Câu chuyện thứ nhất: Anh Nguyễn Thư Tần chia tay chị Trần Thị Loan cách đây hơn hai muơi năm.
Tình người sau chia tay |
Thời ấy, anh công tác ở ngành văn hóa, chị làm văn thư ở một cơ quan hành chính. Anh chị có hai con gái, một cháu tám tuổi, một cháu lên năm.
Tôi ở cùng khu tập thể với anh chị, biết khá rõ về cặp vợ chồng này. Anh chị sống đạm bạc, không tủ lạnh, không ti vi, gia tài có giá trị nhất là chiếc xe đạp mà anh chị vẫn chở nhau đi làm. Lối xóm chưa bao giờ nghe anh chị to tiếng, cãi cọ, nên khi biết họ đưa nhau ra tòa ly hôn, mọi người đều sửng sốt.
Sau cuộc ly hôn ở tòa án về, thấy anh vẫn chở chị bằng xe đạp, nói cười vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra, cả khu tập thể ai cũng ngạc nhiên. Tối hôm đó, anh sang nhà tôi, kể: “Tòa đã đồng ý cho ly hôn, giao hai đứa con cho cô ấy nuôi. Tôi cố giành một đứa lớn để chăm sóc cháu nhưng không được. Cô ấy trình bày: cô làm văn thư, không bao giờ đi công tác xa, còn tôi làm công tác văn hóa, quanh năm đi về các địa phương, không có điều kiện chăm sóc cơm nước và lo lắng chuyện học hành cho con nhỏ. Tòa án thấy cô ấy giãi bày hợp lý, hợp tình. Tôi băn khoăn là mình trút hết gánh nặng lên vai người vợ vừa chia tay, trong lòng không yên”.
Tôi hỏi: còn tài sản chia chác thế nào, mỗi tháng anh phải chu cấp cho các cháu bao nhiêu? Anh cười: “Tôi sẽ ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng, tất cả đồ đạc là của ba mẹ con cô ấy. Còn tiền phụ cấp hàng tháng là tùy tôi, cô ấy không đề ra mức cụ thể”.
Sau ly hôn, hàng tháng anh vẫn quay về thăm chị và hai cháu. Chị cho vợ tôi biết, mỗi lần về anh đều có quà cho các cháu và đưa một nửa số tiền lương của anh.
Giờ anh đã có gia đình riêng và có thêm hai cháu, còn chị vẫn ở vậy. Hai đứa con chung của anh chị tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định và đã lập gia đình mấy năm nay. Đám cưới của cô con gái lớn tổ chức năm 1998, ba năm sau là ngày cưới của cô em. Không những anh, mà vợ anh và các cháu con riêng của anh chị cũng đều có mặt. Cả hai đám cưới, anh đều là người đại diện nhà gái phát biểu. Anh nói ngắn, dí dỏm, chân tình.
Chúng tôi vẫn thấy các cháu con riêng của anh cũng đến thăm mẹ cả và hai chị. Nghe đâu hai chị còn là “nhà tư vấn” cho các em trong mọi chuyện, từ học hành đến việc riêng tư. Tôi không bao giờ “đọc” thấy nỗi buồn trên khuôn mặt đám trẻ…
Câu chuyện thứ hai
Anh Phan Quân là kiến trúc sư, đồng thời là một doanh nghiệp có ba cửa hàng ở ngay trung tâm TP.HCM. Một cửa hàng bán tranh và đồ lưu niệm, hai cửa hàng ăn uống. Vợ cũ của anh là diễn viên múa, công tác ở một nhà hát tên tuổi ngoài Hà Nội. Lý do gì hai anh chị chia tay, khi cháu Phan Hòa mới năm tuổi, chỉ có anh chị mới biết. Sau đó ít lâu, anh lấy vợ, chị cũng đi lấy chồng. Chị lấy một ông nhà văn, viết nhiều, đủ các thể loại, nhưng bạn đọc ít biết đến. Nhà văn và chị diễn viên múa có thêm với nhau một con trai. Hai anh chị sống với nhau được hơn tám năm thì căn bệnh hiểm nghèo buộc anh phải vào viện. Tiền chữa trị rất tốn kém, mỗi toa hóa trị ít nhất cũng ba triệu đồng. Nhiều người gợi ý viết bài đăng báo về hoàn cảnh khốn khó của nhà văn và diễn viên múa, để bạn đọc giúp đỡ. Anh gạt đi, chị cũng lắc đầu.
Qua bạn bè, Phan Quân biết hoàn cảnh của vợ cũ và người chồng sau, anh mang theo một số tiền và bay ra Hà Nội, đến ngay bệnh viện, nói với anh nhà văn như ra lệnh: tất cả thuốc men chữa trị cho anh, anh để tôi lo, hai vợ chồng anh không được từ chối việc này.
Phan Quân ở lại bệnh viện hai ngày, cùng người vợ cũ và hai cháu chăm sóc anh nhà văn. Vì bệnh tình quá nặng, hơn nửa tháng sau anh nhà văn qua đời. Từ TP.HCM, Phan Quân lại bay ra Hà Nội, cùng họ hàng hai bên lo đám tang cho nhà văn. Theo một người bạn có mặt trong đám tang hôm đó kể lại, Phan Quân đã nói với cháu Nguyễn Trọng Hào (con riêng của nhà văn): chú coi cháu cũng như anh Hòa, chú sẽ lo lắng cho cháu đầy đủ mọi mặt để cháu ăn học thành tài. Anh đã làm điều anh nói, gửi cháu con riêng nhà văn đi học đàn piano ở Canada, hợp với năng khiếu của cháu. Vừa rồi cháu đã về nước biểu diễn một vài nơi…
Tôi cứ nghĩ, vợ sau của kiến trúc sư Phan Quân phải là một người đàn bà nhân ái, đôn hậu, thì mới vui vẻ để anh xuất tiền bạc lo lắng cho đứa con riêng của chồng sau của vợ trước đi học ở nước ngoài, còn các con chung của cả hai người vợ đều học trong nước, vì lý do đơn giản như anh cho biết: học lực các cháu đều trung bình và không có năng khiếu gì đặc biệt nên xuất ngoại là… không thích hợp.
Câu chuyện thứ ba
Đây là chuyện trong gia đình tôi. Lương Xuân Hy, kỹ sư tin học, gọi tôi bằng cậu, kết hôn cùng cô Nguyễn Như Thùy, cử nhân ngữ văn. Cả hai đều dưới ba mươi tuổi. Kết hôn với nhau mới tám tháng thì ly hôn. Lý do, tôi biết rõ, anh chàng có bồ là một cô người mẫu. Theo lời khuyên của những người trong gia tộc, anh chàng đã xin lỗi vợ. Cô vợ cho là chồng mình vì bị tác động của gia đình mới hạ mình xin lỗi, chứ không thực lòng, chứng cứ là vẫn hò hẹn với cô người mẫu, nên kiên quyết không tha thứ. Cái gì phải đến đã đến, hai bên ra tòa ký giấy thuận tình ly hôn.
Cuối năm đó, giỗ bố tôi, cô Thùy mang trái cây đến thắp nhang trước bàn thờ ông ngoại của chồng cũ. Tất cả những người trong gia tộc nhà tôi đều cảm động.
Qua những lời chị tôi nói, tôi mới ngộ ra một điều: hôn nhân là hôn nhân, ly hôn là ly hôn, có điều người ta phải biết cư xử với nhau một cách có văn hóa sau khi… anh đi đằng anh, tôi đi đằng tôi… |
Mọi người cố tình xếp cháu vào ngồi cùng mâm với Hy, nhưng cô chỉ lẳng lặng gật đầu chào người chồng cũ, rồi sà vào bàn ngồi chung với các bà, các chị. Đám giỗ ồn ào và vui vẻ, cô Thùy chỉ ngồi im hóng chuyện, lâu lâu lại tủm tỉm cười. Chị tôi thấy vậy, liền đổi chỗ cho người ngồi sát cạnh cô con dâu cũ. Hai mẹ con gắp thức ăn cho nhau, chuyện trò thân tình như ngày xưa. Gần tàn đám giỗ, tôi mới nhận ra bà Nga, mẹ của Thùy ngồi ở bàn trong cùng. Hóa ra, cả hai mẹ con đều đến đám giỗ theo lời mời của chị tôi. Bà mẹ đến sớm, lúc tôi đang loay hoay trong bếp, giờ mới nhận ra.
Tàn đám giỗ, mọi người lục tục kéo nhau ra về, bà “thông gia” nán lại gặp riêng chị tôi và tôi để có lời mời đến đầu tháng sau tới dự đám cưới người con trai bà. Vài hôm sau, gia đình chị tôi và tôi đều nhận được thiệp mời. Chị tôi còn cho biết, cậu “con rể đã chia tay”, được gia đình gửi riêng một thiệp mời. Hôm sau, Hy đến nhà tôi cho hay: “Cháu đã sang bên họ nhà trai để xin phụ giúp những việc của đám cưới, như ký hợp đồng thuê xe, mời thợ quay phim chụp ảnh, nhưng gia đình cho biết, tất cả những việc đó đã có người làm chu tất rồi, bây giờ chỉ còn hơn chục thiệp mời nhờ cháu chuyển giùm. Thế là cháu cũng có việc làm để giúp đỡ gia đình bên đó, dù phải đi xa tận Gò Vấp, Củ Chi… Cháu nhất định làm tròn nhiệm vụ”.
Lễ cưới hôm đó được tổ chức ở một nhà hàng lịch sự. Tôi thấy thằng cháu mình lăng xăng chạy ra chạy vào, tiếp đón người này người nọ, bố trí chỗ ngồi cho họ hàng hai bên. Tôi biết, cháu làm những việc đó rất thực lòng, chu đáo như là đám cưới của anh trai mình. Tan tiệc cưới, cháu tôi còn nán lại, đứng ngay ở cửa ra vào, bắt tay, cám ơn bà con hai họ và bạn bè cô dâu chú rể. Trên đường về, tôi thưa với chị: Hai bên “thông gia” vẫn cư xử tốt đẹp với nhau, cả hai cháu vẫn vui vẻ với nhau. Theo em, là hai đứa có thể “tái hồi Kim Trọng”. Chị tôi cười: “Không được đâu cậu ơi, chuyện hai đứa không bao giờ hàn gắn lại được. Thằng cháu cậu không muốn, “cháu dâu” cậu cũng không muốn. Mỗi bên vẫn tìm đường đi riêng của mình”.
Qua những lời chị tôi nói, tôi mới ngộ ra một điều: hôn nhân là hôn nhân, ly hôn là ly hôn, có điều người ta phải biết cư xử với nhau một cách có văn hóa sau khi… anh đi đằng anh, tôi đi đằng tôi…
Nguồn: eva
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét