Nha Trang một ngày tháng 3. Ba giờ rưỡi sáng, khi không khí ngoài trời còn hơi se lạnh, tôi khoác vội chiếc áo dài tay, cưỡi chiếc gắn máy cà tàng chạy theo chiếc Vespa của anh bạn nhiếp ảnh.
Dọc đường Trần Phú về hướng bắc, chúng tôi vào quốc lộ 1A đi Ninh Hòa. Từ Ninh Hòa, đi về phía đông bắc, vào quốc lộ 26B, sau hơn chục cây số, chúng tôi vào làng sản xuất muối Ninh Diêm thuộc khu vực Hòn Khói, tỉnh Khánh Hòa.
Làng muối với những cánh đồng muối rộng lớn hắt lên màu sáng mờ của bầu trời lúc sáng sớm. Mặt trăng còn soi mình trên mặt ruộng nhưng hơi ấm đã bốc lên từ những cánh đồng muối khi càng đến gần.
Nghe những người dân làm muối kể lại, từ bao đời ông cha họ gọi tên nơi này là Hòn Khói, khi triều đình nhà Nguyễn dạy người dân đốt lửa trên đỉnh núi tạo khói để báo hiệu có giặc ngoại xâm cướp bóc.
< Đồng muối Ninh Diêm.
Hòn Khói, nằm bên vịnh Vân Phong, gần khu du lịch Dốc Lết, nổi danh nhờ muối lâu nay. Với ba mặt giáp biển, vùng đất nơi này ngập mặn không thuận tiện cho việc phát triển các ngành trồng trọt. Có lẽ vì thế mà hầu hết bà con nơi đây đều làm muối. Khi người Pháp chiếm Việt Nam, họ cũng khai thác muối và gọi nơi này là Hone-Coché.
Ngày nay, dù nhiều khu vực xung quanh đã có những công trình công nghiệp sản xuất hiện đại như nhà máy xi măng, nhà máy đóng tàu, Hòn Khói vẫn phát triển nghề làm muối, dù giá cả sản vật này cũng khiến diêm dân nhiều phen điêu đứng.
< Gánh muối từ ruộng lên bờ.
Tiếng nói chuyện rì rầm là âm thanh mà tôi nghe được khi đến gần cánh đồng muối đang được thu hoạch trước khi nhìn thấy bóng người. Hừng sáng phía đông rõ hơn, người dân và chiếc bóng của họ in trên mặt ruộng muối từ từ hiện ra trước mắt. Những cái dáng cong cong trên đồng muối, những đôi quang gánh trĩu nặng đang di chuyển từ ruộng lên bờ qua chiếc cầu dốc nhỏ.
Đàn ông thì cuốc, cạy những tảng muối dưới đáy ruộng rồi cào vun muối thành đống; chị em phụ nữ gánh muối ướt từ ruộng lên đổ thành từng đống trên bờ. Nhiều phụ nữ có số năm gánh muối nhiều hơn tuổi đời của tôi.
Lang thang ở cánh đồng muối, tôi chẳng nhìn rõ gương mặt của một phụ nữ nào trong cả trăm người đang chuyển muối lên bờ kia, nhưng những tiếng cười thì tôi nghe rõ. Tất cả đều trùm kín từ đầu đến chân nhưng ánh mắt lạc quan và tiếng cười vui vẻ là điều dễ nhận thấy nhất.
< Trời sáng tỏ thì chia phiên nhau ăn sáng.
Các anh các chị vẫn kể những câu chuyện cười, những câu đùa hóm hỉnh mà tôi nhớ từng nghe đâu đó, nhưng tiếng cười của tôi không sảng khoái như tiếng cười của người lao động nơi đây. Đống muối cứ chất cao dần như núi, và tiếng cười càng vang xa, tỉ lệ thuận với chiều cao của những đống muối.
Đếm bước chân cho mỗi vòng gánh, ước tính, họ cũng đi mỗi ngày vài chục cây số và gánh cả trăm gánh muối. Người vun cào cứ vun cào, người gánh cứ gánh. Những câu chuyện không đầu không đuôi mà tôi nghe được có đủ mọi thứ. Từ chuyện gia đình con cái, bạn bè người yêu, đến giá cả mớ rau, con cá tăng lên hàng ngày.
< Diêm dân mong ngày nắng vì đó là thời gian họ được làm việc và kiếm được tiền.
Trời sáng tỏ thì chia phiên nhau ăn sáng. Lúc này, tôi mới có cơ hội nhìn rõ ánh mắt long lanh trên khuôn mặt đẫm mồ hôi của từng người. Họ thay nhau giải thích những công đoạn biến những giọt nước biển thành những hạt muối trắng tinh trước mắt tôi.
Mùa làm muối ở Hòn Khói thường bắt đầu vào tháng ba dương lịch và kết thúc vào tháng 9. Thu hoạch muối là thời gian vui nhất vì đây là thời điểm có nhiều người làm chung. Cứ đào, cào, vun, gánh cho đến khi những tảng muối cuối cùng trên ruộng này hết, họ lại chuyển qua ruộng khác thu hoạch.
Ngày làm việc của họ bắt đầu từ ba, bốn giờ sáng và chỉ ngưng khi dọn hết cánh đồng muối. Dù nắng miền trung hắt cái nóng vào mặt những người lao động, bà con vẫn vui mừng hơn là chứng kiến việc trời chuyển mưa. Ngày nắng là thời gian người lao động thực sự được làm việc và kiếm được tiền từ việc làm muối.
Du lịch, GO! - Theo Kim Dung (Tinnong)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét