Cứ thắc mắc rằng vì sao làn da người con gái Thái ở Tây Bắc lại căng mịn và tràn sức sống. Để lý giải chúng tôi đã có cuộc thâm nhập vào tận cùng của nơi này.
Người Thái ăn theo nước, người Mông ăn theo mây, người Dao theo lửa... Đúc kết về tục của đồng bào các dân tộc đến nay vẫn nguyên giá trị. Lâu nay, dòng sông Đà là một phần quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống của người Thái vùng Tây Bắc.
Điểm khởi nguồn mà chúng tôi tìm đến là dòng khoáng nóng dưới chân đèo Sam Sip. Đây là mạch nguồn khoáng nóng phun từ lòng đất lên nuôi dưỡng biết bao cô gái Thái đẹp như hoa ban rừng độ bung nở ở Mường Chiến, Mường La. Vùng đất được ví như Đà Lạt của Tây Nguyên, như Sa Pa của Tây Bắc.
Nơi tiên cảnh của vùng Mường La có dòng suối Chiến vắt qua mây để đưa nguồn nước hợp lưu với dòng sông Đà kỳ bí. Khi chúng tôi đến Mường Chiến để tìm về điều kỳ diệu nào đã làm nên cái đẹp của các cô gái Thái ở đây thì được thầy giáo Vũ Duy Thi, Hiệu trưởng trường THCS Ngọc Chiến cho biết: “Trước tiên tôi thấy khí hậu ở đây tuyệt vời. Ít khi nóng quá 30 độ C. Tôi đi vùng cao Sìn Hồ dạy học đã nhiều năm, tôi thấy những cô gái Thái ở ven sông Đà đều có nước da trắng hồng. Ở Mường Chiến cũng vậy, các cô gái Thái có nét đẹp hoang sơ lắm…”.
Đến đây sẽ không thể tìm được nhà nghỉ, phòng trọ nhưng có thể vào bất cứ gia đình nào. Họ quý khách như người thân, giúp có nơi ăn ngủ thịnh soạn cùng gia đình ở gian nhà sàn pơ mu trang trọng nhất.
Còn dòng Suối Chiến thì sao? đây là nguồn nhỏ hòa vào sông Đà ở đoạn Mường La. Nơi ấy, có dòng nước nóng ngàn đời tuôn chảy để nuôi dưỡng những nét đẹp chứa chất hương rừng gió núi của cô gái Thái. Tôi đã ghi nhận thực tế từ Mường So, Phong Thổ đến Mường Chiến, Mường La và dòng “tiên nữ” sông Đà vào các buổi trưa và chiều hè oi nóng.
Những cô gái Thái luôn chọn dòng nước tự nhiên để phục hồi sức lao động sau khi từ nương trở về. Họ e ấp nhưng không e ngại, ngay cả khi sự có mặt của những người miền xuôi. Bởi những dòng suối đó là “vùng trời” của phong tục bà con đồng bào Thái.
Những dòng sông nhỏ của ven trời Tây Bắc đều bắt vào dòng sông “tiên nữ” - sông Đà. “Em soi tóc trên cầu Nậm Cản. Tóc em bay xõa sóng sông Đà...”. Nậm Cản còn đó một bản nằm bên bờ sông Đà thuộc huyện Mường Lay, Lai Châu. Từ xa xưa đến nay, cùng với Mường So, Phong Thổ thì Nậm Cản được mệnh danh là nơi “tiên nữ chỏa mình”.
Người miền xuôi khi được nhìn thấy những cô gái vùng vẫy dưới nước sông Đà thấy đẹp và lạ lẫm. Họ để mình trần xuống nước nhưng lại không phàm tục. Người Thái bao giờ cũng có chiếc váy tắm riêng để tắm suối. Khi làn nước ngập đến đâu thì váy nâng lên đến đấy. Họ cứ thế cho đến khi nước ngập chỉ còn lại búi tóc trên mặt nước. Và mỗi khi tắm xong, người con gái lên đến đâu thì váy từ từ buông xuống cho đến khi lên bờ, chì còn để lại cho người thấy những mơ mộng trong tâm tưởng…
Tiên cảnh ấy trên Sông Đà đã có từ bao đời nay, và đến khi người xuôi biết tục đẹp này của đồng bào Thái đã gọi đó là dòng tiên sa.
Giờ thì tiên cảnh nơi dòng sông Đà đã hiếm dần. Và có thể những người con gái Thái sẽ đẹp trong câu kể vào tương lai không xa. Có những bản đã phải chuyển đi nơi ở mới để cho dòng điện ngày mai. Có những bản vén lên cao trên núi để cho nước dâng vào thủy điện. Những sinh hoạt đã đổi thay, những phong tục phải theo cuộc sống mới. Dòng “tiên nữ” đã vặn mình đổi thế, nước về xuôi cho những nguồn sáng của tương lại. Người Thái hy sinh và họ chấp nhận hy sinh vì việc chung lớn của đất nước. Song cũng không khỏi chạnh lòng về dòng nước gắn với đồng bào cả ngàn năm giờ trở thành đoản khúc.
Bà Đỗ Thị Tấc làm ở Hội VHNT tỉnh Lai Châu, chuyên tâm nghiên cứu về văn hóa và cái đẹp của đồng bào Thái cũng tiếc than với dòng sông Đà bằng những lời gửi gắm: “Tôi đã đi mòn chân cửa núi. Tôi đã đi bạc tóc của người. Nhưng cửa nước tôi không ngăn nổi. Tuổi ơi dưới đáy cũng sao trời…”. Vì sự phát triển ngày mai, con sông “tiên nữ” đã vặn mình đổi dòng, tích nước nhấn chìm biết bao nét đẹp văn hóa…
Mỗi khúc sông, khúc suối đều mang trong mình một truyền thuyết về sự kỳ diệu của thiên nhiên. Đi từ điều thường nhật trong cuộc sống, tắm sông là nét đẹp văn hóa, nó chỉ có giá trị ở nơi gắn bó với con người bao đời qua.
Đối với đồng bào Thái ở ven sông Đà, tắm suối, gội đầu là nét sinh hoạt vùng, và nét sinh hoạt đó chỉ giữ nguyên giá trị ở nơi họ sinh ra. Đồng bào Thái ven sông Đà hy sinh cho dòng điện đồng nghĩa với hy sinh nét đẹp văn hóa của đồng bào mình. Tục mà ngàn đời qua họ vẫn cho rằng đó là nét văn hóa linh thiêng không thể thiếu.
Quỳnh Nhai, Sơn La là vùng đất để hội tụ những ngày lễ tắm và gội đầu lớn nhất vùng của người Thái. Đây là vùng có dòng sông Đà trữ tình nhất, và dễ dàng cho các cô gái Thái buông suối tóc chảy theo dòng sông để hóa tất thành “tiên nữ” vui chơi. Giờ cả thị trấn Quỳnh Nhai đã trở thành đáy của lòng hồ thủy điện Sơn La.
Những quá khứ đẹp về cuộc sống, về nét đẹp mà chỉ có đồng bào Thái ở ven sông Đà còn thuần khiết đã không còn nữa. Năm ngoái, cuộc thi té nước gội đầu ở Mường So, Phong Thổ như một lễ lớn để chỏa tất cả những hy sinh của đồng bào Thái xuống dòng sông Đà. Đó là cách hy sinh, nhưng đó cũng là cách để tạ lỗi với vị “thần tiên nữ” vì sự đoản khúc giữa thiên nhiên sông Đà với những nét sinh hoạt bao đời bị mất đi.
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ ANTĐ và nhiều nguồn khác
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét