Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Thăm di tích sân bay Tà Cơn

Nằm trên đường 9 huyền thoại, di tích sân bay Tà Cơn thuộc xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị là điểm dừng chân quen thuộc với du khách trong và ngoài nước trên hành trình khám phá “tour DMZ” (du lịch vùng phi quân sự).

< Du khách nước ngoài tham quan chiếc máy bay vận tải CH-47 trưng bày trong khuôn viên di tích sân bay Tà Cơn. Đây là loại máy bay chuyên vận chuyển người, vũ khí và lương thực trong những năm lính Mỹ tham chiến ở Khe Sanh.

Những ngày đầu tháng 9, lượng khách nước ngoài tham quan di tích sân bay Tà Cơn dường như đông hơn. Họ là những cựu binh Mỹ hay những du khách đến từ các nước Anh, Úc, CH Czech… tham quan để biết và hiểu thêm về cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân Việt Nam.

< Chiếc máy bay vận tải hạng nặng C130 của quân đội Mỹ tham chiến năm 1972 được trưng bày trên bãi cỏ sân bay Tà Cơn.

Khu di tích còn khá đơn sơ với năm chiếc máy bay (loại C130, UH-1,CH-47… ), ba chiếc xe tăng còn nguyên vẹn hoặc đã tan xác, hoen gỉ trưng bày trên những bãi cỏ. Đây là những máy bay, xe tăng mà quân đội Mỹ từng dùng tham chiến tại chiến trường Khe Sanh - Tà Cơn cách đây hơn 40 năm.

< Trực thăng lên thẳng UH-1, loại máy bay cơ động được lính Mỹ sử dụng nhiều nhất trong chiến tranh Việt Nam và chiến trường Khe Sanh.

Một nhà bảo tàng về đường 9 - Khe Sanh trưng bày những hình ảnh, vũ khí của lính Mỹ, lính quân đội chế độ cũ và quân giải phóng.

< Cận cảnh một chiếc xe tăng Mỹ tại chiến trường Khe Sanh.

Một bia đá tạc ghi chiến công lịch sử được dựng sau hàng chục loại bom mà quân đội Mỹ đã ném xuống miền tây Quảng Trị trong những năm 1965-1972. Kế đó, những công sự hầm hào, đài chỉ huy, đài liên lạc… được phục dựng trong khuôn viên sân bay cũng đang khẩn trương hoàn thành.

< Xác một máy bay của Mỹ từng tham chiến tại Quảng Trị.

Cách bố trí, phục dựng di tích của sân bay Tà Cơn hiện nay còn khá khiêm tốn, nhưng phần nào cũng giúp du khách hình dung về một thế phòng ngự liên hoàn, cơ động được quân đội Mỹ và lính chế độ cũ coi là một vị trí “cứng”, cơ động nhất trong cả hệ thống tập đoàn cứ điểm Khe Sanh.

< Một số trang bị của quân giải phóng miền Nam.

Toàn sân bay giống như một lòng chảo với bốn bề là núi non - vốn là những điểm đặt hệ thống hỏa lực lý tưởng, lại cách con đường 9 huyết mạch chưa đầy 3km.

< Du khách nước ngoài tham quan những trang bị, vũ khí sót lại của lính Mỹ trong nhà bảo tàng đường 9 - Khe Sanh.

Thế nhưng trước sức mạnh tiến công giải phóng Khe Sanh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tà Cơn đã trở thành chiếc ghế điện đối với liên quân của đối phương. Ngày 26-6-1968, quân Mỹ buộc phải mở đường máu rút khỏi Khe Sanh - Tà Cơn.

< Du khách CH Czech tham quan hệ thống hầm hào của lính Mỹ được phục dựng tại sân bay Tà Cơn.

Sau những thăng trầm dâu bể, ít ai có thể ngờ một nơi từng là nỗi khiếp đảm, là “địa ngục trần gian” đối với lính Mỹ đã trở thành những vườn cà phê ngút ngàn, những bãi ngô và lạc mơn mởn xanh.

“Thật kỳ diệu. chiến tranh đã qua đi, nhường chỗ cho hòa bình và sự sống đang từng giờ từng phút nảy nở trên mảnh đất này” - một Việt kiều CH Czech đã tâm sự với tôi như thế khi tham quan di tích nổi tiếng này.

< Những loại bom Mỹ ném xuống miền tây Quảng Trị những năm 1965-1972.

Cách TP Đông Hà khoảng 65km và cách cửa khẩu Lao Bảo khoảng 20km về phía nam, nằm trong tập đoàn cứ điểm Khe Sanh, sân bay Tà Cơn từng là một cụm cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ trong những năm 1966-1968.

< Người dân xã Tân Hợp trồng ngô và lạc, tận dụng những khu đất rộng rãi trong sân bay.

Địa danh này từng gắn với nhiều chiến tích trong chiến dịch giải phóng Khe Sanh năm 1968 và gắn với câu nói nổi tiếng chua chát của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James R. Schlesinger: “Tuy chúng ta đã ném cả danh dự nước Mỹ ra để giữ (Khe Sanh) và buộc hội đồng tham mưu trưởng liên quân cam kết bằng máu, nhưng cuối cùng cũng phải rút chạy”.

Du lịch, GO! - Theo Tiến Thành (Dulich Tuoitre)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét