Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Những nẻo đường Tây Nguyên (3): Rượu Ghè Bana

Trong một tháng trời lang thang ở xứ Gia Lai, em có cái may mắn được thưởng thức tất cả các loại Rượu ghè ngon nhất, do chính tay các già làng Bana làm và chứa trong những ghè (choé) lâu năm nhất. Nếu dựa vào chất liệu làm ra rượu, ta có thể chia rượu ghè Gia Lai ra 3 loại: rượu làm từ bắp, từ khoai mì (sắn) và từ hạt bo bo… (haggard04)

Rượu ngon Tây Nguyên: Rượu Ghè (tiếng Bana: sơdrô)

Trong một tháng trời lang thang ở xứ Gia Lai, em có cái may mắn được thưởng thức tất cả các loại. Rượu ghè ngon ngất, do chính tay các già làng Bana làm và chứa trong những ghè (choé) lâu năm nhất.

Nếu dựa vào chất liệu làm ra rượu, ta có thể chia rượu ghè Gia Lai ra 3 loại: rượu làm từ bắp, từ khoai mì (sắn) và từ hạt bo bo.

Xét về chất lượng thì rượu làm từ khoai mì là kém nhất: rượu chỉ ngọt nước đầu, đến can thứ 3 (can là đơn vị đo mực rượu uống của ngườu Bana) là nhạt thếch.

Rượu bắp và bo bo được xếp ngang hàng về chất lượng nước cốt (nước cốt nhiều, ngọt thơm nồng, đến can thứ 9, thứ 10 vẫn còn thơm ngọt). Một số người thích uống bobo hơn do khi uống độ rượu mạnh hơn, cảm giác lâng lâng sớm hơn. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, rượu bắp uống vừa êm, vừa dịu nhưng lại…nhanh gục hơn cả bo bo. Điều đặc biệt là rượu bắp dù uống có nhiều đến mấy thì sau khi ngủ dậy vẫn thấy thư thái nhẹ nhõm như chưa từng say, còn rượu bobo uống thường thấy nặng đầu.

Nước dùng để uống rượu ghè là nước suối múc từ hố nước đào ven suối, hố đào xong để qua một đêm cho lắng rồi múc về chứa torng những trái bầu khô (loại bầu một nậm). Nước suối để trong trái bầu khô có vị ngọt mát rất riêng (cả cái mùi ngai ngái nồng nồng cung rất đặc trưng nữa), khi dùng nước ấy đổ vào ghè rượu, nước trong ngọt hoà với cốt rượu, khoảng 5 phút sau ngấm cốt, tạo ra thứ rượu thơm ngon say đắm. (em có mang một ghè rượu thuộc loại quý về thành phố, nhưng dùng nước suối đống chai đổ vào, cứ thấy không đúng vị).

Rượu ghè có thể nói là rươu nhẹ, nhưng rượu nhẹ uống lắm cũng say. Em vốn chẳng dám say, ấy vậy mà lên Gia Lai cũng không tránh khỏi tai kiếp.

Ngày đội em đặt chân đến bản cũng là ngày trong bản có đám tang, theo đúng tục lệ, để tỏ lòng thương tiếc với dân làng và lòng kính trọng với người chết, người đến làng phải đi một vòng quanh nhà sàn, uống mỗi ghè rượu nửa can. Nghe xong mà em tâm thần chấn động, kinh hãi vô cùng nhưng không thể quay đầu, đành nhắm mắt đưa chân. Vận dụng hết mọi thành công lực, thêm cả mánh mung tiền bối chỉ dạy cuối cùng cũng qua ải.

Than ôi! Khó khăn chồng chất khó khăn, 2 vị “trùm” một già làng, một trưởng bản đang chờ sẵn, cười vang “Giỏi! Giỏi”. Ấy cũng là vì “Giỏi! Giỏi!” ấy mà em phải chịu đạn thêm 2 li rượu gạo. Uống xong đầu óc quay cuồng, tuy nhiên vẫn đủ tỉnh táo để thốt lên “Nham, nham” (ngon, ngon). Rồi sau đó bỏ về đến nhà rông không kịp họp hành dặn dò đội, sáng hôm sau 50 nhân mạng vật vờ, đành mất một buổi sáng cho nghỉ ngơi và chuyển điểm ở cho một nửa quân số.

Từ thủa cha sinh mẹ đẻ, đấy cũng là lần đầu tiên biết thế nào là say rượu, thề một lần cho biết rồi…thôi!

Còn tiếp
Những nẻo đường Tây Nguyên (1): Gia Lai
Những nẻo đường Tây Nguyên (2): Pleiku
Những nẻo đường Tây Nguyên (3): Rượu Ghè Bana
Những nẻo đường Tây Nguyên (4): Núi rừng Tây Nguyên
Những nẻo đường Tây Nguyên (5): Kongcharo
Những nẻo đường Tây Nguyên (6) : Đà Lạt

Haggard04
Du lịch, GO! - Theo Vysa, ảnh bổ xung từ internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét