“Chúng ta cần nỗ lực thúc đẩy một nền văn hóa tôn trọng, một nền văn hóa đề cao sự đa dạng, tôn trọng quyền lợi và sự khác biệt giữa các cá nhân”.
Nội quy của Trường Hoàng tử Edward
Ở đây tôi không nêu tên cụ thể từng đứa nhưng chúng sẽ biết tôi đang nói về đứa nào. Tôi biết một đứa trong số chúng sẽ không chịu được bị ai giục giã, thúc bách, không bao giờ, dù bằng cách nào đi nữa. Nếu tôi thúc giục nó thì nó sẽ chây ra và tôi không thể khiến nó làm gì được.
Nó là đứa cần phải nói ngon nói ngọt, dụ dỗ thì mới chịu làm nhanh hơn. Đứa con khác của tôi thì lại luôn luôn cần phải kiềm chế tốc độ làm việc. Tôi phải tôn trọng và hòa với sự khác biệt của từng đứa. Đơn giản tôi chỉ phải làm vậy.
Nhóm của bạn cũng tương tự như vậy. Một số người có thể làm việc nhanh nhẹn, một số người khác thì không. Có người thì bạn cần phải kìm hãm tốc độ làm việc, có người thì bạn phải thúc giục họ làm nhanh hơn. Người thì đến làm việc với một nụ cười vui vẻ, người khác thì không. Có người rất thạo về công nghệ, người thì không. Bạn hãy xem lại những gì Belbin nói trong Quy tắc 2 và xem các thành viên trong nhóm của bạn có những mặt nào khác nhau để giao công việc phù hợp cho họ. Chính sự khác biệt đó giúp cho nhóm của bạn trở thành một nhóm làm việc hiệu quả.
Với con tôi, nếu tôi muốn làm việc gì nhanh thì tôi biết phải chọn đứa nào. Nếu công việc không vội vã và đòi hỏi cách làm việc có phương pháp hơn thì tôi chọn đứa phù hợp với công việc đó.
Bạn không được sa thải ai chỉ vì người đó khác biệt với người khác. Cách bạn đối xử với những khác biệt của các cá nhân, cách bạn lựa chọn nhiệm vụ và lựa chọn người phù hợp để thực hiện nhiệm vụ mới là điều quan trọng. Tất cả chúng ta không ai giống ai, cảm ơn Chúa. Nếu như thế giới này ai cũng giống như tôi thì quả là tồi tệ. Chính sự khác biệt đã làm cho nhóm hợp tác với nhau một cách hiệu quả.
Vậy ví dụ như bạn quản lý một nhóm bán hàng và hầu hết các thành viên trong nhóm đều ăn mặc đúng kiểu cách, nói năng đúng mực (như bạn) với khách hàng, tuy nhiên một thành viên trong nhóm lại thích ăn mặc khác lạ và hay tán gẫu với khách hàng thì bạn cũng đừng coi anh ta là người “không hòa hợp với nhóm”. Bạn hãy đánh giá anh ta dựa vào kết quả công việc của anh ta. Nếu như anh ta đạt được mục tiêu của mình và được khách hàng quý mến thì bạn hãy tôn trọng sự khác biệt của anh ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét