Suốt 22 năm, tôi chỉ ước như thế. Bởi tôi biết, mẹ chỉ đồng ý mua thịt nạc ăn khi gia đình hết nợ và chúng tôi thật sự trưởng thành.
"Bất cần và tham vọng" là tôi trong mắt bạn bè. Họ vẫn thường nói thế khi có ai đó hỏi về tôi. Nhưng không ai biết tôi nồng ấm và luôn ấp ủ chỉ một ước mơ mà thôi - ước mơ đến một ngày, mẹ tôi có thịt nạc ăn trong mỗi bữa cơm.
Từ thuở bé cho đến tận bây giờ, sự nghèo đói cứ đeo bám gia đình tôi một cách dai dẳng. Mẹ thường cười buồn và thủ thỉ vào tai tôi "không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời đâu con". Đời tôi đã là thứ ba, sau bố mẹ và ông bà.
Mẹ sinh tôi vào một ngày mưa gió trong mái nhà tranh xiêu vẹo. Không có xe đạp, bố đi bộ ra gọi ngoại và nội vào đỡ đẻ và cắt rốn cho tôi. Mẹ bảo chính vì không được ủ ấm ngay lúc chào đời nên tôi bị nhiễm lạnh, cổ họng cứ khò khè. Mỗi lần tắm là một lần mẹ lo thắt ruột, vì tôi sẽ ốm.
Năm tôi 2 tuổi, mẹ bệnh nặng ngỡ không sống nổi. Mẹ sợ phải bỏ lại mấy đứa con khi còn quá nhỏ. Tôi bé nhất, chẳng biết gì cả. Chỉ nhớ là trâu bò và đồi rẫy của gia đình tôi không còn nữa. Sau này tôi mới biết là bố bán đưa mẹ đi mổ. Thấy mẹ về tôi mặc quần thủng mông ra mách với mẹ: "Bà nội toàn nấu canh rau lợn cho con ăn". Tôi đâu biết nhà đã hết tiền nên nội phải nấu canh rau khoai cho tôi ăn mát ruột.
Suốt 22, tôi chỉ có một mơ ước lớn nhất là mẹ được ăn cơm với thịt nạc. |
Đấy là chuyện của năm 1992. Từ đó cho tới lúc tôi đi học, mọi chuyện trong gia đình tôi đều yên bình, ngoại trừ cái nghèo ngày một tăng. Tôi còn nhớ, tôi đi học và nghịch ngợm nhất lớp, nhưng bao giờ cũng là học sinh đứng đầu lớp.
Tôi không thích học giỏi, vì học giỏi thầy cô bắt tôi ngoan, không cho tôi phá phách. Nhưng vì sao tôi vẫn đứng đầu lớp? Không phải các bạn tôi kém cỏi, mà ngay từ khi tôi còn bé xíu tập viết tập đọc, tôi đã biết phải cố gắng vì mẹ - tình yêu vĩ đại của tôi.
Tôi đứng đầu lớp thì ngoài giấy khen, cô sẽ cho tôi kẹo, cho tôi quà. Lớn hơn một chút, nhà trường thưởng cho tôi một món tiền tí hon. Tôi ghét học giỏi nhưng đã nỗ lực hết mình để những phần thưởng cuối năm đó không thuộc về tay ai hết. Chúng phải thuộc về tôi.
Tôi không tham lam, ai cũng bảo tôi hiền. Tôi không giành lấy những thứ đó để cho riêng mình. Trong ký ức của tôi những năm học ấu thơ luôn kết thúc vào hè. Đúng dịp ấy lúa ở quê đang chín rộ. Mẹ và chị gái đang xoài người gặt lúa trên đồng. Tôi nhảy chân sáo từ trường về đến tận chỗ mẹ với phần quà được thưởng trên tay.
Mẹ cầm những chiếc bánh, những quả mận, miếng dưa hấu đưa cho chị và xoa đầu tôi. Và như thế, tôi đã cố gắng cả năm để mang về những niềm vui bình dị cho mẹ. Tôi không khoe giấy khen, vì đến hết cấp 1 tôi vẫn ghét học giỏi!
Nhưng có một sự cố thay đổi suy nghĩ trong tôi. Năm ấy tôi hùng dũng bước vào mái trường cấp 2, trong khi lũ bạn rụt rè, e thẹn. Bố tôi gặp tai nạn, nặng lắm. Một lần nữa những thứ có thể bán được trong nhà lại lần lượt ra đi. Chưa bao giờ tôi biết đến chữ nghèo rõ ràng như thế. Và bạn bè của tôi đi đâu hết? Tôi nghe nói bố mẹ chúng bảo không nên chơi với tôi.
Tôi cố gắng chăm chỉ học hành để ra trường trả nợ giúp mẹ. |
Năm 2000, thế giới và đất nước chào thiên niên kỷ mới, còn tôi tiến hành một cuộc cách mạng cho riêng mình. Lần đầu tiên, một con bé 10 tuổi chong đèn thức để suy nghĩ vì sao phải đi học, học để làm gì. Tôi vẫn kịp tìm ra đáp án trước lúc ngủ gục trên bàn. Học để thực hiện một ước mơ duy nhất mà thôi.
Tôi đã lầm lũi học, đến lớp 6 tôi không ghét học giỏi nữa. Tôi quyết tâm phải là người giành vị trí số 1. Có lẽ thế mà những người bạn sau này gọi tôi là đứa con gái tham vọng. Nhưng tham vọng đó không phải là viển vông, nó nằm trong khả năng của tôi.
9 năm liền tôi đi bộ đi học. Ngày trời nắng tôi đầu trần, ngay cả nón mê của mẹ tôi cũng không dám đội. Vì nếu tôi đội, mẹ sẽ đi làm bằng gì? Nắng to quá tôi bẻ cành cây che tạm. Trời đổ mưa con đường trơn tuột, đôi bàn chân bé xíu bấm chặt lòng đường nhưng vẫn không tránh khỏi một vài chú ếch. Tôi thích nắng hơn mưa. Vì mưa tôi không có áo mưa đẹp như bạn bè mà chỉ có tấm nylon bạc phếch mẹ cắt cho.
Nhưng đến năm 2000, tôi không thể đi bộ đi học nữa. Vì trường cách xa nhà hơn 10 km. May mắn là mẹ mượn cho tôi chiếc xe đạp cũ của nhà bác. Tôi đã hồ hởi với con ngựa sắt của riêng mình. Đã có lần tôi bị thầy hiệu trưởng trường cấp 3 đuổi về. Thầy bảo tôi vi phạm quy chế, không đi dép quai hậu!
Phải, chân tôi chỉ đang đi đôi dép nhựa 7.000 đồng mẹ mua cho. Nhưng tôi đã chứng minh được mình ở giữa thị trấn giàu có đó bằng điểm tổng kết cao nhất nhì khối, bằng những chứng nhận học sinh giỏi các cấp. Những người bạn mới vô cùng yêu quý, song vẫn rất dè chừng trước một lớp trưởng vừa nhiệt tình và máu lạnh như tôi.
Bệnh tật của mẹ cứ tỉ lệ thuận dần theo thời gian và những tấm giấy khen tôi và anh chị mang về. Tôi biết tôi đang bòn rút sức lực của mẹ. Ước mơ ngày một nung nấu, tôi chỉ mong mau chóng làm được điều đó.
Mẹ tôi như một tổng kho bệnh tật. Mẹ bị úng thận, bị viêm sa dạ dày, bị suy tim, bị thoái hóa đốt sống, bị mọng mắt… bị ti tỉ thứ mà tôi không thể đếm hêt, và cũng không bao giờ dám đếm hết. Tôi không muốn khóc, tôi sợ rồi một ngày người tôi yêu thương nhất sẽ không còn trên cuộc đời này nữa.
Một lần tôi đã khóc, khi cô giáo giảng văn trích dẫn một câu nói rất hay về mẹ: "Thêm một người thế giới sẽ chật, nhưng vắng mẹ thế giới toàn nước mắt". Phải làm sao để người có thể ở mãi nơi này với tôi?
Cũng đến lúc phải xa rời vòng tay mẹ! Ấy là khi tôi bước chân vào giảng đường đại học. Khi nhìn chúng bạn hân hoan có bố mẹ ra thăm, nghe giọng đứa bạn cùng phòng nhõng nhẽo với mẹ qua điện thoại, tôi cảm thấy sống mũi cay cay. Tôi biết mình đang nhớ mẹ, nhớ nhà đến vô cùng.
Nửa đêm mùa hạ, cổ họng nghẹn đắng không thét thành tiếng, người đầm đìa mồ hôi tôi tỉnh giấc. Tôi mơ mẹ mất! Sáng mượn điện thoại gọi về, mẹ bảo thế là điềm lành đấy con ạ, yên tâm mẹ còn sống lâu. Thế mà tôi vẫn bắt xe bằng được về thăm mẹ, giật mình khi tóc mẹ bạc nhiều hơn. Thì ra điềm con mơ có thật, mẹ bị con lợn nái cắn thủng bụng chân mất nhiều máu. Đến ngày đi, cầm tiền của mẹ sao tôi thấy xót xa trong lòng.
Năm nay bão giá kinh hoàng quá. Mâm cơm ở nhà chẳng có gì, thậm chí gạo mẹ cũng hết rồi. Tôi vẫn chỉ là một sinh viên năm thứ ba chưa báo đáp được gì cho mẹ. Kỳ này được học bổng, tôi đã hứa cố sống cố chết thế nào cũng phải mua bằng được thứ quả mẹ thích ăn nhất để gửi về. Nhưng sau khi nhập viện vì sốt xuất huyết, chỉ một cân nho thôi nhưng tôi đã thất hứa.
Một năm nữa tôi ra trường và sẽ cố gắng hết mình để giúp mẹ trả nợ. Sẽ đến lúc tôi thực hiện được ước mơ của mình. Ước mơ ấy nhỏ nhoi lắm, nhưng tôi đã phải cố gắng suốt 22 năm. Ước mơ mẹ được ăn cơm với thịt nạc vì tôi biết mẹ chỉ đồng ý mua thịt nạc ăn khi gia đình hết nợ và chúng tôi thật sự trưởng thành.
Tôi vẫn biết phía trước còn nhiều khó khăn đón đợi. Nhưng tôi tin vào tình yêu tôi dành cho mẹ. Và tôi sẽ làm được "tham vọng" của riêng mình.
Chờ con, mẹ nhé! Sẽ đến ngày mẹ có thịt nạc ăn.
Đức Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét