Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

6 khoảng ngoài lương mà ứng viên cần chú ý

Trong thời buổi nhiều doanh nghiệp thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng như hiện nay, thì rất khó để thương lượng được một mức lương lý tưởng. Tuy nhiên, phúc lợi đâu chỉ dừng ở lương…
Nhiều ứng viên cho rằng mức lương là quan trọng nhất và thường cảm thấy thất vọng nếu nhà tuyển dụng đưa ra mức lương không như mong muốn. Trên thực tế, ngoài việc cân nhắc về các khoản như lương tháng 13, bảo hiểm…, ứng viên có thể khéo léo “tăng” mức lương đề nghị bằng việc thương lượng những phúc lợi đi kèm khác.


Dưới đây là 6 khoản ngoài lương mà các ứng viên cần chú ý đặt vấn đề với doanh nghiệp:
Phép năm
Ngoài số ngày phép theo quy định của pháp luật, một số doanh nghiệp có các chính sách khác về ngày phép cho nhân viên, chẳng hạn như nghỉ phép ngắn hạn không lương để tham gia khóa học tự túc, điều chỉnh giờ làm khi có con nhỏ… Với một số tổ chức nước ngoài, số ngày phép có thể được tăng thêm nếu cộng thêm các ngày lễ của nước sở tại mà công ty mẹ đặt trụ sở… Khoản phúc lợi về ngày phép thường chỉ dành cho các nhân viên đã gắn bó với doanh nghiệp nhiều năm. Tuy nhiên, nếu bạn là ứng viên sáng giá và cam kết làm việc dài hạn cho công ty, đừng ngần ngại hỏi về vấn đề này, nhất là khi bạn có kế hoạch học tập nâng cao hoặc có con nhỏ…
Thời gian làm việc linh hoạt
Ngoài công việc, bạn còn cáng đáng trách nhiệm gia đình và xã hội. Để đảm bảo kết quả công việc đồng thời không để mình phải tất bật tới lui, bạn có thể hỏi về chính sách làm việc theo thời gian linh hoạt. Chế độ làm việc này đảm bảo bạn vẫn có mặt ở công ty 8 tiếng mỗi ngày, hoặc đến khi hoàn thành công việc, nhưng không gắt gao giờ giấc khi nào đến, khi nào đi. Tùy theo đặc thù của công việc mà bạn đề nghị với nhà tuyển dụng khoản này. Tuy nhiên, nếu bạn làm ở vị trí tiếp tân hoặc dịch vụ khách hàng thì công ty khó lòng chấp thuận cho bạn vì khung giờ đã định sẵn cho những vị trí này.
Phụ cấp điện thoại, xăng xe
Giá cả leo thang và bạn cần tính toán chi phí đầu tư cho công việc. Nếu làm trong lĩnh vực bán hàng, giao hàng, thường xuyên phải giao tiếp qua điện thoại và di chuyển bên ngoài, bạn nên hỏi rõ công ty xem có phụ cấp cho nhân viên về những khoản này hay không. Đừng ỷ y cho rằng “những khoản này hẳn nhiên phải có” bởi mỗi công ty có chính sách khác nhau. Nếu bạn không đặt vấn đề với nhà tuyển dụng khi thương lượng hợp đồng, có thể sau này bạn phải nói “biết vậy, lúc trước mình nên hỏi…”
Xe đưa đón
Có thể mức lương nhà tuyển dụng là vừa phải, nằm trong khoảng mong đợi của bạn. Tuy nhiên, nếu công ty ở xa, hoặc ở tỉnh lân cận, chi phí cho việc đi lại là cả một vấn đề. Một số công ty sẽ sắp xếp sẵn xe đưa rước nhân viên, nhưng các doanh nghiệp khác sẽ yêu cầu tự túc và trợ cấp một phần. Với các vị trí cấp cao, nếu bạn sử dụng xe hơi riêng, cần hỏi chế độ phụ cấp về xăng, phí đậu xe… Những khoản tưởng chừng nho nhỏ này lại không hề nhỏ chút nào.
Thưởng thành tích
Hiếm nhà tuyển dụng nào có thể đưa ra mức lương quá hấp dẫn trong thời buổi kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, doanh nghiệp nào cũng có chế độ thưởng khuyến khích các nhân viên có thành tích nổi bật. Bạn cần tìm hiểu cơ chế thưởng, các yêu cầu và thông lệ. Nếu lương cơ bản không cao nhưng thưởng tốt, bạn cũng có thể cân nhắc công việc này.
Cơ hội trở thành cổ đông
Nhiều công ty có chế độ thưởng cho các nhân viên xuất sắc bằng cổ phiếu của công ty. Cách thức này không chỉ khuyến khích niềm tin và lòng trung thành của nhân viên, mà còn tưởng thưởng xứng đáng cho các đóng góp cho thành công của doanh nghiệp. Nếu ứng cử vào các vị trí cấp cao, bạn có thể lưu ý điều này.
Nếu trước đây lỡ bỏ qua các khoản phúc lợi này, bạn không cần phải đợi đến khi đổi việc rồi mới thương lượng lại. Bạn có thể đề xuất với công ty khi tái tục hợp đồng hoặc trong những trường hợp bất khả kháng, công ty gặp khó khăn và không thể lên lương cho bạn.
Dân Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét