Huyện miền núi An Lão thuộc tỉnh Bình Định là một điểm đến thú vị rất đáng để khám phá và chiêm ngưỡng.
.
Từ trung tâm huyện Hoài Nhơn, thẳng hướng Xuân Phong (xã An Hòa, H.An Lão) khoảng 20 km, sau đó rẽ và đi thêm chừng 5 km nữa là đến con đường dẫn lên xã An Toàn.
Dừng lại ở cột mốc cây số 10, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm một chuyến dã ngoại đầy thú vị. Từ đường chính, du khách đi bộ xuống suối. Các tảng đá xếp chồng lên nhau, theo thời gian và dòng nước chảy qua tạo nên những hình thù lạ mắt. Ở đoạn này, các lớp đá gắn kết với nhau như những bậc thang khổng lồ, dòng nước cứ thế chảy xuống tạo những thác nhỏ hiền hòa.
Những thân cây to đổ nghiêng bên hai bờ suối rợp bóng mát để du khách dựng lều, đốt lửa nướng thức ăn… Nghỉ ngơi xong, không còn gì thích hơn khi được ngâm mình dưới những thác nước nhỏ, bơi bì bõm trong hồ nước vừa đủ độ sâu và mát lạnh. Nếu muốn chinh phục thác nguồn, du khách có thể leo đèo thêm 2 km nữa. Ở đó có thác nước cao hơn, hồ sâu hơn và một tầm nhìn mênh mông hơn.
Ở đây, nếu tinh mắt bạn có thể phát hiện đâu đấy một vài chú chồn, sóc lấp ló ở lùm cây. Đôi khi bắt gặp ở hai bên bờ suối rải rác vẫn còn in dấu chân của nhiều con thú lớn...
Ngoài vẻ đẹp hoang sơ, những con suối này sẽ rất dũng mãnh trong mùa mưa với những thác nước gập ghềnh tung mình trắng xoá mà từ xa đã nghe vọng lại âm vang tiếng nước đổ. Cũng chính nơi này cũng là nơi sinh sống vẫy vùng của loài cá niên. Cá niên chỉ sống ở sông suối miền núi, nơi có nhiều thác. Đây là loài cá của núi rừng, mình trắng đẹp, không lớn lắm, to thì nhỉnh hơn 2 ngón tay nhưng rất khoẻ, suốt ngày cứ lao mình vun vút lội ngược dòng suối như muốn thử sức cung với tốc độ của dòng chảy. Khúc sông, suối nào lắm thác thì nơi ấy cá càng nhiều. Cuộc sống cá niên hóa ra vừa dũng mãnh mà cũng rất thanh tao: chỉ vẫy vùng nơi nước chảy xiết thanh veo, tinh khiết, thức ăn duy nhất là rêu đá dưới chân thác.
Những ngày đẹp trời, các cô cậu bé người dân tộc Hrê thường hay rủ nhau lội suối bắt cá. Những cậu bé thì vùng vẫy dưới dòng nước mát lạnh, hò reo dồn đuổi cá vào lưới và tóm những chú cá xấu số quăng vào bờ. Trên này, các cô bé có nhiệm vụ tìm củi nhóm lửa, gom cá và dùng que nan đã chuẩn bị sẵn một đầu xiên qua miệng cá tới khoảng giữa thân mình, đầu kia làm tay cầm. Phương pháp "nướng sơ" này có tác dụng như ướp lạnh nhưng cũng có tác dụng giữ được trong thời gian lâu mà không mất mùi vị của cá. "Chiến lợi phẩm" được mang về hoặc được chị, mẹ cất vào gùi để sáng sớm mang xuống chợ đổi bán.
Chợ ở đây cũng lạ lùng: trời chưa sáng, mới tờ mờ sương chợ đã họp và chỉ khoảng 7 - 8 giờ sáng thì chợ đã tan. Vì vậy, nếu là khách, bạn đừng ngạc nhiên sáng chưa thức dậy thì người nhà đã đi xong buổi chợ rồi.
Tại Bình Định, con đường lên xã An Toàn nổi tiếng từ lâu, không chỉ bởi cảnh đẹp mà còn bởi con đường đất nhỏ, xuyên rừng, ngoằn ngoèo, đặc biệt là độ dốc của nó. Chiều đi chỉ lên chứ không có xuống.
Rất nhiều du khách đã phải thốt lên “ôi, sao dốc đứng thế” khi trải nghiệm đoạn đèo này. Nếu không muốn đi bộ, du khách nên tìm cho mình một xe gắn máy đủ mạnh để leo đèo, hoặc một chiếc ô tô chuyên dụng leo núi. Dĩ nhiên đồng hành phải là một tay lái “cứng cựa”.
Những con đường mòn trên đỉnh đồi, hàng cau xanh mướt mát bên mạn sườn, lác đác sắc hoa rừng, văng vẳng bên tai là âm thanh ríu rít của các chú chim non, tiếng róc rách pha lẫn tiếng thác đổ… Bức tranh thiên nhiên hoang dã lung linh và mềm mại khiến người ta có cảm giác thanh thoát đến kỳ lạ.
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Thanhnien, Báo Bình Định, internet
Phiên chợ về miền núi năm 2012 sẽ được tổ chức tại các huyện An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh. Cụ thể thời gian như sau:
- Huyện An Lão: thời gian từ ngày 29/5 đến 02 tháng 6 năm 2012.
- Huyện Vân Canh: thời gian từ ngày 15 đến 19 tháng 6 năm 2012.
- Huyện Vĩnh Thạnh: thời gian từ ngày 23 đến 27 tháng 6 năm 2012.
Sản phẩm, hàng hóa tham gia phiên chợ bao gồm các ngành hàng Lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, đồ gia dụng, văn phòng phẩm, giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật….do các doanh nghiệp trong nước sản xuất chế biến, lắp ráp. Đây là những Phiên chợ nhằm phục vụ cho đồng bào miền núi, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được hàng Việt có thương hiệu, chất lượng; qua đó vận động người dân tham quan và mua sắm sản phẩm hàng hóa với giá cả hợp lý, chất lượng tốt.
Phiên chợ do Trung tâm Xúc tiến thương mại Bình Định phối hợp với Phòng kinh tế hạ tầng 03 huyện miền núi và cùng với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức thực hiện 03 Phiên chợ hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét