Đất Bình Định có nhiều tháp, cụm tháp Chàm nằm rải rác ở 8 địa điểm thuộc các huyện phía nam tỉnh, như cụm tháp Dương Long (3 tháp) ở huyện Tây Sơn; tháp Bánh Ít (4 tháp) ở Phước Lộc, Tuy Phước; tháp Cánh Tiên ở Nhơn Hậu, An Nhơn và một số tháp ở Phù Cát. Riêng Quy Nhơn có tháp Đôi (2 tháp) ở gần đường Trần Hưng Đạo, cửa ngõ vào thành phố.
Tháp Đôi Quy Nhơn tọa lạc tại làng Hưng Thạnh xưa, bây giờ thuộc phường Đống Đa, cách trung tâm thành phố chừng 3 km về phía tây bắc. Gần tháp Đôi là cầu Đôi trên quốc lộ 19, bắc trên nhánh sông từ hồ đèo Son chảy ra đầm Thị Nại.
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Hưng Thạnh cổ tháp ở thôn Hưng Thạnh, huyện Tuy Phước có hai tháp tục gọi là Tháp Đôi”. Dân gian có câu: Ai về Tuy Phước ăn nem/ Ghé qua Hưng Thạnh để xem tháp Chàm.
Lại có câu thơ khác rằng:
Cầu Đôi liền với Tháp Đôi
Quanh năm quấn quýt như tôi với nàng.
Tháp Đôi cũng như các tháp Chàm khác ở Bình Định, là một di tích văn hóa nghệ thuật mang màu sắc tôn giáo của người Chăm xa xưa. Các tháp có niên đại từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII. Tháp cấu trúc khá độc đáo, đặc biệt là kỹ thuật mài dũa, lắp ghép các tảng đá chồng khít lên nhau rất vững chắc.
Cả hai ngôi tháp đều không phải là tháp vuông nhiều tầng truyền thống của Chăm-pa, mà là cấu trúc thành hai phần chính: Khối thân vuông vức và phần chóp đỉnh hình tháp mặt cong. Vì vậy, thoạt nhìn vào ngôi tháp này ta có liên tưởng như có dáng của đền thờ của người Khơ-me thời kỳ Ăng-co thế kỷ XII. Nhận định này các nhà nghiên cứu căn cứ vào hình tượng chim thần Ga-ru-đa được bố trí ở các góc tháp với hai tay giơ cao, chân chùng xuống đỡ cả phần trên của tháp lên cao.
Trong hai ngôi tháp, ngôi tháp Bắc cao lớn hơn và ít bị xuống cấp hơn ngôi tháp phía Nam, theo như nguyên lý thì phần chân tường được tạo vòng đai bằng các khối đá lớn đỡ toàn bộ ngôi tháp, giữa các cánh sen là những hình voi, sư tử và những hình người múa.
Trong khi đó toàn bộ phần thân (phần dưới) của hai ngôi tháp này vẫn giữ nguyên hình dáng, cấu trúc, kiểu trang trí đặc trưng của tháp cổ Chăm-pa truyền thống. Khối thân hình vuông, mặt tường bên ngoài được bố trí những cửa giả, các cột ốp chạy dọc thân. Vòm trên các cửa giả ở cả ba mặt tạo hình mũi lao cao vút, các cột ốp trơn nhẵn, giữa hai cột ốp là đường nhô cao thành những đường khối chắc, khỏe và được viền quanh bởi một đường vào trong mặt tường, không còn dải hoa văn trang trí trên mặt ngoài của tường tháp.
Quanh tường phía ngoài, các góc và trên nóc tháp có nhiều bức phù điêu chạm khắc các hình tượng thần, chim, thú thần theo tín ngưỡng của người Chăm rất sinh động. Tháp Đôi một lớn một nhỏ đứng gần kề nhau như cặp vợ chồng quấn quít. Tất cả những yếu tố trên là đặc trưng tiêu biểu của tháp Chăm thuộc phong cách Bình Định. Vì thế niên đại của tháp Đôi được các nhà nghiên cứu xác định vào cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII.
Thời gian và chiến tranh khiến tháp bị tàn phá khá nặng nề. Được sự giúp đỡ của các chuyên gia Ba Lan và các chuyên gia khảo cổ trong nước, tháp Đôi đã được Nhà nước đầu tư hàng tỉ đồng để trùng tu, tôn tạo. Từ 1991-1997, các cán bộ khoa học và những người thợ khéo ở Quy Nhơn đã miệt mài đục đẽo, tạo tạc với kỹ thuật mài gạch, lắp ghép khá thành công, trả lại gần như dáng vẻ ban đầu của tháp.
Tháp Đôi Quy Nhơn không chỉ là nơi để các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Đông Nam Á, văn hóa Chăm tiếp tục công việc mà còn là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn ở Bình Định.
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Pháp Luật Xã Hội, báo Bình Định
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét