Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Chinh phục cực Đông

Qua nhiều khó khăn, những cảm xúc sợ hãi khi nhảy ghềnh lúc mờ sáng, cảm giác náo nức nhanh chóng ra điểm cực để đón bình minh rồi cuối cùng bạn cũng được bù đắp bằng cảm giác hạnh phúc vô cùng khi được đứng tại điểm cực Đông của Tổ Quốc.

< Đường vào Đầm Môn, hai bên là cát trắng.

Cực Đông của Tổ quốc phần lục địa nằm ở Mũi Đôi , bán đảo Hòn Gốm, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

< Đường treck băng qua nhiều cồn cát.

Để đến được điểm cực không đơn giản. Điểm đầu tiên dừng chân trước khi ra cực là Đầm Môn – Vạn Thạnh dưới chân đèo Cổ Mã, khu vực này nhiều nơi vẫn còn chìm trong cát và khu dân cư rất thưa thớt.

Từ Đầm Môn đến điểm cực có hai lựa chọn: một là thuê tàu đi đường biển, hai là đi bộ theo đường đến điểm cực.

< …và dưới cái nắng gay gắt nên đòi hỏi người treck phải có sức khỏe dẻo dai.

Nếu đi bằng tàu thì bạn sẽ chỉ được ngắm cực Đông từ xa vì tàu thường không thể vào sát bờ và sẽ khó đón được bình minh cực Đông. Vì vậy, dân du lịch bụi ưa khám phá thường đi treck (đi bộ) là lựa chọn số một. Đi treck đường bộ ngoài việc bạn được tận mắt ngắm bình minh, "tận chân" đứng ở vị trí điểm cực, bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị mà việc đi tàu không thể có được.

< Phong cảnh và trải nghiệm tuyệt vời dọc đường.

Tuy nhiên, việc đi treck lại đòi hỏi những người tham gia cần chuẩn bị cho mình một sức khỏe thật tốt và dẻo dai, tinh thần đồng đội tương trợ trong suốt cuộc hành trình.

< Chú Ba - người dẫn đường của nhóm chúng tôi.

Về thời gian: nếu đi cực Tây bạn chỉ cần treck trong ngày cả đi và về, nhưng muốn treck cực Đông thì bạn phải xác định thời gian là hai ngày cho cuộc hành trình. Có một số nhóm du lịch tự tìm đường đi bộ ra điểm cực nhưng khả năng thành công không nhiều, dễ bị lạc đường, tốn công sức và mất thời gian, thậm chí phải quay về nửa đường hoặc gọi thuyền cứu hộ, nên lời khuyên dành cho những bạn dự định chinh phục cực Đông là hãy thuê người dẫn đường.

< Hành trang cần có mũ và áo khoác chống nắng.

Chi phí cho người dẫn đường không tốn kém nhiều, các bạn sẽ được chỉ dẫn những kinh nghiệm đi treck cực Đông, đi đúng đường. Hành trang cho chuyến đi cần đơn giản. Ba lô ngoài thuốc cá nhân cần có nước uống và đồ ăn nhẹ. Nước uống là vấn đề quan trọng nhất, mỗi người phải tự chuẩn bị cho mình nước uống trong hai ngày đi treck vì sẽ không có nguồn nước ngọt trong suốt chặng đường đi và về.

< Nơi dựng trại của chú Ba nhìn từ trên xuống.

Cần chuẩn bị cho bữa ăn tối, ăn sáng ở điểm cực, bữa ăn trưa hai ngày bạn sẽ ăn ở trại dừng chân dọc đường - có thể là nhà của người dẫn đường (chúng tôi dừng chân ở nhà chú Ba, người dẫn đường). Cần chuẩn bị lều bạt, túi ngủ để có thể ngủ đêm ngoài bãi biển, quần áo cần gọn thoáng. Nên chuẩn bị một chiếc mũ tai bèo, áo khoác chống nắng nóng thấm hút mồ hôi, găng tay và có thể một cây gậy đi đường.

< Nhóm treck chụp hình lưu niệm với vợ chồng chú Ba tại trại.

Trại dừng chân ăn trưa của chúng tôi là một gian nhà nhỏ tự dựng tường tôn, mái lợp tôn nằm sát biển. Từ Đầm Môn ra trại của chú Ba chủ yếu là đường đồi cát đi rất mệt và mất sức, ra đến đây là bạn đã chinh phục được nửa chặng đường.

< Treck xuyên rừng.

Ở lán chú Ba không có điện, sóng điện thoại cực yếu, nói chuyện với chú Ba trong bữa cơm trưa mới biết cuộc sống ở đây khó khăn vô cùng, nhà chú trong làng nhưng hai vợ chồng chú dựng lán ở ngoài này đã mấy chục năm để sinh sống bằng nghề chài lưới, đặt bẫy thú nhỏ. Nghề dẫn đường chú mới làm cách đây vài năm cũng là do cơ duyên đem lại. Chú Ba là người thông thạo cực Đông nhất vùng, bây giờ thì vợ con chú đều có thể thay chú dẫn đường cho du khách khi cần.

< Đường ra cực.

Sau bữa trưa, bạn thường không thể xuất phát ngay vì trời rất nắng nên trong khoảng thời gian chờ đợi bạn có thể đi dạo quanh khám phá, tắm biển và chụp ảnh hoặc nằm nghỉ dưới tán cây râm mát. Đoạn đường từ trại chú Ba trở đi là đường đồi, núi xuyên rừng, lên dốc rồi lại xuống dốc, đôi chỗ là triền cát thoai thoải.

< Cực Đông kia rồi!

Nhìn thấy cực Đông nhưng bạn chưa thể đến ngay điểm cực được mà bắt buộc phải dừng chân nghỉ đêm tại bãi cát ven biển cách cực vài km.

Từ chỗ nghỉ đêm cần phải đi một đoạn ngắn nữa mới ra điểm cực, vì vậy muốn đón bình minh bạn sẽ phải dậy từ 4g sáng để đi và... nhảy ghềnh đá.

< Nhảy ghềnh.

Lúc đầu chúng tôi hoàn toàn mù mờ về khái niệm “nhảy ghềnh” mà chú Ba đưa ra, đến khi đi mới hiểu, đó là đoạn bãi đá gần điểm cực, những tảng đá to do tạo hóa xếp đặt không dễ dàng đi qua, bạn sẽ phải nhảy từ hòn đá này sang các hòn đá khác vì không thể đi bình thường được, đó chính là “nhảy ghềnh”.

< Mặt trời như quả cầu đỏ ối  lúc bình minh.

Nhảy ghềnh đá đơn giản với nam giới, nhưng với các bạn nữ thì không dễ dàng, đôi khi phải lăn lê, bò trườn qua những tảng đá lớn, cũng là trải nghiệm thú vị, và bạn có may mắn là sự trợ giúp của những người bạn đồng hành.

Qua nhiều khó khăn, những cảm xúc sợ hãi khi nhảy ghềnh lúc mờ sáng, cảm giác náo nức nhanh chóng ra điểm cực để đón bình minh rồi cuối cùng bạn cũng được bù đắp bằng cảm giác hạnh phúc vô cùng khi được đứng tại điểm cực Đông của Tổ Quốc. Và khi mặt trời ló rạng như quả cầu đỏ ối nhô lên từ mặt biển bạn sẽ có cảm giác vui sướng khó tả, một vẻ đẹp bình minh mà không nơi nào có thể so sánh được.

Du lịch, GO! - Theo Hồng Loan (báo Phụ Nữ)

Dulichgo: Hiện nay, 'dẫn đường' ra Mũi Đôi còn có nhiều người khác ngoài chú Ba, giá có thể rẻ hơn do... cạnh tranh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét