Các nhà khoa học tin rằng đây chính là lục địa Atlantis đã biến mất từ 10.000 năm trước mà các câu chuyện truyền thuyết hay nhắc tới.
Sử dụng robot có khả năng lặn dưới nước, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi hai nhà khoa học Paul Weinzweig và Pauline Zalitzki tìm cách hóa giải mối nghi ngờ về sự tồn tại của một thành phố kì vĩ trong lòng đại dương, cách bờ biển phía đông Cuba khoảng 700m. Hình ảnh thu được cho thấy các tòa nhà hoành tráng cùng một số bức tượng nhân sư, ít nhất bốn kim tự tháp khổng lồ và nhiều công trình kiến trúc khác. Nhưng điều đó vẫn không đáng kinh ngạc bằng việc thành phố này nằm trong Tam giác quỷ Bermuda huyền thoại – khu vực nổi tiếng bởi vô số vụ mất tích kỳ bí chưa rõ nguyên nhân, nhóm thám hiểm tiết lộ.
Bức ảnh cho thấy có ít nhất bốn kim tự tháp khổng lồ và nhiều công trình kiến trúc nằm dưới đáy biển. (Ảnh: Beforeitsnews)
Phát hiện trên khá phù hợp với những tư liệu truyền thuyết nói về sự biến mất của thành phố Atlantis do một trận lũ lụt, động đất hoặc phun trào núi lửa lớn. Theo các chuyên gia, thảm họa này xuất hiện vào giai đoạn cuối kỷ băng hà, khi mà hàng loạt chỏm băng Bắc Cực tan chảy với tốc độ nhanh chóng khiến mực nước biển toàn thế giới tăng lên đột ngột, khu vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là bán cầu Bắc. Đường bờ biển thay đổi, đất đai, đảo (thậm chí cả đảo lục địa) đều biến mất. Theo tính toán, ở giai đoạn trước đó, mực nước biển trên Trái đất thấp hơn ngày nay gần 120 mét.
Arclein giải thích: “Vào thời điểm này, phần nhô lên cao của sống núi giữa Đại Tây Dương bao gồm Lyonese và các hòn đảo, đất đai xung quanh Azores bị lún xuống, tạo ra áp lực trực giao buộc cả phía Đông và Tây cũng cùng lún theo. Vì sống núi giữa Cuba và Yucatan là điểm rất dễ đứt gãy nên khu vực giữa vịnh Gulf và vịnh Caribbean đã bị chìm xuống sâu. Đây là hiện tượng bắt nguồn từ sự thay đổi áp suất thủy tĩnh dẫn đến biến đổi của lớp vỏ Trái đất vào khoảng 12.900 năm trước”.
Cận cảnh công trình được cho là kim tự tháp khổng lồ. (Ảnh: Beforeitsnews)
Thành phố dưới nước này lần đầu tiên được phát hiện cách đây vài thập kỷ nhưng tất cả các chuyến thám hiểm đều bị ngừng lại do Cuộc khủng hoảng Tên lửa Cuba (Cuban Missile Crisis) - một cuộc đối đầu giữa Liên Xô, Cuba với Hoa Kỳ vào tháng 10/1962 thời Chiến tranh lạnh.
Giả thuyết về sự tồn tại của một nền văn minh tiên tiến càng được củng cố bởi hệ thống biểu tượng và chữ tượng hình cổ đại trên các hòn đảo Cuba giống hệt với nét khắc họa trong những cấu trúc dưới nước vừa tìm thấy. Ngoài ra, 4 kim tự tháp nơi đây (1 trong số đó làm bằng thủy tinh) có chiều cao vượt trội so với kim tự tháp Giza hay Cheops ở Ai Cập. Nguyên liệu xây dựng chúng là những phiến đá nặng hàng trăm tấn đã được cắt gọt và đánh bóng, trên đó có nét khắc kỳ lạ tương tự một loại chữ tượng hình Ai Cập ít biết tới, Fernandez nói.
Một cấu trúc khác chưa được xác định. (Ảnh: Beforeitsnews)
Nhận định về khả năng di tích này chính là lục địa huyền thoại Atlantis, Fernandez cho biết thêm: “... các nền văn hóa thuộc bán đảo Yucatan ngày nay có thể là tàn tích của nền văn minh bộ tộc Olmec ở Trung Mỹ xuất hiện trước nền văn minh Maya, trên hòn đảo gọi là Atlanticus từng bị nhấn chìm bởi một trận đại hồng thủy. Người Olmec và các tộc người bản địa khác đều có hình thái nguyên thủy đánh dấu sự xuất hiện của lục địa này. Những đặc điểm hình thái ấy cho thấy họ thuộc về ba nhóm người may mắn sống sót. Một trong số đó đã đến và định cư gần bờ biển Veracruz, hình thành nền văn minh Olmec. Số còn lại đến Trung Mỹ và bờ biển Thái Bình Dương, phát triển nền văn minh châu Mỹ như chúng ta biết ngày nay”.
Huyền thoại Atlantis về một thành phố giàu có, chứa đầy quyền lực và kiến thức đáng kinh ngạc bị chìm dưới đáy đại dương được biết đến đầu tiên qua miêu tả của nhà triết học Plato cách đây hơn 2000 năm. Theo tính toán của Plato, Atlantis là lục địa thuộc Đại Tây Dương, lớn hơn Lybia và Thổ Nhĩ Kỳ cộng lại, là con đường dẫn đến các đảo khác và từ đây con người có thể đi đến các châu lục.
Phát hiện của các nhà khoa học Canada là một bất ngờ thú vị, chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành khảo cổ nói riêng và giới khoa học nói chung, có khả năng làm thay đổi lịch sử nhân loại.
Kham phá