Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Hà Nội kỳ nhân, kỳ sự (Kỳ 11) - Rạp chiếu bóng ở Hà Nội xưa

Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, Hà Nội vẫn chưa có rạp chiếu bóng. Tuy nhiên, sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, tại khách sạn Métropole người ta đã chiếu phim phục vụ khách nghỉ ngơi ở đây tại quầy Grand café.

< Quầy Grand café ở khách sạn Métropole là nơi chiếu phim đầu tiên ở Hà Nội.

Bộ phim được chiếu là phim câm Thần cọp và có thể khẳng định Grand café là “rạp” đầu tiên ở Hà Nội. Rạp chiếu bóng (thời đó người ta gọi rạp chiếu phim là rạp “chớp bóng”) theo đúng nghĩa đầu tiên ra đời ở Hà Nội là Pathé ở cạnh đền Bà Kiệu. Để có đất xây rạp, chủ rạp Aste người Pháp đã móc nối với Hội đồng thành phố phá một phần đền Bà Kiệu lấy mặt bằng xây rạp.

Rạp lợp tôn, kê ghế gỗ, khánh thành ngày 10.8.1920. Pathé bị phá năm 1941 để dựng tấm bia tưởng niệm Alexandre de Rhodes.

Tiếp đó tới rạp Tonkinois ở phố Hàng Quạt, trước khi trở thành rạp chiếu phim, Tonkinois là nhà hát Năm Chăn chuyên diễn tuồng, chủ Tonkinois là anh chàng Tây lai lấy vợ Việt Nam. Gọi là nhà hát nhưng thực ra chỉ là mấy ngôi nhà tư rộng năm gian khi diễn tuồng thì dẹp đồ đạc, thu gom quần áo, khán giả quây xung quanh chiếc đèn treo ba dây.

< Tại phố Nguyễn Xí, có một cái cổng nhỏ đi vào một rạp chiếu phim lấy tên là Palace.

Rạp chiếu phim đầu tiên vào ngày 12.6.1921 và sau đó chuyên chiếu phim trinh thám, phiêu lưu nhiều tập, phim về chiến tranh. Năm 1930, Tonkinois đã cho chiếu phim có lồng tiếng Việt để khán giả hiểu được nội dung. Sau khi Hãng phim và chiếu bóng Đông Dương (Indochine Films et Cinéma - IFEC) thành lập, hãng này cũng bỏ tiền xây rạp. Rạp đầu tiên của họ khánh thành vào năm 1924 là Palace, sau đó là Family (ở phố Hàng Buồm).

Năm 1930, một công ty chiếu bóng nữa do người Pháp làm chủ đã ra đời ở Hà Nội để cạnh tranh với IFEC, đó là Societé des cinéthéâtre d’Indochine. Thấy chiếu bóng là ngành kinh doanh béo bở, một số Hoa kiều cũng bỏ vốn xây dựng, nhưng họ chỉ xây rạp nhỏ, thuê phim của người Pháp và một số ít phim Hồng Kông, Trung Quốc để chiếu.

< Nhà hát lớn lúc đang xây.

Trước năm 1930, mỗi rạp chỉ đặt một máy chiếu, khi hết cuốn, thợ chiếu thay cuộn mới để chiếu tiếp. Màn ảnh được làm bằng vải trắng xung quanh viền vải xanh thẫm hoặc đen. Sàn phòng chiếu bằng phẳng và màn ảnh được đặt trên cao nên xem xong phim ai cũng bị mỏi cổ. Khán giả ngồi trên những ghế tựa hoặc ghế băng có tựa lưng bằng gỗ nhưng có vài rạp không có ghế ngồi mà ngồi dưới sàn. Rạp này có hai hạng, xem mặt chính thì trả hai xu, xem mặt trái thì chỉ mất nửa tiền.

Rạp Hội Âm Nhạc (nay là Nhà hát múa rối nước Kim Đồng ở phố Đinh Tiên Hoàng) thì hai phần ba phía trên là ghế tựa còn lại phía dưới là ghế băng và giá vé rất rẻ nên thu hút rất đông học sinh con nhà nghèo vào xem. Cuối những năm 1930, một số rạp mới có ban công và sàn được làm dốc, các hàng ghế được bố trí lệch nhau. Một số rạp lắp quạt trần để giảm nóng bức trong mùa hè và phân chia thành bình dân, sang trọng.

Những bộ phim đầu tiên được trình chiếu ở Hà Nội đều là phim câm, cho đến khoảng giữa thập niên 1930, khán giả mới được xem phim nói với bộ phim đầu tiên là Phía Tây không có gì lạ. Nhưng khi đó, ngôn ngữ trong phim là tiếng Pháp nên chỉ những người biết tiếng mới hiểu được và để khắc phục tình trạng vắng khán giả, các rạp cho dịch ra tiếng Việt, thuê người thuyết minh.

Cũng trong thời gian này, chủ rạp nhận thấy Tết Nguyên đán là cơ hội vàng cho doanh thu nên họ nhập những phim hấp dẫn rồi cho quảng cáo trên băng rôn căng trên phố, dán áp phích ở cửa rạp, quảng cáo trên các báo. Bên trong rạp, họ còn treo câu đối chúc tết, có hoa đào, nhân viên tươi cười niềm nở. Đặc biệt, rạp Majestic (nay là rạp Tháng Tám trên phố Hàng Bài) khi chiếu phim Tarzan, họ còn đưa cả cây đã cắt ngọn vào góc rạp để tạo cảm giác giống như cánh rừng nhiệt đới. Đi đầu trong chiếu phim tết là hãng Cinéma Théâtre, và để không bị lép vế IFEC cũng phải chạy theo.

< Cinéma Palace - rạp chiếu bóng sang trọng nhất Hà Nội xưa.

Trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai, giao thông đường biển từ Pháp tới Việt Nam bị Đức và Nhật phong tỏa đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển phim. Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp nắm quyền cai trị Đông Dương, bi quan trước tình hình kinh doanh, nhiều chủ rạp người Pháp đã bán lại rạp cho người Hoa. Để bù vào nguồn phim thiếu hụt từ Pháp, các chủ người Hoa đã nhập phim từ Hồng Kông.

Sau khi tiếp quản thủ đô năm 1954, chính quyền mới vẫn giữ nguyên các rạp và chỉ đến khi có chủ trương cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh thì các rạp buộc phải thực hiện công tư hợp doanh vào năm 1959, rồi sau thành rạp nhà nước. Nguồn phim Mỹ, Pháp không còn nên miền Bắc nhập phim của Liên Xô, Đức, Ba Lan... Thời kỳ này khu vực nội thành Hà Nội gồm bốn khu Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình và Hoàn Kiếm có thêm rạp chiếu do cải tạo lại các rạp hát. Nhiều nhất là khu Hoàn Kiếm với Tháng Tám, Kim Đồng (phố Hàng Bài), Bắc Đô (phố Hàng Giấy), Hòa Bình (trước là rạp Hội Âm nhạc ở phố Đinh Tiên Hoàng)...

< Hình ảnh về rạp cinéma cổ xưa nhất tại Việt Nam: Rạp Pathé do người Pháp xây dựng tại Hà Nội vào năm 1920.

Khu Ba Đình có rạp Đặng Dung. Khu Hai Bà Trưng có rạp Mê Linh (phố Lò Đúc), rạp Bạch Mai (phố Bạch Mai); Đống Đa có rạp Dân Chủ (phố Khâm Thiên), Đống Đa (phố Thái Thịnh). Tuy nhiên, Đống Đa không phải là rạp cũ, nó được xây dựng vào năm 1976. Các huyện ngoại thành có bãi chiếu bóng ngoài trời, Từ Liêm có bãi Cầu Giấy, Thanh Trì có bãi Mai Động, Gia Lâm có bãi Gia Lâm, riêng khu Đống Đa lại có bãi Khương Thượng. Mấy chục năm, các rạp chiếu phim ở Hà Nội chủ yếu dựa trên cơ sở vật chất sẵn có, ít được chú ý sửa chữa, nâng cấp. Không chỉ chất lượng âm thanh chưa bảo đảm, mà các công trình vệ sinh cũng kém, thậm chí có rạp giữa buổi chiếu quạt trần rơi xuống trúng đầu khán giả đang ngồi xem.

Tính đến năm 1927, cả nước Việt Nam có 33 rạp chiếu bóng, trong đó Hà Nội có 4 rạp, Hải Phòng 2 rạp, Huế 2 rạp, Chợ Lớn 4 rạp, Sài Gòn 4 rạp, Cần Thơ 2 rạp...
Năm năm sau, năm 1932, số rạp tăng lên nhanh chóng. Riêng Bắc kỳ có 27 rạp, Trung kỳ 11 rạp và Nam kỳ 13 rạp. Một số người Việt Nam bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh mới này và ở Hà Nội, nhà tư sản Vạn Xuân là người đầu tiên bỏ tiền xây rạp Olimpia (nay là Nhà hát Hồng Hà trên phố Hàng Da) vào năm 1936. Đến năm 1939, số lượng rạp chiếu phim tại Việt Nam lên tới 60.

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 - Kỳ 7 - Kỳ 8 - Kỳ 9 - Kỳ 10 - Kỳ 11 - Kỳ 12

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Ngọc Tiến (Thanhnien), internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét