Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Đường lên đỉnh Đông Dương

Vẻ đẹp quyến rũ và huyền ảo của Fansipan, nóc nhà Đông Dương đã quyến rũ biết bao thế hệ. Nhưng đó không phải là nơi dễ đến, dễ đi.

Ngọn linh sơn

Qua bao nhiêu biến đổi, từ những hòn đảo cô độc giữa biển khơi, thành những linh sơn sừng sững che chở cho cả dải đất ven biển Đông. Hàng trăm triệu năm kiến tạo, hình thành cái nôi cho dân tộc Việt, đến giờ quá trình ấy vẫn chưa kết thúc, thỉnh thoảng lại gợi nhớ bằng những trận động đất trên lòng chảo Điện Biên, bằng những dư chấn nho nhỏ ở Hòa Bình và dọc theo thung lũng sông Hồng.

Giáo sư Lê Bá Thảo gói gọn thế này: “Đứng trên đỉnh núi cao nhất này của tổ quốc mà nhìn ra bốn phía chung quanh, chúng ta có thể thấy dàn ra trước mắt bao nhiêu là dãy núi trùng trùng điệp điệp trong phạm vi một bán kính 210km, bao gồm cả rìa cao nguyên Đồng Văn, vùng núi đá vôi Chợ Chu, miền đồi trung du Phú Thọ - Việt Trì, cao nguyên châu Mộc, miền biên giới Việt Lào và cả một phần đất của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Chúng ta không nhìn thấy biển Đông nhưng cảm thấy sự có mặt của nó qua những lớp mây trắng đang từ phía đó ùn ùn kéo đến, không thấy bóng dáng của dãy Trường Sơn nhưng chính vì thế mà càng cảm thấy đất nước ta rộng rãi biết chừng nào.

Ngay những bản Mông và của nhiều dân tộc anh em khác ở gần hơn chúng ta cũng không nhìn thấy được, nhưng chúng ta cảm thấy rất rõ những con người sống ở các triền núi này đều dũng cảm. Không có nơi nào bằng ở đây, con người phải hàng ngày đối mặt với một tự nhiên nghiêm nghị đến như thế và vì vậy, con người không được phạm sai lầm trong từng hành động nhỏ nhặt của mình. Họ phải luyện bước đi của mèo rừng và đôi mắt tinh khôn của chim đại bàng, cuộc sống giữa trời đất rộng rãi làm họ khỏe mạnh và chân thật”.

Fansipan hoang vu khôn cùng, xứ sở của núi cao, mây mù, thung sâu, có những hẻm núi, nơi chưa từng có dấu chân con người, là vương quốc của đại bàng và gấu. Cũng chưa có bất cứ ai, kể cả những cán bộ kiểm lâm lâu năm nhất đi hết khu vườn khổng lồ ấy, trừ một người, ông Trần Ngọc Lâm – kỳ nhân trên đỉnh Fansipan.

Là phần kéo dài của dãy Ailao Shan ở phía đông nam Hy mã lạp sơn, trên một chiều dài 280 km từ Phong Thổ đến Hòa Bình, đến bên bờ sông Mã, chiều ngang chân núi rộng nhất  khoảng 75km, hẹp là 45 km, gồm ba khối, khối Bạch Mộc Lương Tử, khối Fansipan và khối Pú Luông. Cả mái nhà đồ sộ này ẩn chứa bao điều kỳ lạ cùng những ngọn Tả Yàng Phình cao đến 3096m, Pu Song Sung cao 2985m và nhiều đỉnh tương tự cao từ 2.800m đến trên 3.000m. Nhưng kỳ lạ và bí ẩn nhất cùng là đỉnh Fansipan

Bao nhiêu loài thuốc quý?

Nhờ sự dẫn đường và thuyết minh của ông Lâm, chỉ một đoạn đường hơn 13 km, từ độ cao 2.000 m lên đến đỉnh 3.143, tôi đã được chiêm ngưỡng hàng loạt cây thuốc quý chỉ có trong sách đỏ. Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn – Sapa chứa đựng kho báu phong phú bậc nhất Việt Nam về các loài cây thuốc, cây cảnh, cây thực phẩm và cây gỗ.

Chưa ai kiểm kê chính xác các loài cây thuốc quý. Chỉ biết, số các loài cây đặc hữu ở đây chiếm 1/4 số loài đặc hữu của Việt Nam, riêng cây thuốc chiếm hơn 700 loài. Ngoài ra, còn trên 2.500 loài lấy được mẫu tiêu bản nhưng chưa xác định được tên họ của cây. Tại đây người ta còn tìm thấy loài nấm cổ linh chi, trong đó có những tai nấm nặng trên 6kg.

Vừa đi, vừa rủ rỉ… Những kiến giải đầy cuốn hút về những loại cây thuốc khiến cái đói, cái rét và sự mệt nhọc dường như tan biến. Đến độ cao 2.400 m, bất chợt ông Lâm rẽ vào một bụi cây rồi nghiêm cẩn nhấc từng cành củi khô đặt sang hai bên một nhành cây thân thảo mảnh mai hiện ra. “Giảo cổ lam đấy!”, giữa núi rừng hoang vu, giọng ông vốn nhỏ nhẹ, giờ như gió thoảng, như sợ ai nghe thấy. Hóa ra đụn gỗ rừng mục chính là cách ngụy trang của ông Lâm tránh sự sơ ý của người đi đường. Ông đã tìm ra Giảo cổ lam và Ngũ trảo long, hai thứ thuốc quý xưa nay mới chỉ tìm thấy trên những ngọn núi cao giá lạnh ở Tây Tạng và Nhật Bản.

Sống lâu trên Fansipan, ông Lâm sung sướng khi phát hiện ra đỉnh linh sơn này còn là một kho thuốc nam khổng lồ. Bệnh gì cũng có thuốc chữa. Thậm chí có cả những cây “thời thượng” nếu bắt được các Spa, salon làm đẹp sẽ mừng rơn, cây trâm ổi (khác hoa trâm ổi) làm trắng da… Rẻ tiền nhưng hiệu nghiệm.
Dưới đêm trăng mười sáu trong vắt, giá lạnh 00C trên độ cao 2.895m, cách Fansipan một vách núi hiểm trở. Chỉ có gió và trúc. Gió Fansipan không giống gió biển ầm ào, không giống gió rừng những ngày bão lũ. Không cuồng nộ mà quanh năm bời bời gió, cả ngày lẫn đêm, gió khiến không một ngọn cây thân gỗ nào trụ nổi.

Gió thổi làm cho thảm thực vật dán mình vào đá. Phủ kín mặt đất là trúc lùn, những bụi trúc thấp khoảng 25-30cm, cả thân cây trơ trụi, phần ngọn có một chút lá phất phơ, nên loài trúc này gọi là trúc phất trần. Xen kẽ là một số cây thuộc họ cói, họ hoa hồng, họ hoàng liên…Đất xương xẩu trơ cả gốc, gió thổi không ngớt, khí hậu lạnh… Rúc trong một bụi trúc tránh gió,  ông Lâm bảo đừng thấy lùn mà tưởng chúng ít tuổi.
Cách đây mấy năm, trong một lần tránh gió như thế này, ông đã tìm thấy củ thiết trúc nhân sâm ngàn năm tuổi. Thân cây chỉ vượt qua khỏi mặt đất chưa đầy gang tay nhưng bộ rễ của chúng dài tới hàng mét, đủ cả ngàn đốt, mỗi đốt một năm tuổi. Thời gian đã làm bộ rễ ấy hóa gỗ, hóa thành sâm.

Miên man thực và hư

Khắc đi khắc đến, cứ chậm rãi, đủng đỉnh mà bước, đấy là bí quyết đi núi của ông Lâm. Những cảnh tượng hùng vĩ và tráng lệ lần lượt được thu vào tầm mắt. Thật lạ, cứ qua mỗi một cao độ, vườn địa đàng Fansipan như một sân khấu lớn một lần thay phông.

Dưới chân núi là những cây gạo, cây mít, cây cơi với mật độ khá dầy tạo nên  những địa danh Cốc Lếu, Cốc San…Từ đây đến độ cao 700m là vành đai nhiệt đới, có những vạt rừng nguyên sinh rậm rạp, dây leo chằng chịt. Từ độ cao này trở đi là vành đai á nhiệt đới và ôn đới. Loài kim giao xuất hiện ở độ cao 1.700 m.

Trên hai nghìn mét là vương quốc của trúc cần câu. Đang đi, bỗng nghe một tiếng xao động ríu rít, rung chuyển mênh mông rất khác thường, ngày càng nhặt, ngày càng gấp, như sóng biển xô tới: ngửng lên bao lá trúc.

Cây trúc ở đây chỉ phần dưới là có lá, ngọn vàng cao vút, gắn bó với Sapa, thành danh với Sapa bằng truyện ngắn “Lặng lẽ Sapa”, Nguyễn Thành Long ví mỗi ngọn trúc ở đây là một ống sáo. Tiếng sáo trúc lạ lùng ấy lại làm cho mình thêm phập phồng, báo hiệu một cái gì còn kỳ ảo hơn nữa. Đúng: tiếng nhạc đưa mình đến một vườn hoa!

…Vào mùa xuân, suốt hàng cây số từ độ cao 2.400 m, hoa đỗ quyên nở rực rỡ trên các khe núi. Bên phải bên phải, bên trái, trên trời… Có người bảo, Fansipan tiếng Mông nghĩa là hoa đỗ quyên. Hoa đỗ quyên đỏ, đỗ quyên trắng…, hơn 30 loài hoa đỗ quyên, trong đó có những loài hoa đỗ quyên đặc hữu và được coi là đỗ quyên đại thụ, chỉ có ở trong rừng tự nhiên và trên độ cao này như đỗ quyên mộc, đỗ quyên hoa đỏ, thân gỗ vươn cao từ 10 – 15 mét, đường kính gốc tới 0,5 m.

Xen kẽ giữa đỗ quyên là địa lan. Bên những vách núi treo leo là tùng, làm vân sam, linh sam. Xù xì, khẳng khiu, đẹp như bonsai. Thật may, cảnh thần tiên ấy chỉ tồn tại được trên lưng chừng trời Fansipan. Vẫn giống cây ấy thôi, chỉ mang xuống thị trấn Sapa dưới chân núi là chúng đã ủ rũ mà chết. Nếu không, Fansipan có lẽ trơ trụi từ lâu rồi.

Thông Vân Sam Hoàng Liên, chỉ tìm thấy duy nhất tại Hoàng Liên Sơn và được ghi trong sách đỏ thế giới, trước đây chỉ sinh trưởng ở độ cao 2.200m – 2.400m, thì nay chỉ có thể gặp ở độ cao 2.400m – 2.700m. Cùng với nó, một số loài cây đặc hữu khác chỉ có ở Hoàng Liên Sơn như Thích Xi Pan, Thích Sa Pa trước đây chỉ sinh trưởng ở độ cao dưới 1.700m và nhiều loài thực vật khác cũng đang “leo” dần lên cao cùng với sự ấm lên của trái đất.

Khi không còn cảnh sắc tươi vui ấy nữa, rõ mười mươi là đã tới độ cao 2.600 m. Cây cối đột ngột trở nên rất dữ, địa y rất dày, và dưới chân, không phải đá nữa mà là mùn. Mùn này dày hàng mét, tích hàng trăm năm, nước đen đặc, mùi cay như mùi rượu, giẫm lên cứ nghe lùng nhùng, bập bênh. Đấy là Nguyễn Thành Long tả thế. Mà có lẽ cũng đúng thật. Chẳng biết có phải miên man giữa Fansipan mà không còn phân biệt nổi giữa thực tại và văn học?

Du lịch, GO! - Theo Thái An (Datviet), internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét