồi, san hô cũng bắt đầu hồi sinh rồi. Dĩ nhiên là du khách đã bắt đầu tấp nập đến với Cù Lao Chàm”.


< Tình nguyện viên hướng dẫn du khách sử dụng “túi sinh thái”.

Ông Nguyễn Sự kể lại câu chuyện về túi ni lông từ hơn 3 năm trước: “Nghe tin UNESCO có kế hoạch kiểm tra để công nhận Cù Lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới, một cảm giác bất an cứ lởn vởn trong đầu tôi. Không thể trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới mà túi ni lông và rác giăng khắp bãi biển như thế này được!

Tôi nêu ý kiến với một số ông lãnh đạo đầu ngành của Hội An và chính quyền xã Tân Hiệp “hay là ta dẹp quách túi ni lông ở Cù Lao Chàm?”, lập tức ai cùng “à” lên thật to và nhất trí ngay. Dĩ nhiên, để các ông ấy “à” lên và nhất trí như thế  thì mình cũng phải phân tích về tác hại của túi ni lông và đưa ra một số giải pháp chứ không nói lơi khơi được. Ý tưởng dẹp túi ni lông cứ thôi thúc chúng tôi phải làm cho bằng được”.


< Người dân Cù Lao Chàm được tặng giỏ nhựa và cam kết không sử dụng túi nilông.

Việc đầu tiên để dẹp túi ni lông ở Cù Lao Chàm là … họp dân. Dân bây giờ rất ngại họp hành. Ấy thế mà nghe họ bàn chuyện dẹp túi ni lông, nhà nào cũng có người đại diện, thậm chí có nhà đi hai người. “Không phải họ đến cuộc họp để giơ tay nhất trí hoàn toàn chủ trương dẹp túi đi lông đâu, họ đến để hỏi đấy”. Chủ tịch  xã Tân Hiệp Nguyễn Văn An, nhớ lại.

Vậy nên, trong cuộc họp, nhiều người hỏi ngang: “Rứa thì lấy chi mà đựng cá, đựng rau mỗi khi đi chợ đây?”. Những câu hỏi như thế đã được chính quyền Hội An tiên liệu. Và câu trả lời sẽ là: “Thưa các cô, các dì, có “nó” đây ạ!”. Miệng giải thích, tay trao ngay mỗi gia đình hai chiếc giỏ nhựa để đựng thức ăn khi đi chợ, trao ngay hai cặp lồng bằng nhựa và inox để đựng cháo, đựng chè.


< Giấy báo- một trong những vật dụng thay thế núi ni lông ở Cù Lao Chàm. 

Trong Hội An, một cuộc phát động rầm rộ do Đoàn TNCSHCM chủ xị, vận động toàn dân tặng báo cũ, may thành túi để gửi ra Cù Lao Chàm. Rồi lá chuối, lá bàng bị bỏ quên ngày nào giờ chợt thức dậy để góp phần vào việc xua đuổi túi ni lông. Rồi nhà máy xử lý rác thải cũng đã gấp rút xây dựng và đưa vào sử dụng tại Cù Lao Chàm, khiến cho rác và túi ni lông không có điều kiện làm “bẩn mắt” du khách nữa. Cấm cái nọ nhưng mở cho dân một lối thoát khác, đó là cách làm của một chính quyền “vì dân” vậy.

< Một cháu bé theo bố mẹ đi tắm biển buổi chiều ở đảo Cù Lao Chàm cũng giúp bố mẹ xách túi nilon tự huỷ (đựng quần áo).

Nghe tôi khen dân Cù Lao Chàm quá tự giác trong việc “dẹp loạn” túi ni lông, chị Trần Thị Thu bán chè đầu ngõ, nói: “Cái gì mà mang lại lợi ích cho dân thì họ tự giác thực hiện ngay chứ giỏi giang gì chú em. Trước đây, hàng ngày chị vẫn dùng túi ni lông để đựng chè, giờ bỏ nó, thấy cũng bất tiện, nhưng bù lại, mình bán được nhiều chè hơn do khách du lịch ra đây ngày càng đông hơn”.

Chả cần triết lý dông dài gì, hễ khách du lịch ra đảo nhiều thì bán được nhiều chè, bán được nhiều cá tươi và các loại hải sản khác. Cuộc sống của người dân sẽ được cải thiện hơn.



< Tất cả là vì một Cù Lao Chàm đảo xanh, biển xanh, sạch sẽ như thế này!

Túi ni lông vắng bóng trên Cù Lao Chàm, dải san hô quanh đảo đã hồi sinh trở lại, con cá con mực cũng tìm cách “trở về” với người dân sau bao năm chúng bị xua đuổi bởi nạn ô nhiễm môi trường. Hòn ngọc ấy đã bắt đầu phát sáng để có thể hút du khách về với mình ngày một nhiều hơn. Lần đầu tiên trong cả nước, một hòn đảo “quê mùa” đã dám nói lời vĩnh biệt với túi ni lông, chuyện có thật mà ngỡ như trong cổ tích. Mà đâu chỉ dừng lại ở Cù Lao Chàm, cả Hội An cũng bắt đầu tập nói “không” với túi ni lông kia đấy!

Hiện tại, TP.Hội An đang triển khai thí điểm mô hình nói không với túi nilon ở 2 phường. Đây là một trong những bước khởi đầu trong đề án liên kết. Hi vọng rằng, với sự quan tâm của các tổ chức, hệ thống chính quyền, sẽ dần có nhiều môi trường trong sạch hơn, không chỉ là vùng biển đảo mà ngay cả trên bờ.

Du lịch, GO! - Theo Báo Quảng Ngãi, Laodong, internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét