Có hay không sự trừng phạt của một đấng tối cao lên những kẻ xâm phạm thánh địa?
Ngày 4/11 hàng năm được coi là ngày kỷ niệm của một trong những phát hiện vĩ đại trong giới khảo cổ thế giới khi tìm ra ngôi mộ kỳ bí của vua Tutakhamun – vị Pharaoh trẻ tuổi nhất lịch sử Ai Cập.
Nhân ngày đặc biệt này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu chiến tích lớn lao của Howard Carter – người khai quật ra ngôi mộ cùng lời nguyền đáng sợ xung quanh nó.
Từ những ngày đầu khó khăn
Howard Carter (1874 -1939) được sinh ra tại London, Anh. Từ khi 17 tuổi, ông đã bắt đầu công việc khai quật và ghi chép các ngôi mộ. Ngay cả lúc đó còn trẻ, ông rất sáng tạo trong việc cải thiện các phương pháp sao chép họa tiết trong các ngôi mộ.
Dần dần, ông được bổ nhiệm làm chánh thanh tra cổ vật Ai Cập năm 1899. Không hiểu sao Carter luôn tin, ông sẽ tìm ra được ngôi mộ của vua Tutakhamun (vua Tut) mà theo ông đoán, nó nằm trong thung lũng nghĩa trang của các vua cổ Ai Cập.
Ông đã thiết lập dự án đào xới, tìm tòi nhưng chi phí về dự án này rất lớn mà ông lại không có tiền nên đành chịu.
Sau ba năm khó khăn, Carter gặp được một nhà quý tộc người Anh rất giàu có tên là Lord Carnaron. Ông này bằng lòng bỏ tiền tài trợ công việc của Carter trong thung lũng các vị vua từ năm 1914. Nhưng nó đã bị gián đoạn bởi Chiến tranh thế giới thứ I đến năm 1917.
Trong 8 năm trời, Carter thuê người đào xới lung tung, tiêu không biết bao nhiêu tiền mà chưa hề thấy lóe ra được một chút hy vọng nào về kho tàng. Quá nản lòng nên đến đầu năm 1922, Carnarvon dự định sẽ cố gắng thêm một năm nữa, nếu không tìm được thì đành bỏ cuộc.
… đến phát hiện vĩ đại
Với nỗ lực tuyệt vời, ngày 04/11/1922, nhóm khai quật của Carter tìm thấy các bước đầu tiên dẫn đến ngôi mộ của Tut. Đào lần xuống hết 16 bậc thì một cánh cửa bằng đá hiện ra với tên vua Tutankhamun khắc trên mặt.
Carter mừng hét lớn vì phát hiện ra, chưa một tên ăn trộm nào đào xới được tới đây. Vào ngày 26/11/1922, cùng với nhà tài trợ Carnarvon, ông xâm nhập tới tận cùng của lăng mộ.
Do bầu không khí nóng bức, bụi mù mịt nên ngọn nến của Carter lúc nào cũng phập phù như muốn tắt, nhà khảo cổ học chỉ lờ mờ cảm nhận được đôi chút ánh sáng phát ra từ căn phòng.
Sau đó, mọi thứ dần rõ nét hơn: những bức tượng, những khối vàng lớn, những con thú được tạc tượng có hình dáng kỳ lạ. Nổi bật hơn tất cả là ánh vàng lấp lánh. Howard Carter sung sướng kể lại:“Có cảm tưởng rằng tôi đã lọt vào cái hang kỳ bí trong chuyện Aladdin và cây đèn thần”.
Vụ khám phá này đã làm chấn động thế giới. Nhiều người trước đây chưa bao giờ từng nghe thấy tên vua Tutankhamun cũng bị mê hoặc bởi kho tàng của ông.
Trong thập niên 1970, chỉ một số nhỏ trong kho tàng của vua Tut được đem trưng bày lưu động tại các viện bảo tàng. Dân chúng đổ xô đi xem, chịu đứng xếp hàng hàng giờ chỉ để vào xem bảo vật của vua Tut.
Và một lời nguyền kỳ bí
Khai quật được ngôi mộ nhưng một lời nguyền về chết chóc đã ứng nghiệm ngay sau đó. Đầu tiên là con chim hoàng yến mà ông Carter rất yêu quý bị rắn hổ mang ăn thịt. Người ta nói, rắn hổ mang là biểu tượng của người canh giữ lăng mộ Pharaoh.
Nạn nhân tiếp đến chính là nhà quý tộc Carnarvon. Ông bị chết vì một vết muỗi cắn lây truyền bệnh. Đây mới chỉ là sự khởi đầu, rất nhiều người đã chết sau cuộc đào mộ thành công đó.
Hai ngày sau khi Carnavon qua đời, xác ướp Tutankhamun được kiểm tra và người ta phát hiện một vết đỏ ở vị trí tương tự vết muỗi cắn của Carnavon trên khuôn mặt vị vua trẻ.
Đúng lúc Lord Carnarvon trút hơi thở cuối cùng thì cả Cairo xảy ra vụ kỳ lạ xưa nay chưa hề có. Tất cả điện tại thủ đô tắt hết, nhấn chìm toàn thành phố trong bóng đêm mịt mù. Người ta điều tra tìm nguyên nhân mà không biết tại sao. Cùng thời gian đó tại London, con chó mà Lord Carnarvon thương mến tự nhiên hú lên rồi quay vòng ít cái và tắt thở.
Một thời gian ngắn sau đó, nhà khảo cổ Arthur Mace trong nhóm nghiên cứu cũng qua đời vì hôn mê sâu không rõ nguyên nhân. George Gould – bạn của Carnavon nhìn vào ngôi mộ và ngay hôm sau, ông lên cơn sốt cao rồi qua đời. Bác sĩ của George cũng chết không lâu sau đó.
Dù nhiều nhà khoa học cho rằng, chuỗi cái chết theo sau sự kiện mở hầm mộ là do những người tham gia đã nhiễm một loại vi khuẩn lâu năm trong môi trường ẩm ướt của hầm mộ này; những bí ẩn của một nền văn minh cổ đại vẫn nguyên vẹn là một điều khiến chúng ta và các thế hệ sau này phải trăn trở suy ngẫm: Có hay không sự trừng phạt của một đấng tối cao lên những kẻ xâm phạm thánh địa?
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: The Guardian, National Gallery, Ancient Egypt, BBC, Wikipedia…
theo kenh14
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét