Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Về Châu Đốc viếng núi Sam

Cuối xuân, vào mùa lễ hội, về đồng bằng sông Cửu Long, du khách đến Châu Đốc (An Giang) sẽ là một chuyến đi với nhiều khám phá. 

< Đỉnh núi Sam.

Nếu như bạn là một người có tâm nguyện, cầu mong sự tốt lành cho người thân, thì có thể viếng miếu Bà Chùa Xứ,  hoặc Tây An Cổ Tự hay Lăng Thoại Ngọc Hầu. Đó là những di tích với nhiều huyền thoại và truyền thuyết dân gian có từ thời tiền nhân khai mở đất phương Nam.

Một buổi sáng nắng ấm, trời quang, chúng tôi lên đỉnh núi Sam. Từ thị xã Châu Đốc, đi thêm 5km tới một ngã ba dưới chân núi, rẽ trái là đường đi lên đỉnh núi Sam. Con đường nầy có từ thời Pháp thuộc, nơi đây thuở xưa từng là một pháo đài trấn ải vùng “Châu Đốc tân cương” của quan binh nhà Nguyễn.

< Đường vô núi Sam (Châu Đốc) ngày xưa.

Núi Sam còn có các tên gọi khác như Vĩnh Tế Sơn hay Học Lãnh Sơn. Đó là một ngọn núi nhỏ, cao 284 mét, nằm lẻ loi giữa đồng bằng Long Xuyên, thuộc địa phận phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc. Từ xa, du khách nhìn thấy núi Sam trông giống một con sam biển… Có giả thuyết cho rằng thuở xa xưa, quanh núi Sam là một vịnh biển, các loài sam quần hội sống nơi đây. Về tên Vĩnh Tế Sơn - là do vua Minh Mạng cho đặt tên núi để ghi công của Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại) đã hoàn thành việc đào kênh Vĩnh Tế (1819-1824).

Văn bia Vĩnh Tế có ghi: “Nơi đây chầm ao, rừng rú mênh mông rậm rạp, cũng là chỗ thổ dân, khách trú, người Lào nương ngụ. Tuy có cảnh đẹp chuyện hay, nhưng cũng vẫn là một nơi rừng sâu, đá loạn, nổng gò mà thôi…". Đó là hình ảnh xa xưa của núi Sam và vùng phụ cận…

Thật thú vị khi bạn đi theo con đường quanh co theo triền núi. Hai bên đường là những vạt rừng tầm vông đều hân hấn như đũa giắt. Có khá nhiều những cây bụi, cây chồi tái sinh rậm rạp. Rừng nguyên sinh hầu như không có ở núi Sam bởi ngọn núi nầy đã bị khai thác từ rất lâu. Có một loài hoa quý phái, gặp rất nhiều ở núi Sam, ấy là hoa ti-gôn. Hoa ti-gôn hồng tươi bò, leo, quấn quýt trên những cây điệp, bằng lăng ổi, bình linh, trâm, mét trông rất đẹp. Thỉnh thoảng có tiếng chim rừng hót “hít… cô… hít… cô...” ngân xa vời vợi khiến khách nhàn du thoáng ngẩn ngơ rồi thích thú lắng nghe.

< Bệ đá từng là nơi pho tượng Bà Chúa Xứ ngự trên đỉnh núi Sam, trước khi được thỉnh xuống núi thờ trong miếu.

Đường lên núi dài chừng 1,5km. Lên đến đỉnh, du khách sẽ được hít thở không khí trong lành, mát mẻ mà quên hết mệt nhọc. Trên đỉnh, còn dấu tích một phiến đá thuộc loại trầm tích sa thạch màu xanh đen bóng, mịn nhuyễn, nơi pho tượng Bà Chúa Xứ ngự trước khi được thỉnh về thờ trong miếu dưới chân núi.

Gần tháp Pháo đài, dựa lưng vào vách núi có một ngôi miếu nhỏ thờ nho sĩ Trương Gia Mô, tự Cúc Nông (1866-1929), ông là một nhân sĩ của phong trào Duy Tân chống Pháp. Ông đã gieo mình xuống vực sâu của núi Sam, kết thúc cuộc đời vào một đêm cuối năm 1929 do bị bế tắc và trầm uất. Miếu thờ có bia tưởng niệm kể về thân thế và sự nghiệp của ông.

< Biệt thự nghỉ mát của bác sĩ Mô.

Ngôi biệt thự của bác sĩ Mô là một kiến trúc đẹp, hài hòa với những đường nét thanh thoát, xinh xắn, tao nhã nằm bên sườn núi. Nhà được xây bằng những viên đá núi hoa cương hình chữ nhật với mái lợp tôn giả ngói đỏ, ở mặt tiền tầng lầu có ban công hình chữ U, bao lơn tầng trệt hình bán nguyệt. Từ dưới lên biệt thự là những bậc tam cấp như cầu thang giữa thiên nhiên phóng khoáng. Toàn cảnh mô phỏng cách điệu mô-tip pháo đài thời trung cổ của châu Âu. Chung quanh nhà nghỉ được bao bọc, che mát bởi nhiều cây phượng cổ thụ, về mua hè hoa nở đỏ rực. Dọc con đường lên núi có nhiều chòi, quán võng bán nước giải khát. Du khách có thể thư thả nằm nghỉ, nghe tiếng lá cây rừng xào xạc, tiếng chim hót âm vang lúc gần, lúc xa. Vào buổi sáng hoặc buổi chiều có khá nhiều tốp trung niên, phụ lão đi lên xuống núi như một bài tập thể dục rèn luyện thể lực và sức khỏe.

Long Sơn Tự là một ngôi chùa đẹp với nhiều tượng Phật, bồ tát uy nghi, tự tại như đang nhìn bao quát thế gian. Thỉnh thoảng tiếng chuông chùa ngân vọng giữa núi rừng hoang sơ, tĩnh mịch khiến lòng khách du lâng lâng như thoát tục.

Mặc dầu núi Sam khá nhỏ bé so với những núi non hùng vĩ ở miền Trung, miền Bắc, nhưng đây là nơi có nhiều di tích lịch sử quốc gia do tính đặc thù của nó, với những dấu ấn của thời mở đất như lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ, Tây An Cổ Tự…

Nếu có cảm hứng, du khách có thể lai rai ở một quán cóc nào đó ven đường với những món “độc” của vùng núi Sam như bò xào lá giang, gỏi sầu đâu trộn khô cá lóc, canh chua cá ba sa bông điên điển.

Bò xào lá giang là một món ẩm thực độc đáo khá phổ biến, dễ làm và có hương vị rất đặc trưng của miền núi. Cây giang thường mọc trong vườn, đất đồi núi; cũng dễ tìm, nhất là khi trời sa mưa xuống, lá giang phát triển rất tốt. Ðây là một loại dây leo có màu xanh thẫm, không mùi nhưng lại có vị chua ngon ngót, giàu vitamin C và chất xơ. Ở vùng Châu Đốc, Thất Sơn hầu như ai cũng biết cách làm món ăn dân dã này. Cách chế biến khá đơn giản. Thịt bò tươi thái mỏng ướp gia vị xào với nước dừa, lá giang xắt thành sợi nhuyễn độ vài nắm tay. Khi thịt  gần chín thì cho lá giang vào, xào vừa héo là nhắc xuống, thêm ít nước cốt dừa và đậu phộng rang đâm nhỏ rắc lên mặt. Ngửi mùi khói bốc lên thơm lừng và nếu có thêm vài cốc rượu đế hoặc ít ly bia thì tuyệt hảo.

Gỏi sầu đâu (sầu đông, soan) là món ăn lạ miệng, hấp dẫn. Gỏi sầu đâu thường được chế biến từ lá sầu đâu non cùng khô cá tra, cá lóc hoặc khô cá sặt.

Gỏi sầu đâu mới ăn vào thấy nhẩn, đắng nhưng khi nhai, nuốt vào lại cho vị ngọt ngon bất ngờ. Đây là món ăn dân dã, yêu thích của người miền Tây, nhất là các tỉnh cận biên giới Campuchia. Và chắc chắn là nếu du khách về vùng núi Sam, Châu Đốc vào mùa nước nổi, thế nào cũng có dịp thưởng thức món canh chua độc đáo của miền Tây là canh chua cá ba sa nấu với bông điên điển.

Du lịch, GO! - Theo TBKTSG, internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét