Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Quy tắc 46: Rút kinh nghiệm từ những sai lầm

“Thất bại trong công việc cũng có phần nào đó giống như sự tan vỡ của một mối tình lãng mạn. Nếu bạn không rút ra bài học từ những sai lầm thì chắc chắn bạn sẽ tiếp tục lặp lại những sai lầm đó trong công việc tiếp theo.
Nhiều chuyên gia rất muốn tự giải thoát khỏi những công việc tồi tệ hoặc là sợ bị thất nghiệp. Họ chuyển hết công việc này tới công việc khác giống như cách ai đó cư xử trong những mối quan hệ cá nhân. Nếu bạn đã từng bị thất bại mà bạn không tìm hiểu xem điều gì đã làm bạn gục ngã thì tự bạn sẽ vấp ngã tiếp trong các lần sau”.
Bradley G Richardson trong cuốn “Tiếp tục tiến lên phía trước, rút ra bài học từ những thất bại trong công việc”.
Tất cả chúng ta đều có lần phạm phải sai lầm. Nếu chúng ta là những nhà quản lý sáng tạo, nhà quản lý đổi mới tuyệt vời thì chúng ta đã không mắc sai lầm. Tuy nhiên nhiều nhà quản lý lại muốn che giấu tất cả những sai lầm của họ. Họ che đậy, giấu giếm và không muốn nhớ tới chúng.
Bạn, một nhà quản lý tài năng, thì không được làm như họ. Bạn không được trách mình, cũng không được ngồi để hối tiếc một cách đau khổ.
Thay vào đó, bạn phải phân tích tìm ra những lý do khiến bạn mắc sai lầm, bàn bạc với đồng nghiệp để biết tại sao nó lại sai và lập kế hoạch để không lặp lại sai lầm.
Sai lầm có thể là ở khâu đánh giá không chính xác, khâu bán hàng không hiệu quả, ở một bản báo cáo không tốt hoặc là do việc quản lý thời gian và các nguồn lực không hiệu quả, việc không hoàn thành kế hoạch đúng thời hạn. Khi bạn liệt kê xem có bao nhiêu sai lầm thì bạn có thể thấy rất nhiều.
Trở thành nhà quản lý đòi hỏi phải có một quá trình không ngừng học hỏi kinh nghiệm. Bạn không được đứng yên một chỗ và không được cho rằng mình biết tất cả mọi thứ. Bạn không nên và không thể làm như vậy.
Bạn có thể tìm đến những người đáng tin cậy, những cuốn sách hay để giúp bạn có những bước đi đúng đắn. Đặc biệt những nguồn này rất hữu ích với bạn nếu như bạn nhận được những lời khuyên ngắn gọn, súc tích, sống động và thực tế.
Sai lầm là điều rất quý giá vì chúng không chỉ dạy cho ta biết chúng ta sai ở chỗ nào mà chúng còn cho ta biết cách để sửa chữa. Khi bạn phạm phải ít sai lầm hơn, bạn sẽ trở thành nhà quản lý tài giỏi hơn, kinh nghiệm hơn, có khả năng ảnh hưởng lớn hơn. Chúng ta ai cũng có thể mắc sai lầm, chúng ta hãy biết thừa nhận, biết rút ra kinh nghiệm và tiếp tục tiến lên phía trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét