Ngày ấy, bà Trinh là chị cả trong gia đình có 3 chị em, cũng là cô giáo trường làng nổi tiếng với nét chữ đẹp và nhiều danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Cùng làng với cô có anh Hồ Đức Tín, hơn cô 2 tuổi, cũng là một thanh niên năng nổ với các hoạt động đoàn thể ở địa phương.
Tháng 2/1965, anh Tín gác bút nghiên, lên đường nhập ngũ trở thành người lính báo vụ, phụ trách Đài vô tuyến 15W ở Khu trung tâm tiền phương chiến trường Hướng Hóa, Quảng Trị.
Sau mỗi lần hành quân hay chiến thắng giặc, anh lính đều viết thư về cho Trinh. Cô giáo trường làng cũng đáp lại tình cảm bằng những lời động viên, chia sẻ. Cứ thế, tình cảm của họ lớn dần qua cánh thư.
Ở chiến trường, anh báo vụ viên năm xưa đã được cân nhắc lên làm Đài trưởng viễn thông của đơn vị. "Mỗi lần nhận được thư của người yêu, anh tự hào khoe với tất cả đồng đội. Chúng tôi còn nhớ như in những bức thư dài cả chục trang giấy với lời ước hẹn và thề nguyền sắt son khiến ai cũng ghanh tị và khâm phục", ông Vũ Quang Cảnh, người bạn thân cùng đơn vị với anh Hồ Đức Tín kể lại.
Năm 1969, anh Tín có một chuyến công tác và được ghé về quê 3 ngày. Đó cũng là dịp cô giáo Trinh được kết nạp Đảng. Họ chỉ có một ngày chủ nhật cùng nhau đi chơi quanh xóm. Nói qua thư được nhiều là thế, nhưng gặp nhau ai cũng ngại ngùng, e thẹn. Trưa đó, anh lính rủ cô giáo qua nhà mình chơi và ăn cùng gia đình một bữa cơm đạm bạc. Ngày hôm sau, người lính lại trở về mặt trận B5.
Trong bức thư sau ngày hôm đó, có một dòng chữ mà cô giáo Trinh ân hận tới giờ, ấy là lời ngại ngùng, xấu hổ: “Em ăn với anh bữa cơm ấy là bữa đầu tiên mà cũng là bữa cuối cùng thôi đó!”. Trong bức thư trả lời, anh Tín quả quyết : “Anh sẽ cùng ăn cơm với em suốt quãng đời mình, từ thế kỷ 20, đến sang cả thế kỷ 21”.
Kể từ đó, những lá thư của họ đã chính thức là những bức thư tình yêu với những lời chan chứa yêu thương. Anh lính đã luôn mơ về một tương lai và “muốn Trinh sẽ là một người con dâu tốt của gia đình anh”.
Ở chiến trường, anh Tín đã chuẩn bị đầy đủ cho cô dâu của mình từ nón, dép, áo quần, cả chiếc gối do chính tay anh thêu.
Ngồi vân vê bức ảnh liệt sĩ, bà Trinh kể: “Anh ấy rất khéo tay, không chỉ thêu gối mà còn có khăn thêu tặng tôi nữa, trong khi đó tôi vẫn còn vụng về... Nhận tin anh ấy báo về xin cưới, nhưng tôi cũng không dám nói cùng ai, chỉ biết đợi trông phấp phỏng. Hoàn cảnh tôi lúc đó, không cho phép mình nghĩ quá xa”.
Ngày 30/4/1971 âm lịch, anh Tín lên báo cáo chỉ huy đơn vị, xin cắt phép về quê cưới vợ. Nhưng ác nghiệt thay, tối 1/5, sau bữa cơm chiều, trận bom Mỹ đã đánh vào đơn vị. Tín cùng 2 đồng đội khác hy sinh.
Đồng đội rưng rưng khi xếp lại những bức thư của hai người, món quà cưới ấp ủ niềm vui của anh giữa bom đạn khốc liệt.
Ở nhà, cô giáo Trinh chờ hết tháng 5, tháng 6 mà không có tin gì của anh Tín. Sang tháng 7, cô nhận được bức thư của một người đồng đội. Nhận thư, giữa giờ lên lớp, cô đã ngất lịm đi. Cả một lớp học cũng lặng phắc trong nỗi ngơ ngác. Đồng nghiệp hôm đó đã phải dìu cô về nhà.
Dù rất muốn chạy sang nhà bố mẹ của người yêu để báo tin nhưng cô giáo sợ cả hai ông bà sẽ quỵ ngã, bởi trước đó, em trai của anh Tín cũng đã hi sinh.
Những tháng ngày sau đó, với cô giáo Trinh là những tháng ngày “chân đi như không vững". Chiếc khăn dù kia như vẫn còn nguyên hơi ấm bàn tay anh. Cô đã quàng lên cổ mình như một niềm tự hào, như ngầm khẳng định rằng mình đã có nơi, có chốn. Rồi, trong những suy nghĩ triền miên, cô lại hy vọng rằng bức thư báo tin ấy là không có thật. Biết đâu là sự đùa giỡn, biết đâu là sự nhầm lẫn?
Sau cái Tết năm 1972, một người đồng đội của anh Tín ở xóm dưới về phép và có nhắn cô xuống nhà chơi. Anh trao lại cho cô toàn bộ thư từ của anh Tín, kể rõ hơn về sự hy sinh của người cô yêu thương.
Quãng đường trở về hôm đó, có lẽ là quãng đường dài nhất, khó khăn nhất trong đời cô. Đêm về, cô chong đèn, sống cùng những bức thư, những nét chữ của anh. Ngày nào cũng vậy, sau giờ lên lớp, cô trở về góc nhỏ quen thuộc trong căn nhà mình. Nước mắt cứ cạn dần, cạn dần sau bao đêm trắng... Rồi lòng tự nhủ lòng, thôi hãy vững tâm lên để sống, để làm việc, để có thể ngẩng đầu mỗi khi sang “bên ấy”, nơi mà anh đã ước ao rằng cô sẽ là “một người con dâu tốt”.
Cô gói lại những bức thư đẫm nước mắt đem gác lên trên mái nhà, để rồi, sau hôm đó, mỗi lần đi dạy về, cô lại ngửa mặt lên trần nhà, nơi cất giữ kỷ vật tình yêu mà vẫn không nguôi nước mắt.
Lời hẹn ước sẽ trở thành vợ chồng hình như không lúc nào phai nhạt tâm trí bà Trinh. Bà lao vào công việc, đăm đắm chăm lo cho các em sau khi bố mẹ lần lượt qua đời. Là cô giáo dạy giỏi, lại đảm đang, tháo vát, nhiều người vẫn không hiểu vì sao bà không lấy chồng, dù không ít đám dạm hỏi. Bà cũng cứ lặng lẽ thế, không một lời giải thích, giữ cho riêng mình một quá khứ thẳm sâu. Bà ở với em trai chăm lũ cháu lớn lên. Từ chối những nơi dạm hỏi.
“Thật ra, trong tôi có lúc nào mà rời được những suy nghĩ về anh Tín? Có lúc nào không đinh ninh những lời anh dặn? Tôi thương anh ấy, thương cái phút giây anh ngã xuống khi mà đang nghĩ mình sắp chạm tới hạnh phúc đơn sơ. Và tôi tự hứa với anh, với mình, sẽ mãi là người phụ nữ thủy chung của anh ấy”, bà Trinh tâm sự.
Với suy nghĩ đó, bà đã xin phép bên nhà anh Tín được lập một bàn thờ, đưa ảnh của anh về để nhà mình và tự nhủ rằng, chồng mình đã hi sinh...!
27/7/2012
NPTT(Theo VnExpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét