Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Nâng cấp QL25 - Đèo Chư Sê và đèo Tô Na.

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 25 (từ năm 2010) từ Gia Lai đi Phú Yên với kinh phí khoảng 2.076 tỷ đồng đã khai rộng một trong những lối ra biển gần nhất cho Tây Nguyên.

< QL25, ngày xưa là đường 7.

Đường 7, nay là quốc lộ 25 đi qua địa phận hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên có chiều dài 181km được người Pháp xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX. Điểm đầu của đường nối với quốc lộ 1A tại km1332 thuộc địa phận TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) và điểm cuối giao với quốc lộ 14 tại km567+ 800, thuộc địa phận huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai).

Trên tuyến QL này có đèo Chư Sê và đèo Tô Na:

< Đèo Chư Sê.

- Đèo Chư Sê là ranh giới giữa hai huyện Chư Sê và A Yun Pa. Đèo thuộc xã H Bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Trên đỉnh đèo Chư Sê có những cánh đồng cỏ rộng hàng ngàn ha với nhiều trang trại nuôi bò với quy mô lớn dọc hai bên đường lộ... tạo ra một khu dân cư nhỏ được mệnh danh là xóm bò hay xóm cao bồi. Dân ở đây hầu như đều chăn bò thuê, có nhà nhận đến cả trăm con.

< Đèo Tô Na.

- Đèo Tô Na là ranh giới tự nhiên giữa thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa, Gia Lai. Tuy chiều dài chỉ khoảng 3 km nhưng nhiều đoạn cua gấp, đường hẹp, xuống cấp nên rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Xe có trọng tải lớn, xe khách khó lưu thông khi qua đèo Tô Na nên phần lớn vẫn chọn quốc lộ 19.

Trải qua một thời gian dài quốc lộ 25 bị lãng quên đầu tư nên đã xuống cấp trầm trọng. Theo đánh giá của Cục Đường bộ Việt Nam lúc ấy, hiện trạng quốc lộ 25 chỉ đạt tiêu chuẩn đường cấp V miền núi - cấp đường thấp nhất hiện nay. Trên tuyến có nhiều đoạn đường đèo chỉ rộng 3,5 - 4,5m (đèo Tô Na thuộc địa phận huyện Krông Pa - Gia Lai), lớp láng nhựa mặt đường bị bong bật khá nhiều, đó là chưa kể đến việc có tới 34 cầu cũ tải trọng thấp đã bị hư hỏng nặng.

Do đó từ lâu, quốc lộ 25 đã mất sức cạnh tranh về chuyên chở hàng hóa, hành khách so với quốc lộ 19 (từ phố núi Pleiku xuống thành phố biển Quy Nhơn và ngược lại). Cùng với đó, bộ mặt kinh tế xã hội của các địa phương dọc theo quốc lộ 25 cũng chậm phát triển hơn so với nhiều tuyến đường khác. Vì thế, nhu cầu cấp thiết về mở rộng, nâng cấp để "đánh thức" quốc lộ 25 đã trở thành niềm khát khao của hàng triệu đồng bào Tây Nguyên từ nhiều năm nay.

Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 25 từ Gia Lai đi Phú Yên với tổng chiều dài gần 100km được thông qua với tổng mức đầu tư 2.076 tỷ đồng. Theo dự án, quốc lộ 25 được đầu tư mở rộng, nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, nền đường rộng 9 mét, mặt đường rộng 6 mét, đạt tốc độ thiết kế 60km/giờ. Toàn bộ mặt đường thuộc dự án sẽ được trải bê tông nhún cấp cao dày 12cm. Hướng tuyến cơ bản vẫn đi theo quốc lộ 25 hiện tại (có nắn chỉnh cục bộ) để phù hợp với cấp đường - Toàn dự án có 13 cầu được xây mới, trong đó có 2 cầu lớn, 3 cầu trung và 8 cầu nhỏ. Dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2012.

Cùng với quốc lộ 19, quốc lộ 25 khi hoàn thành sẽ là trục quốc lộ thứ hai trong vùng Bắc Tây Nguyên nối liền hai trục xuyên quốc gia là quốc lộ 1A và quốc lộ 14, đồng thời cũng là một trong hai tuyến đường nối Tây Nguyên tới các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Không những tạo ra một lối ra biển gần nhất cho Tây Nguyên mà còn “đánh thức” tiềm năng phát triển kinh tế- xã hội nhiều tỉnh thành của Việt Nam, Lào và Campuchia.

Du lịch, GO! - Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét