Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Tâm sự của phạm nhân có ba bằng đại học



Tam su cua pham nhan co ba bang dai hoc
Đang có một gia đình hạnh phúc cùng công việc ổn định và với tương lai xán lạn, chỉ vì hám lợi mà anh vào tù. Những năm tháng trong trại giam, anh luôn nhớ về vợ, con để lấy đó làm mục đích hướng thiện, sớm về với cuộc sống tự do.


Gương mặt tươi, tay đeo băng đỏ đội trưởng đội tự quản, anh Vũ Xuân Đông cởi mở tiếp chuyện cùng phóng viên. Năm nay đã 39 tuổi và phải nhiều năm thụ án tại trại giam Vĩnh Quang, Vĩnh Phúc, phân trại K2 nhưng anh Đông vẫn trẻ hơn tuổi. Anh bảo, đó là vì bản thân luôn giữ được tinh thần lạc quan, lao động hăng say và có động lực lớn giúp sức từ vợ và con.
Anh Đông quê ở huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 18 tuổi, anh đỗ Đại học Giao thông Vận tải nhưng dạo đó nhà nghèo, anh không theo học được. Anh bỏ nhập học, đăng ký đi bộ đội. Đông được điều động vào đơn vị bộ đội biên phòng chuyên chống bạo loạn ở tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ. Vào quân đội được một năm anh được cử đi học sĩ quan và tốt nghiệp với quân hàm thiếu úy.
Anh được phân công là trung đội trưởng trinh sát của một đơn vị. Sau 2 năm, anh quyết định xuất ngũ và về Hà Nội để đi học. Vốn kiến thức cũ cùng với sự nỗ lực của bản thân, anh thi đỗ hai trường kinh tế quốc dân và giao thông vận tải.
Anh học hai trường cùng lúc và tốt nghiệp với hai tấm bằng đại học loại khá. Sau đó, anh tiếp tục học thêm tại ĐH Luật. Từ hai bàn tay trắng, anh gây dựng cho mình một cuộc sống gia đình ổn định. Mới ra trường, anh làm kế toán ở công ty cổ phần Phương Đông, chuyên quản lý tổ chức nhà hàng, khách sạn.
Một thời gian sau, anh làm trưởng phòng kinh doanh cho một tập đoàn của Đài Loan chuyên đầu tư về bất động sản. Khoảng đầu năm 2002, Đông vào làm kế toán cho công ty cổ phần Viglacera. Chỉ trong thời gian ngắn, Đông đã biển thủ số tiền hơn 800 triệu đồng. Đông bị đưa ra trước vành móng ngựa và phải nhận 11 năm tù cho hành vi phạm tội.
Nhắc lại quá khứ của mình, anh không giấu diếm. Trong đôi mắt người đàn ông từng phạm sai lầm ánh lên niềm vui khi nhắc đến vợ và con. Anh bảo, thương vợ, con chỉ biết lao động, cải tạo thật tốt để sớm trở về với họ.
Vợ anh là một phụ nữ có tính cách mạnh. Chị con nhà võ, có bố là cựu sĩ quan đặc công. Sau khi nghỉ hưu, ông lập trung tâm huấn luyện karate trên phố Thái Hà. Chị vợ cũng học được nghề của bố nên cùng tham gia vào việc dạy võ tại trung tâm mỗi chiều tối.
Hai người gặp nhau cũng tình cờ do “duyên trời định sẵn”. Cả hai sống hạnh phúc với cậu con trai và bé gái thứ hai sắp chào đời. “Ngày tôi vào trại, đứa lớn mới 5 tuổi, đứa thứ hai vợ tôi mới mang thai ở tháng thứ 6. Vậy mà thấm thoắt đã gần chục năm”, anh nhìn xa xăm chia sẻ. Anh bảo, ngày ra tòa, anh nhớ như in ánh mắt trĩu nặng của người vợ. Chị không trách anh mà nói nhiều điều động viên chồng gắng cải tạo tốt.
Từ ngày vào trại, chị phải một mình bươn chải nuôi các con. Ngoài việc dạy võ, chị làm thêm nghề buôn bán quần áo. Mỗi lần lên thăm chồng, hai người chỉ biết ôm nhau khóc ròng.
Trong dịp đặc xá năm nay, anh không có trong danh sách đề nghị vì số tiền 286 triệu đồng chưa trả cho bên bị hại. Giọng ngậm ngùi, anh bảo “buồn lắm” nhưng không muốn gánh nặng tiền nong đè thêm lên vai vợ. Anh chỉ cố gắng lao động, cải tạo tốt hơn nữa để được tha tù sớm trước thời hạn. 
Lúc chia tay, anh nhắn gửi tới vợ bằng những lời yêu thương: “Trong mất mát, đắng cay, còn lại một tình yêu của anh dành cho em. Có em, anh mới có đủ ý chí và nghị lực để làm lại cuộc đời…”. Anh bảo tương lai vẫn còn phía trước với một người trót lầm lạc. Cuộc đời vẫn cho người ta cơ hội làm lại từ đầu, anh tin vào điều đó vì có vợ, con ở bên cạnh.
Việt Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét