Người Nùng ở thôn Cao Tuyên, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là những người di cư từ tỉnh Cao Bằng về theo chính sách của Nhà nước từ năm 1977.
Sinh sống trên miền đất mới gần 40 năm, người Nùng ở đây vẫn giữ được những nét văn hóa rất riêng của mình. Họ vẫn mặc trang phục truyền thống, nói tiếng của dân tộc mình, hát những làn điệu Sli, điệu lượn, điệu ví đằm thắm trong những dịp lễ, tết…
Cụ Lục Văn Chính, gần 90 tuổi nhớ lại: "Trước đây, chúng tôi sống tại thôn Pô Tán, xã Nũng Nặm, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ở quê cũ, chúng tôi sống trên núi đá, không có đất canh tác, cuộc sống vô cùng khó khăn, người dân chủ yếu kiếm sống qua ngày bằng việc săn bắt thú rừng, đào măng, đào củ mài.
Trước cuộc sống khó khăn của đồng bào, năm 1977, Nhà nước có chủ trương đưa 26 hộ gia đình người Nùng di cư về đây để xây dựng cuộc sống mới."
< Dạy hát Sli giang.
Có thể nói, nét nổi bật nhất trong văn hóa của người Nùng nơi đây là những làn điệu Sli mượt mà làm mê đắm lòng người. Ông Lương Văn Vinh, người được bầu là có uy tín và cũng là người hát Sli hay nhất thôn Cao Tuyên nói: "Hiện nay, thôn còn khoảng 20 người biết hát, chúng tôi thường đi biểu diễn giao lưu với các tỉnh bạn như Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên… và hát trong các cuộc Liên hoan tiếng hát các dân tộc toàn tỉnh. Tuy thôn chưa thành lập câu lạc bộ văn nghệ truyền thống nhưng mọi người vẫn có ý thức truyền đạt lại những điệu hát Sli cho con cháu."
Ông Vinh cho biết thêm cùng gọi là Sli nhưng Sli của các nhánh dân tộc Nùng có sự khác nhau. Chẳng hạn, với nhóm người Nùng Giang có Sli Giang; Nùng Cháo có Sli Sình Làng, Cổ Lẩu; Nùng Phản Slình có Sli Phản Slình... Mỗi làn điệu lại có cách thể hiện thế giới tâm hồn riêng thông qua những câu Sli. Nhưng, tất cả đều giống nhau ở cách biểu diễn là hát xướng.
Nội dung của hát Sli phong phú và hấp dẫn, mang đậm dấu ấn văn hóa của đồng bào Nùng. Đồng bào Nùng thường hát Sli khi dịp Tết đến xuân về, khi có đám cưới, lễ hội... Khi điệu Sli vang lên trầm bổng là đồng bào đang đắm mình trong tiếng lòng của chính mình.
Ông Vinh kể: “Từ khi còn nhỏ, tôi thường được nghe các anh chị, các cô, các bác ở trong thôn hát Sli Giang. Đặc biệt là những ngày đầu xuân năm mới, hoặc những đêm trăng sáng, nhiều đôi nam thanh nữ tú thường chia làm 2 nhóm ngồi hát đối đáp với nhau, qua những cuộc hát như thế có nhiều đôi đã nên vợ, nên chồng. Để hát Sli hay, ngoài chất giọng tốt, phải tập trung, phải biết luyến láy và có sự cảm thụ, cách thể hiện làm sao để lời hát dễ đi vào lòng người”.
Trong lời hát của điệu Sli Giang luôn có sự liên tưởng, ví von, thông qua những hình ảnh cụ thể để nói lên tâm tình con người. Dù lời hát nói về thiên nhiên, cây cỏ… thì cuối cùng vẫn là để nói về tình cảm, tâm trạng và ước vọng của con người. Khi hát Sli không cần nhạc cụ hay điệu múa đi kèm.
Người hát có thể hát bất cứ lúc nào, chỗ nào, miễn là có đối tượng để hát đối, hát cùng hoặc là đối tượng được hướng đến trong bài hát. Ví dụ nếu hát về mùa Xuân thì có bài Chào mùa Xuân: Mùa Xuân đến ngày nào cũng tốt/ Già trẻ gái trai ai cũng muốn được đi chơi. Trong lao động sản xuất, người Nùng thường hát những điệu Sli có nội dung cổ vũ, động viên hăng say lao động, sản xuất hoặc nhắc nhở mọi người nên chăm chỉ lao động, bằng những câu thơ nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa nhiều hàm ý: Ngày ngày đi chơi chỗ này, chỗ khác/Không nhớ việc nhà để cây đỗ tương ra hoa mà không vun được.
< Có nhiều làn điệu Sli của các nhánh dân tộc Nùng.
Trưởng thôn Hoàng Văn Pảo cho hay hiện nay do sống chung với các dân tộc anh em, người Nùng ở thôn Cao Tuyên tiếp nhận thêm những văn hóa của các dân tộc khác nên các nét văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng ở Cao Tuyên đã có phần mai một. Từ thực tế trên, vài năm gần đây chúng tôi khuyến khích thế hệ trẻ học các làn điệu Sli và mong muốn chúng không quên văn hóa gốc của dân tộc mình.
Ông Nguyễn Xuân Sửu, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sơn Dương cho biết trong những năm qua, để gìn giữ và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa của các dân tộc, huyện Sơn Dương đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và đã thành lập các Câu lạc bộ nghệ thuật trên địa bàn như Câu lạc bộ hát Soọng cô xã Ninh Lai; Câu lạc bộ hát Soọng cô xã Sơn Nam, Câu lạc bộ hát Then ở xã Tân Trào...
Để gìn giữ điệu Sli của dân tộc Nùng Giang ở thôn Cao Tuyên, ngoài việc khuyến khích những người biết hát truyền dạy cho thế hệ trẻ, chúng tôi còn đẩy mạnh tuyên truyền, bồi dưỡng niềm say mê, yêu thích, tự hào cho những thế hệ sau đối với những làn điệu dân ca, dân vũ nói chung và điệu Sli Giang của dân tộc Nùng nói riêng. Qua đó góp phần bảo tồn bền vững những nét văn hóa truyền thống. Đây cũng chính là điểm nhấn, thu hút khách du lịch về với quê hương cách mạng.
Du lịch, GO! - Theo TTXVN, internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét