Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Quy tắc 26: Hòa nhập với từng thành viên trong nhóm

“Bạn là người duy nhất, bạn có kỹ năng làm việc đặc biệt có thể đáp ứng được những yêu cầu của công ty và khiến cho lãnh đạo của công ty phải thuê bạn. Bạn cũng có một phong cách làm việc với người khác và phong cách đó gần như đã trở thành một khuôn mẫu của bạn. Khi phong cách làm việc của bạn đáp ứng được nhu cầu công ty và thỏa mãn được yêu cầu của các thành viên khác thì bạn sẽ gặt hái thành công”.
Stephen C.Rafe, Chủ tịch Công ty Rapport Communications
Quy tac 26 Hoa nhap voi tung thanh vien trong nhom
Hòa nhập phong cách làm việc của bạn với người khác không có nghĩa bạn là một kẻ xu nịnh. Ngược lại, điều này có nghĩa rằng bạn phải thông cảm với từng cá nhân trong nhóm và hợp tác với họ.
Bạn có thể gặp rất nhiều thành viên muốn được ca ngợi trước đám đông và bạn cũng có thể phải làm việc với những người thích trầm lặng.
Họ là những người hướng nội, nếu bạn khen ngợi họ trước nhiều người thì họ sẽ cảm thấy vô cùng xấu hổ. Họ muốn bạn hãy nói riêng với họ rằng họ đã làm việc rất tốt. Như vậy bạn chỉ cần thay đổi phong cách của mình mà không phải thay đổi cả dáng vẻ bề ngoài hoặc tính cách.
Một nhân viên trong nhóm của tôi là người xuất sắc. Cô ấy làm việc rất hiệu quả nhưng lại hoàn toàn không thích được ca ngợi và tìm mọi cách để lảng tránh điều này. Cô ấy rất khó chịu khi phải nói về bản thân mình dù dưới bất cứ hình thức nào. Cô dường như thật sự sợ hãi và bị ám ảnh bởi việc người khác khen ngợi mình.
Tôi phải thay đổi phong cách của tôi một cách đáng kể khi tôi thực hiện việc đánh giá quá trình làm việc trong vòng sáu tháng của cô ấy. Lý do là vì chỉ cần cô ấy nghe phong thanh rằng tôi đang có ý định thực hiện việc đánh giá về quá trình làm việc của cô thì cô ấy sẽ rơi vào trạng thái lo lắng, hốt hoảng.
Một nhân viên khác trong nhóm của tôi mỗi buổi sáng tới chỗ làm thường nở nụ cười vui vẻ chào tôi và hỏi: “Tôi làm việc thế nào hả sếp?” Anh ta rất thích được nói về mình và thích nhận được bản đánh giá sau mỗi ngày làm việc - nếu tôi cho phép.
Cả hai nhân viên trên đều làm việc rất tốt. Họ sẽ không có tên trong nhóm nếu như họ không làm tốt phần việc của mình. Tuy nhiên mỗi người cần được đối xử theo cách hoàn toàn khác nhau. Tôi muốn họ tiếp tục làm tốt phần việc của mình. Tôi phải cư xử với họ theo những cách khác nhau để tận dụng được khả năng tốt nhất của họ.
Cũng tương tự như vậy, có người lại không thích sự can thiệp của người khác. Họ muốn tự tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề. Nếu như cần sự giúp đỡ (họ là những người rất nỗ lực, muốn tự thân vận động) thì họ sẽ tìm tới bạn và nói cho bạn hay.
Có người thì lại muốn bạn trực tiếp hướng dẫn công việc và đưa ra các chỉ dẫn cụ thể để họ thực hiện. Bạn đừng quản lý quá sát sao người thích được tự do làm việc nếu không họ sẽ chống đối và nổi giận với bạn (họ còn có thể bỏ bạn mà đi).
Cũng như thế, bạn đừng đánh giá thấp những người muốn bạn hướng dẫn tỉ mỉ bởi họ có thể cảm thấy căng thẳng vì thiếu sự hỗ trợ cho công việc và họ sẽ không làm việc chăm chỉ. Bạn hãy nghĩ về từng thành viên trong nhóm, hãy tính xem họ cần gì và khuyến khích họ, tuỳ theo đó mà tìm cách điều chỉnh phong cách quản lý của bạn với từng cá nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét